''Trời xanh ngút, túc tắc bay...''

Tôi biết tin nhà văn Vũ Tú Nam qua đời ngày 9-9 qua trang Facebook của con trai ông - Nghệ sĩ ưu tú, họa sĩ Vũ Huy. Kèm theo bức ảnh chân dung ông, họa sĩ Vũ Huy đưa một đoạn thơ do chính nhà văn Vũ Tú Nam viết: '... Túc tắc sống/ Ngày nối ngày/ Túc tắc say/ Từng phút giây/ Tới khi nào/ Buông tay bút/ Trời xanh ngút/ Túc tắc bay...'.

Nhà văn Vũ Tú Nam và vợ - nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Hương.

Đọc những câu thơ này, người ta thấy nhà văn Vũ Tú Nam dường như đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho một chuyến đi xa. Một chuyến đi mà nhiều bạn văn của ông ở cảnh giới bên kia đang chờ đón.

Sinh năm 1929, tính theo tuổi ta, năm nay nhà văn Vũ Tú Nam 92 tuổi. Những nhà văn cùng thời với ông cũng đã về miền mây trắng. Vì thế, cái tin nhà văn Vũ Tú Nam qua đời, không khiến nhiều người bất ngờ, ngay cả với những người thân trong gia đình ông.

Siêu mẫu Vũ Nguyễn Hà Anh - cháu nội nhà văn Vũ Tú Nam, chia sẻ: "Ông là tình yêu, là ngọn lửa, là tình thân gắn kết chúng tôi, các thành viên của gia đình. Ông đã dạy tôi rất nhiều điều, từ khi tôi lọt lòng đến giờ. Những gì ông dặn tôi luôn khắc cốt ghi tâm. Ông nói rằng, ông bà luôn sống làm sao để các cháu được tự hào. Các cháu hãy cố gắng sống và làm việc để ông bà được tự hào về các cháu. Đây là "kim chỉ nam" của tôi trong suốt cuộc đời và sự nghiệp. Dù có làm điều gì, tôi luôn giữ vững sự trung thực, tinh thần trách nhiệm cao và hết mình cống hiến vì công việc".

Cũng theo siêu mẫu Vũ Nguyễn Hà Anh, nhà văn Vũ Tú Nam luôn dạy các cháu sống hòa đồng, giản dị. "Ông hiền lành, tốt bụng, luôn suy nghĩ vì mọi người, hành động vì mọi người. Ông nội tâm, thích suy nghĩ một mình, thích quan sát và hay kể chuyện. Ông rất hóm hỉnh trong lời nói, lời văn", Hà Anh cảm nhận.

Siêu mẫu Vũ Nguyễn Hà Anh chia sẻ bức ảnh chụp với ông nội - nhà văn Vũ Tú Nam, lúc mới 6 tuổi.

Và vì thế, dù ông nội Vũ Tú Nam đã "túc tắc" bay vút lên trời xanh, nhưng với Hà Anh và những người thân trong gia đình, "ông mãi luôn tồn tại trong vạn vật xung quanh chúng tôi... trong từng tia nắng, từng ngọn cỏ, từng mầm non cây, từng nụ hoa, từng ngọn gió, từng con dã tràng, vỏ sò, ngọn sóng vỗ...".

Những ai đã một lần gặp gỡ, trò chuyện với nhà văn Vũ Tú Nam sẽ nhận ra điều Hà Anh nói về ông nội hoàn toàn chính xác. Là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, từng giữ chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Vũ Tú Nam luôn sống gần gũi, chan hòa với mọi người. Tiếp xúc với ông, mọi người còn thấy sự hóm hỉnh, lạc quan. Những năm còn công tác, ông là người sẵn sàng đón nhận, tôn vinh những tài năng văn chương.

Nhắc tới nhà văn Vũ Tú Nam, không thể không nhắc đến những tác phẩm của ông. Đó là "Bên đường 12" (năm 1950), "Quê hương" (năm 1960), "Sống với thời gian hai chiều" (năm 1983), "Mùa xuân, tiếng chim" (năm 1985), "Tuyển tập Vũ Tú Nam" (tập I và II, năm 1997), "Hồi ức tình yêu" (viết cùng vợ - nhà văn, nhà báo Thanh Hương - nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam, năm 2001), cùng 4 tập thơ, 8 cuốn sách dịch.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Vũ Tú Nam viết cả truyện ngắn, ký và thơ nhưng sở trường là truyện ngắn. Tập truyện "Bên đường 12" là tác phẩm đặc sắc đưa tên tuổi Vũ Tú Nam đến với giải Nhất văn xuôi Trại Văn nghệ Lam Sơn (Liên khu 4), đồng thời cũng là tác phẩm giúp ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (năm 2001).

"Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công" - tập truyện thiếu nhi nổi tiếng của nhà văn Vũ Tú Nam.

Nhà văn Vũ Tú Nam cũng còn là nhà văn có nhiều đóng góp cho thiếu nhi. Có 28 tập truyện nhỏ cho thiếu nhi của ông được in, trong đó có 3 tập do ông tuyển chọn, gồm "Con sáo gỗ", "Tiếng ve ran" và "Trăng tiêu lá".

Riêng tập truyện "Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công" của ông khi ra đời đã tạo tiếng vang trong dư luận, đến nay vẫn đồng hành cùng nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam... Nhà văn Marian Tkachov đã dịch tác phẩm này sang tiếng Nga, xuất bản ở Liên Xô (cũ). Cũng từ tác phẩm này, Vũ Tú Nam còn được bạn văn gọi với biệt danh "Văn Ngan tướng công".

Sinh thời, nhà văn Vũ Tú Nam tâm niệm: "Trẻ con biết nhiều thứ lắm chứ không hề đơn giản, ngờ nghệch như mình nghĩ. Chúng có đầu óc và có cách phán xét riêng rất sâu sắc và tinh tế. Nếu người lớn không trẻ con được như chúng thì không thể hiểu hết được. Vì vậy, tôi luôn phải tự "trẻ con hóa" để tiếp tục sáng tác cho trẻ thơ. Tôi thường chú ý và tin vào những điều tốt đẹp, điều thiện ở con người. Tôi quý sự trung thực, lòng nhân hậu, nhất là sự trung thực và lòng nhân hậu trong mỗi sáng tác dành cho trẻ thơ".

Thư Hoàng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/978103/troi-xanh-ngut-tuc-tac-bay