Tròn 10 tuổi, G20 vẫn cần thiết hơn bất kỳ lúc nào khác

Hội nghị thượng định Nhóm G20 tại Buenos Aries (Argentina) cuối tháng 11 này sẽ đánh dấu kỷ niệm 10 năm kể từ khi G20 ra đời. Trong thập kỷ vừa qua, quản lý toàn cầu đã chứng kiến sự thay đổi sâu sắc, và G20 đang ngày một khẳng định vai trò quan trọng của mình.

Trở lại năm 2008, khi đó các thị trường tín dụng đóng băng, các thị trường chứng khoán lao dốc và các công ty tài chính thì sụp đổ. Trong 12 tháng kể từ tháng 4/2008, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo phát triển toàn cầu năm 2009 từ 3,8% xuống còn 1,3%. Đáp lại, G20 đã giúp điều phối kích thích tài chính linh hoạt với mức tăng GDP trung bình năm 2009 và 2010 là hơn 2%, và tăng khoản vay mượn từ các ngân hàng phát triển đa quốc gia với số tiền lên tới 235 tỷ USD. Có lẽ thành tích lớn nhất lúc đó là tránh được các chính sách “bần cùng hóa người láng giềng” và chính sách bảo hộ từng dẫn đến Cuộc Đại suy thoái.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, công việc của G20 đã chuyển sang các vấn đề cấu trúc, như cải cách quản trị và tăng trưởng ổn định. Vẫn còn có những cam kết nổi bật quan trọng. Cam kết giảm khoảng cách giữa lực lượng lao động nam giới và nữ giới xuống 25% đến năm 2025, tăng thêm hơn 100 triệu nữ giới vào lực lượng lao động toàn cầu. Một cam kết khác là cắt giảm chi phí tiền gửi xuống mức 3% đến năm 2030, cung cấp thêm 25 tỷ USD mỗi năm đến năm 2030 cho những người cần nó nhất. Tuy nhiên, G20 cũng đã không làm tốt ở một số lĩnh vực. Nó đã không đáp ứng được mục tiêu nâng tăng trưởng toàn cầu lên 2% thông qua các cải cách cấu trúc sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tham vọng của G20 là sẽ đem lại lợi ích cho các thành viên.

Tuy nhiên, môi trường toàn cầu đang gặp thách thức - có lẽ là nhiều hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chúng ta không còn sống trong một thế giới nơi tất cả các nước lớn chấp nhận các thể chế và hiệp định đa phương - Hiệp định Paris, Các mục tiêu phát triển ổn định, và WTO. Đôi khi cái G20 đạt được bị giới hạn trong các cuộc thảo luận của các quan chức và các nhà lãnh đạo, song chúng ta vẫn nên lạc quan về G20 vì một số lý do. G20 là đỉnh cao của hệ thống dựa trên luật lệ toàn cầu, là nền tảng vững chắc nhằm đem lại lợi ích cho các quốc gia thông qua làm việc cùng nhau. G20 cung cấp một chiếc bàn cho các nhà lãnh đạo để họ có thể giải thích về thế giới quan và tìm kiếm sự hiểu biết lẫn nhau. Và có rất nhiều hành lang trong đó các nhà lãnh đạo có thể có các cuộc thảo luận thẳng thắn nhằm giúp giảm bớt sự chia rẽ.

G20 gồm nhóm G7, tất cả 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tất cả 5 nền kinh tế mới nổi trong nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Các thành viên chiếm khoảng 85% đầu ra của nền kinh tế toàn cầu, 84% đầu tư toàn cầu và 63% dân số thế giới. G20 đã tránh bệnh quan liêu vốn ám ảnh các diễn đàn quốc tế khác. Không có ban thư ký thường trực. Sự điều phối được cung cấp bởi các vị chủ tịch G20 của quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhiều hỗ trợ phân tích được cung cấp bởi các tổ chức quốc tế hiện tại, chẳng hạn như IMF, Ngân hàng thế giới, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). G20 tuy hoạt động mới được 10 năm tuổi, nhưng vẫn có cơ hội để đạt được những gì chúng ta muốn. Thực tế, G20 là cần thiết vào thời điểm này hơn bất kỳ thời điểm nào khác, kể từ thời điểm rối loạn khi G20 được thành lập.

Vĩnh Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tron-10-tuoi-g20-van-can-thiet-hon-bat-ky-luc-nao-khac.aspx