Trói vào cửa sổ: Có phải cách hiệu quả cải thiện tinh thần của trẻ tăng động?

Vụ bé trai 4 tuổi bị cô giáo mầm non buộc dây trói vào cửa sổ lớp học đang làm xôn xao dư luận. Lý giải rằng đó là biện pháp đối với trẻ tăng động liệu có thể chấp nhận được?

Nhiều ngày qua dư luận xôn xao vì chia sẻ của một phụ huynh có con học lớp 4 tuổi Trường mẫu giáo B Trực Đại (huyện Trực Ninh, Nam Định) về hình ảnh một cháu bé học cùng lớp với con mình bị buộc dây trói vào cửa sổ lớp. Phụ huynh này cho biết đã nhiều lần họ nhìn thấy cảnh tượng này và rất bức xúc.

Được biết, cháu bé 4 tuổi bị trói vào cửa sổlớp là cháu N.T.P (SN 2014) trú tại xã Trực Đại, huyện Trực Ninh. Cháu P. có chứng tăng động, nên việc kèm cặp cháu rất khó khăn. Hàng tháng cháu đều phải đi chữa bệnh 10 ngày, gia cảnh cháu rất khó khăn nên nhà trường tạo điều kiện để cháu được đến trường.

Cháu bé bị buộc vào cửa sổ theo hình ảnh phản ánh của phụ huynh học sinh khác - Ảnh Internet

Cháu bé bị buộc vào cửa sổ theo hình ảnh phản ánh của phụ huynh học sinh khác - Ảnh Internet

ThS. tâm lý Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm tư vấn và bồi dưỡng kỹ năng mềm Hà Nội cho biết đối với trẻ tăng động giảm chú ý cần có phương pháp giáo dục đặc biệt, tuy nhiên không phải là buộc hay trói trẻ để khống chế không cho chạy nhảy nghịch ngợm.

Một đặc thù của trẻ tăng động giảm chú ý là không bao giờ ngồi im để tham gia một hoạt động nào cần sự tập trung chú ý mà thường chạy nhảy lung tung. Nếu bắt ngồi thì trẻ vặn vẹo, ngọ nguậy, quay bên nọ ngó bên kia, đung đưa co duỗi chân tay không ngừng; thậm chí có những hành động ảnh hưởng đến các bạn xung quanh, như lấy đồ của bạn, giựt tóc, kéo áo bạn,… Trẻ tăng động giảm chú ý thường không ý thức được hành vi của mình, thậm chí khi bị trách phạt chúng cũng không thể điều chỉnh hành vi cho đúng chuẩn mực. Trẻ tăng động giảm chú ý dễ bị mất tập trung khi bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, khó chú ý, hầu như không thực hiện theo chỉ dẫn của người lớn, dễ bị lôi cuốn với bên ngoài, hay bỏ dở nhiệm vụ đang làm.

Trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý thường xuất hiện rất sớm, khoảng từ 18 tháng tuổi. Tuy nhiên biểu hiện rõ nhất và thường được phát hiện chủ yếu ở lứa tuổi bắt đầu giai đoạn học, nghĩa là khoảng từ tuổi mẫu giáo lớn khi trẻ bắt đầu phải quen dần với các hoạt động đòi hỏi sự tập trung.

Cần phải hiểu rằng một đứa trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý dường như rất cô đơn, chúng luôn phải cố gắng để gây sự chú ý, hoặc tìm kiếm một người có thể hiểu và chú ý đến mình. Nhưng cũng chính vì luôn mất tập trung, tăng động nên trẻ gần như không thể hoàn thiện việc được giao, do đó trẻ luôn có cảm giác thất bại, tuyệt vọng và bị cô lập. Những rối loạn của chứng tăng động giảm chú ý bắt nguồn từ não bộ. Vì vậy, việc dùng bạo lực chỉ càng khiến cho não bộ bị kích thích tiêu cực, khiến đứa trẻ tăng động nhiều hơn. Mặc dù vậy, trẻ cảm nhận được việc mình bị mọi người khó chịu, không nhận được sự thương yêu.

Chính vì vậy, để nuôi dạy một đứa trẻ tăng động giảm chú ý đòi hỏi nhiệt tâm hỗ trợ, kể cả về thời gian, tâm sức, năng lượng và tình thương yêu, của cha mẹ hay người nuôi dưỡng. Trong đó, vai trò của thầy cô cũng không kém phần quan trọng, góp phần hữu hiệu giúp các em sớm hòa mình vào thế giới xung quanh và phát triển như bao trẻ bình thường khác.

Quay trở lại vụ việc trẻ bị trói vào cửa sổ, hai cô giáo trông lớp 4 tuổi này là cô Tỵ và cô Hiền, đều đã thừa nhận họ đã thực hiện việc làm như trong ảnh. Tuy nhiên, hai cô giải thích: vì lớp quá đông học sinh và chỉ có hai cô chăm sóc, trong khi P. có những biểu hiện tăng động thường xuyên chạy nhảy, nghịch ngợm trong lớp nên đôi khi cô phải buộc cháu lại như vậy vào những thời điểm có nhiều việc phải giải quyết như vào giờ ăn, giờ đón trả học sinh. Việc đó cũng là để bảo đảm an toàn cho cháu bé và không bị các trẻ khác trong lớp bắt nạt.

Theo ThS. Trần Mạnh Hoàng, lý giải của các cô cho thấy các cô còn thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc với trẻ mắc chứng tăng động. Cách xử lý như vậy vừa không thể hiện được tình cảm yêu thương trẻ, càng khiến trẻ bất hợp tác; lại vừa có những tác động ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của những trẻ khác khi nhìn thấy bạn mình bị đối xử khác biệt.

Được biết, cháu N.T.P có hoàn cảnh rất đáng thương: Bố cháu mất sớm từ lúc cháu chưa ra đời, mẹ bị trầm cảm sau sinh và bỏ đi khi vừa sinh cháu. Cháu P. hiện sống với bà nội 60 tuổi. Công việc chính của người bà này là làm thuê, lao động chân tay. P. đã 4 tuổi nhưng chưa biết nói và cách đây 1 năm đã được xác định mắc chứng tăng động, hiện cháu vẫn thường xuyên phải đến Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị chứng bệnh suy giảm trí tuệ.

Bà của P. cho biết trước khi xảy ra vụ việc, nhiều lần bà phát hiện những vết thương trên cơ thể cháu mình như vết bầm tím ở cổ, các vết tụ máu hay vết sưng trên đầu. Nhiều lần phản ánh với cô giáo Tỵ và Hiền nhưng hai cô đều nói không biết về những vết thương này.

An Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/troi-vao-cua-so-co-phai-cach-hieu-qua-cai-thien-tinh-than-cua-tre-tang-dong-1152073.html