Trọn đời 'đắm đuối' với dân ca quan họ

Làng Diềm tên nôm của thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh nằm bên dòng sông Cầu. Người yêu quan họ vẫn cứ đến hẹn mà tìm về ngôi làng cổ ấy để nghe câu quan họ.

Cách đền thờ đức Vua Bà thủy tổ quan họ chừng mấy mươi bước là nhà Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Bàn. Cụ Bàn năm nay ngót cửu thập. Tuổi già nhưng câu hát của cụ Bàn vẫn phơi phới sức xuân. Nghe cụ hát cứ ngỡ như bao nấc “vang, rền, nền, nẩy” lại dội về sao mà say đến lạ. Nhắm mắt lại, những câu ca luyến láy, nhấn nhá, rung giọng, hạt nảy cứ vang lên trong tâm thức ngấm sâu tận cõi lòng.

Cụ Bàn vốn vui chuyện, gặp khách dù lạ hay quen cũng hồ hởi như cởi tấm lòng. Tuổi hát gần bằng tuổi đời nên cái duyên quan họ đã ngấm sâu vào trong tâm hồn của cụ. Ngay từ thủa lọt lòng, những cô bé, cậu bé làng Diềm đã được các bà, các mẹ ru bằng những câu quan họ. Lên 7 tuổi, bé Bàn về ở với bà ngoại. Nhà bà chứa bọn quan họ và có nhiều người đến học hát. Ngồi trong buồng, nghe bà dạy câu nào là bé Bàn nhẩm thuộc ngay câu đó.

 Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Bàn (bên trái) cùng học trò cũ.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Bàn (bên trái) cùng học trò cũ.

Năm 11 tuổi, bé Bàn được các chị hai xin bà cho vào bọn quan họ đi chơi hội xuân. Bà ngoại may cho cháu áo tứ thân, mặc váy sồi chân bước thấp cao trên nẻo đường đê. Cô bé lém lỉnh ấy được các chị yêu quý cho sang chơi làng kết chạ quan họ. 16 tuổi, Nguyễn Thị Bàn đã đứng ra lập một bọn quan họ có hơn 10 người. Chị Bàn thuộc nhiều bài nhất và đứng đầu bọn nên dạy lại cho mọi người hát quan họ. Những năm kháng chiến, giặc vào làng, chị tham gia du kích, công tác hội phụ nữ nhưng vẫn duy trì hoạt động của bọn quan họ. Sau mỗi trận càn, bên ánh đèn dầu, những câu hát thầm để che mắt giặc thù vẫn cứ âm ỉ bền cháy.

Hát từ những năm tháng chiến tranh cho đến ngày hòa bình lập lại, vào hợp tác xã, bà Bàn vẫn hát. Cho mãi đến năm 1990, địa phương đứng ra lập đội quan họ và mời bà làm đội phó dạy hát cho lớp kế cận. Với “lưng vốn” khoảng 300 bài quan họ cổ, bà Bàn cứ cần mẫn như con tằm rút ruột nhả tơ dạy cho hết thế hệ này đến thế hệ khác. Những nghệ sĩ nổi tiếng của dòng dân ca quan họ Bắc Ninh, như: Thúy Cải, Thúy Hường, Quý Tráng, Quang Vinh… cũng đã bao lần khăn gói đến nhà ngồi nghe bà dạy từng câu ra, câu đối, biết lề lối quan họ, cái ăn, cái ở, ứng xử giao tiếp sao cho nhã nhặn khiêm nhường.

Chơi quan họ lâu là ngấm. Đó là thứ men say đã theo cụ Bàn ngót tám chục năm. Qua nghe chuyện lại thêm trân quý báu vật sống của làng Diềm. Hiện cụ Bàn là người duy nhất trong làng còn hát được điệu Hừ La. Đây là điệu hát khó. Nhờ thuộc nhiều câu, nắm được lề lối, cụ Bàn đã góp sức cùng với các ban, ngành để Không gian văn hóa quan họ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Niềm hân hoan tuổi già khi quan họ được vinh danh nên cụ Bàn chẳng nề hà, hễ có ai đến nhà hay mời đi hát là cụ sẵn lòng. Tiếng ca được chắt chiu qua mấy mươi xuân càng thêm đậm đà đằm thắm. Cụ nhớ có anh người Nhật tên là Miro đằng đẵng về làng Diềm 3 năm để tìm hiểu quan họ, còn cô bé Loren người Mỹ cũng mất khoảng một năm đến theo cụ để nghe hát.

Đã truyền dạy được bao lớp người nhưng cụ vẫn thấy băn khoăn một điều là quan họ cổ có lề lối, hát chậm rãi ngân vang nhưng giờ đây khi biểu diễn người hát bỏ đầu bỏ cuối, hát thì nhanh để khớp theo nhạc. Nhiều khi được mời làm giám khảo chấm các cuộc thi hát quan họ trên tỉnh, cụ lại thấy tiêng tiếc. Học trò giải thích rằng hát biểu diễn phải vậy, cốt sao các cháu còn yêu quan họ để khi về địa phương hoạt động phong trào cổ vũ mọi người cùng hát. “Thôi thì thời buổi nó vậy, người ta yêu quan họ, học và hát quan họ cũng đã là mừng lắm rồi”, cụ Bàn bộc bạch.

Giờ cụ tuổi đã cao, lại thêm bệnh tiểu đường cùng viêm họng hạt cản trở nhiều đến lời ca tiếng hát, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Bàn vẫn cố gắng truyền dạy lại cho các lớp sau những câu quan họ cổ, để mỗi khi hội về, cụ lại khăn vấn áo nâu thong dong ra đền Vua Bà gặp lại bạn cũ người xưa, ngồi chung canh hát mà ý nhị thưa rằng: “Dạ hôm nay tứ hải giao tình, anh hai, anh ba quan họ dặm trường sang chơi, chúng em xin có đôi lời, để đáp lại tấm lòng hữu hảo của quan họ liền anh ạ!”. Những khi ấy, cụ như được trở về với tuổi thanh xuân, làm chị hai quan họ rút ruột tơ lòng cất lên câu ca tha thiết mặn nồng, đằm thắm.

Bài và ảnh: VŨ DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tron-doi-dam-duoi-voi-dan-ca-quan-ho-574108