Trôi trong suối lạnh

Cà Xé dưới Mường Hoa về hiếm lắm mới sang nhà chơi với cái Ly Hoa. Thi thoảng gặp Khai Dèn không biết vì thẹn hay là làm sao mà chỉ cười một cái. Chiếc răng khểnh cho nụ cười Cà Xé thêm rạng rỡ. Chiếc răng ấy cứ mỗi lúc thêm cắm sâu vào tim Khai Dèn.

Thung lũng A Pa Chải kéo dài từ chân núi Khoan La San cho đến tận cầu suối Voi. Nơi đây bốn mùa hoa nở, bốn mùa cây rừng mướt mát xanh. Những ngày mù sương, từ đỉnh Khoan La San nhìn xuống, thung lũng A Pa Chải như cái hồ bồng bềnh sương khói.

Bản Pờ Nhù Khồ nằm chính giữa lòng hồ sương khói ấy. Mấy ngày nay, Pờ Nhù Khồ làm giả Gạ Ma Thú mà nhộn nhịp hơn cả làm thật. Ấy là có đoàn công tác của sở về dựng phim tài liệu. Nghe ông Trưởng đoàn nói vậy thì biết vậy, chứ Khai Dèn chỉ chú ý đến Cà Xé, không để ý những thứ xung quanh.

Cà Xé là con chim quý, bông hoa hương sắc nhất A Pa Chải này. Nhà Cà Xé lại thuộc hàng có của ăn của để trong vùng. Ngắm chim quý, hoa đẹp đâu có dễ, thi thoảng Cà Xé mới về nhà. Sắp tròn ba năm Cà Xé đi học nội trú dưới thị trấn Mường Hoa. B

a năm qua, biết bao chàng trai ở thung lũng này mong Cà Xé như nấm mong mưa. Mỗi khi chim quý về lại rừng là trai bản xôn xao hết cả lên, nhưng đã thằng con trai nào dám bước vào nhà ấy đâu. Tiếng nói cười râm ran, tiếng sáo da diết bên bờ suối cứ nối dài từ chập tối tới tận đêm khuya.

Có đoàn làm phim này nên Cà Xé mới về bản vào giữa tuần. Bên phòng Văn hóa huyện phải đích thân sang nói với thầy Hiệu trưởng rồi chở Cà Xé về Pờ Nhù Khồ. Cà Xé là hoa khôi của trường, lại có mấy Huy chương giải ca múa nhạc của huyện, tỉnh nên tiếng tăm ngày một lan xa. “Không có Cà Xé thì Gạ Ma Thú không là Gạ Ma Thú nữa”.

Nghe cái miệng dẻo quẹo của Phó Trưởng Phòng Văn hóa huyện nói thế với Cà Xé, các bà các cô tức anh ách. Một người không tức, nhưng lòng se buồn như suối Păng Pơi mùa cạn nước trong những ngày Cà Xé về bản. Người ấy là Xò Nu. Chả bao giờ Xò Nu dám so sánh mình với Cà Xé đâu. Nhưng mỗi khi Cà Xé về thì mắt người trai ấy càng ít dành cho Xò Nu. Lòng đứa gái chỉ biết thương thầm người ta thêm chênh chao, buồn tủi. Các bà các cô thì thào với nhau không có Cà Xé thì không ai nhuộm hồng trứng, không ai nấu xôi, không ai múa chế na na chắc.

Tức thì tức vậy, nhưng ai cũng phải công nhận, đôi tay thuôn nõn của Cà Xé nắm bát xôi nào bát xôi ấy tròn xoay, nhuộm quả trứng nào quả trứng ấy hồng rực rỡ. Rồi khi Cà Xé múa chế na na, đôi mắt lấp lánh sao sa, vành môi thắm lửa chúm chím, cặp chân nai tơ uyển chuyển… hút hết mọi ánh nhìn. Mỗi vòng xoay của Cà Xé, tà áo xoáy tít, từ đàn ông cho đến đàn bà, từ người già cho đến người trẻ cứ ngả nghiêng theo. Trai bản Pờ Nhù Khồ và nhiều trai bản khác đêm mơ thấy hồn mình xoáy tròn theo cái tà áo ấy.

Đêm chầm chậm trôi theo tiếng sương rơi trên các phiến lá. Gió mềm lướt trên tóc, trên mặt, luồn cả vào trong người mơn man da thịt. Trăng trên đỉnh Khoan La San im lìm, ủ dột tựa mặt cái trống đại treo bên chái nhà sau mùa lễ hội. Đây là đêm tổng kết của đoàn làm phim với dân bản.

Cả người đi lẫn người ở cùng nghĩ biết bao giờ trở lại, biết bao giờ mới gặp lại nhau nên ai cũng muốn hết mình. Thứ rượu trong suốt màu lam từ gạo sén cù đằm quyện với lá cây mò ố làm mọi người chuếnh choáng. Khai Dèn cũng thích uống rượu.

Nhưng Khai Dèn phải giữ mình, sợ uống say rồi thì con mắt sẽ lạc mất đứa gái đẹp nhất bản. Lạc làm sao được, Cà Xé luôn nổi nhất giữa đám đông. Đêm nay lại càng nổi bật bởi cái quần bò khoe đôi chân cao vút, cái áo phông trắng rộng thùng thình, trước ngực in hình cô gái Tây tóc vàng to như người thật.

Ấy thế mà có người lại làm hỏng việc của Khai Dèn, để rồi không biết Cà Xé về nhà từ lúc nào. Nên bây giờ Khai Dèn phải đi tìm, để nói với Cà Xé một điều mà không nói ra chắc cái đầu Khai Dèn muốn rụng khỏi cổ mất thôi…

Nhà Khai Dèn với nhà Cà Xé chỉ cách nhau một khe suối và một quả đồi bằng. Ngày nhỏ, hai đứa và bọn trẻ trong bản thường chơi chung với nhau. Hè đến lũ trẻ rủ nhau tắm truồng, té nước, nô đùa chí chát vang khắp một đoạn suối. Bố Khai Dèn và bố Cà Xé từng là đôi bạn rất thân, họ cùng đi buôn trâu với nhau. Hai người còn hứa sẽ làm thông gia khi Khai Dèn và Cà Xé lớn lên. Nhưng một lần sang mãi bên Mù Cả, Ka Lăng đánh trâu, bố Khai Dèn và đàn trâu năm con bị cơn lũ bất ngờ cuốn phăng khi đang qua suối. Cả một tháng trời tìm kiếm chỉ thấy xác năm con trâu, mà người thì chả thấy đâu. Ông bà nội và mẹ Khai Dèn phải mời ông thầy cúng giỏi nhất đất Ka Lăng cúng gọi hồn bố suốt ba ngày ba đêm.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Bố chết. Mọi thứ trong nhà Khai Dèn lần lượt sải chân chạy đi trả nợ tiền trâu, tiền cúng gọi hồn, tiền làm ma cho bố. Mẹ chả làm được việc gì nữa, cầm cuốc đi nương thì bập vào chân, cầm dao thái cây chuối thì xén vào tay, ngày rửa bát hai lần thì đánh vỡ cả hai mâm bát...

Đêm mẹ thường hú hét trong cơn mơ, rồi bất thình lình ngồi vục dậy, tóc tai rõa rượi đi như người mộng du giữa sương đêm. Chỉ sau một năm, mẹ già đi đến chục tuổi. Mấy đứa em Khai Dèn trước đứa nào đứa nấy hồng hào mập mạp, giờ nhom nheo, hốc hác, nhìn mặt chỉ thấy còn hai hốc mắt là nhưng nhức đen. Khai Dèn cũng chả còn học được nữa, mỗi lúc một đuối dần. Rồi cái tay quen đặt bẫy, quen quăng chài hơn cầm sách, cầm vở lúc nào không hay.

Học hết cấp hai, Khai Dèn ở nhà làm nương giúp mẹ. Ông bà nội, các chú nói thế nào cũng không nghe. Lúc bố mới mất, bố Cà Xé hay sang hỏi han, giúp cho cái này, làm cho việc kia. Không biết có phải ngại mẹ Khai Dèn một tối kia giữa cơn tỉnh mê lẫn lộn đã ôm chầm lấy người hàng xóm khi người ta vừa bước vào cửa, rồi cứ thế lảm nhảm “Khai Dèn ơi, bố mày về đây này”, hay vì lý do nào khác mà mấy tháng sau không thấy sang chơi nữa. Lũ em lóc nhóc ăn học, mẹ ngày càng ngơ ngác, nhà Khai Dèn mỗi lúc một túng đói thêm.

Nhà Cà Xé trước đã giàu giờ lại giàu hơn. Bố Cà Xé đi khắp các vùng mua trâu, rồi lùa từng đàn qua bên kia biên giới. Người bản bảo nếu xếp tiền nhà Cà Xé thì chồng tiền sẽ cao hơn cả cái cột cái trong nhà. Bố Cà Xé phá nhà trình đất, dựng cái nhà sàn gỗ kiểu người Thái, dài rộng, cao lừng lững một góc núi rừng. Cái nhà sàn ấy, mười người trong tốp thợ người Thái dưới tận Mường Ảng lên làm ròng rã gần một năm trời.

Cái nhà ấy làm nhiều bà mẹ trong bản bảo con trai: “Sàn nhà ấy cao lắm, điện nhà ấy sáng lắm, con trai A Pa Chải không bước lên được đâu”. Ngắm Cà Xé cái mắt thì thích đấy, cái bụng thì ưng đấy nhưng con trai Pờ Nhù Khồ, con trai cả thung lũng A Pa Chải chỉ đứng ngoài ngõ, ngoài bờ suối thổi sáo… cho gió mải miết cuốn đi. Cà Xé về nhà ít đi chơi với trai gái bản. Có việc gì vui lắm, đông lắm người lớn bảo mới đi thôi.

Cà Xé vẫn biết múa chế na na, vẫn thạo việc con gái Hà Nhì. Nhưng Cà Xé không muốn mặc áo dài như gái bản. Cà Xé thích mặc quần bò, mặc váy giống các cô gái vùng xuôi. Ngày hè còn mặc cả cái quần bò lỗ chỗ thủng mà cạp quần đến gấu quần chỉ đúng một gang tay, cái áo thì hớt lên hở hết rốn, hở cả cái eo trắng đến lịm người, bé tí như eo ong chúa.

Từ ngày Cà Xé đi học nội trú, Khai Dèn với Cà Xé đã xa lại càng xa. Khai Dèn tự dặn lòng mình lời hứa năm xưa của hai bố theo suối trôi đi mất rồi. Những gì với Khai Dèn ngày trước, giờ chắc cũng chả còn bao nhiêu trong lòng Cà Xé. Khai Dèn khổ tâm lắm mà chả biết phải làm sao. Muốn quên tất cả mà khi đêm về thì mọi thứ lại rộn rực, nỗi thương nỗi yêu chỉ gửi về một hướng: thị trấn Mường Hoa. Mỗi khi anh chị em Cà Xé về nhà là điện tưng bừng sáng, nhạc hát ồn ĩ, tiếng nói cười rinh rích ngày đêm. Khai Dèn cứ đi ra đi vào, chả làm được việc gì cho gọn, một tí lại đứng bên bậu cửa nhìn sang ngôi nhà sàn.

Mẹ chỉ lắc đầu, thở dài, rồi bảo: “Bông hoa đẹp ở rừng này nhưng sẽ nở ở nơi khác thôi. Cà Xé nó đẹp thế, nó học giỏi thế, không trai bản nào giữ được đâu, Khai Dèn à… Không có Cà Xé thì vẫn có đứa gái khác mà…”.

Đứa gái khác là Xò Nu đấy. Nhà Xò Nu cũng chỉ cách nhà Khai Dèn một mảnh ruộng. Xò Nu hay chơi với Ly Hoa, đứa em gái lớn của Khai Dèn. Hai đứa quấn nhau lắm. Mùa nấm, mùa măng đi lấy được là bao giờ Xò Nu cũng cho mẹ một ít nên mẹ quý Xò Nu lắm. Mẹ luôn miệng khen Xò Nu chăm làm, khen Xò Nu tốt nết. Khi nào họp chi đoàn, gặp đôi mắt đen nhánh, hai má ửng hồng của Xò Nu, Khai Dèn cũng thấy thích một tí đấy. Nhưng chỉ một tí thôi, chứ không lúc âm ỉ, lúc ào ạt như thích Cà Xé.

Nhiều lúc nghĩ con chim quý ấy ở mãi tận Mường Hoa, rồi sẽ sải cánh bay cao bay xa khỏi núi rừng này, sao mà theo được. Khai Dèn muốn quên Cà Xé, không nhớ nữa, chỉ muốn nhớ Xò Nu thôi. Vậy mà cái bụng, quả tim không chịu nghe cái đầu thì Khai Dèn biết làm sao?

Cà Xé dưới Mường Hoa về hiếm lắm mới sang nhà chơi với cái Ly Hoa. Thi thoảng gặp Khai Dèn không biết vì thẹn hay là làm sao mà chỉ cười một cái. Chiếc răng khểnh cho nụ cười Cà Xé thêm rạng rỡ. Chiếc răng ấy cứ mỗi lúc thêm cắm sâu vào tim Khai Dèn. Mụ mị. Tê lịm.

Đợt nghỉ hè vừa rồi, Cà Xé về nhà có đưa cho Ly Hoa một cái bút, bảo: “Cho anh Khai Dèn, để ghi chép việc của chi đoàn”. Khai Dèn muốn sang nói lời cảm ơn nhưng thấy nhà bên ấy lúc nào cũng đông người, lại thôi. Khai Dèn quý cái bút này lắm, đi đâu thường mang bên mình. Khai Dèn sang chợ biên giới mua một chiếc khăn mùi soa có in hình đôi bướm quấn quýt chao lượn trên một thảm hoa rực rỡ. Mấy lần định tặng Cà Xé mà lại lỡ.

Hôm xuống Mường Hoa dự đại hội đoàn, tối ấy Khai Dèn hẹn sang chỗ Cà Xé chơi, sẽ tặng cái khăn. Khai Dèn sang nhà nội trú đợi từ bảy giờ tối đến mười giờ đêm Cà Xé vẫn chưa về. Mấy đứa bạn của Cà Xé bảo: “Anh về đi, Cà Xé nó đi dự sinh nhật anh bạn, giờ này chưa về đâu”. Lòng Khai Dèn không khốc như quả bầu khô rỗng. Khai Dèn định gửi lại chiếc khăn nhờ bạn đưa cho Cà Xé. Nghĩ đi nghĩ lại thế nào lại thôi. Đêm ấy Khai Dèn không tài nào ngủ được. Tiếng đôi chim lùng quớ cứa vào đêm khắc khoải.

Ba ngày Cà Xé về phục vụ quay phim, Khai Dèn muốn đưa cho Cà Xé cái khăn mà chả được. Đến nói vài câu cũng không có cơ hội mà nói với nhau. Cứ định nói với Cà Xè câu gì đấy thì hết người này nhờ, người kia gọi: “Cà Xè lấy cho anh cái kia”, “Cà Xé ra quay cảnh này”…

Cà Xé như con thoi chạy đi chạy lại. Khai Dèn cũng tít mù theo. Sáng nay vì mải nhìn Cà Xé mà lúc đẽo mấy khẩu súng gỗ để treo lên cổng chào, lưỡi dao lướt vào tay Khai Dèn tóe máu. Xò Nu hốt hoảng chạy ngay sang trạm y tế lấy bông băng. Về đến nơi thì thấy Cà Xé đã kiếm được dải vải đen quấn mớ cỏ mực vò nhuyễn quanh ngón tay bị đứt của Khai Dèn.

Xò Nu đứng ngây ra, vừa lúc ấy Khai Dèn nhìn lên gặp đôi mắt đen nhánh rười rượi. Xò Nu lẳng lặng mang bông băng trả y tế xã. Nhìn bàn tay nõn nuột đang quấn dải vải, Khai Dèn chỉ muốn ngón tay ngón chân mình đứt hết cũng được. Máu trong người chạy rần rật, quả tim bên ngực trái mà muốn nổ tung cả bên ngực phải. Khai Dèn lấy hết can đảm nắm tay Cà Xé. Không thấy người được nắm tay phản ứng gì, Khai Dèn dấn thêm tí nữa, lấy ngón tay trỏ gại gại vào lòng bàn tay mướt mịn, trắng hồng. Bàn tay con gái mềm mại không kịp gói ngón tay con trai vào thì chị đạo diễn lại gọi.

Khai Dèn thì thào: “Tối nay… sau liên hoan nhé”, nhưng hình như Cà Xé không nghe thấy. Bông hoa đẹp chạy vụt đi, lúc sau đã thấy phía mấy chàng quay phim tiếng cười nói dịu dàng như giọt mưa mùa thu trên nương lúa nếp.

Đã sắp về tới nhà. Trăng sáng hơn, như muốn soi đường cho Khai Dèn. Cây bên đường đẫm đụa sương. Dế ri rỉ tâm tình dưới chân cỏ dại. Khai Dèn lại sờ vào túi áo ngực. Chiếc bút vẫn nằm đấy, chiếc khăn vẫn còn nguyên ấp lên trái tim đang thấp thỏm, rối bời. “Không lo, sao Cà Xé hốt hoảng lúc mình bị đứt tay?”, “Cà Xé có nghe thấy mình nói gì sáng nay không?”, “Cá Xé đang đợi mình?”, “Không ưng sao Cà Xé lại cho mình cầm tay, lại còn để mình gại gại vào giữa lòng bàn tay đẹp ấy nữa?”, …

Người Hà Nhì mình là thế, người con gái cho chàng trai nào cơ hội thì để người ấy cầm tay. Khi thấy ngón tay trỏ gại gại vào lòng bàn tay mình thì nắm tay, ủ gói ngón tay chàng trai lại. Như thế là hai người sẽ tìm một nơi thật kín đáo để tâm tình với nhau. Rồi khi đã quen hơi, đã hiểu lòng nhau, chàng trai sẽ nắm lấy hai tay cô gái, ấp vào ngực mình.

Nếu đôi tay mềm để yên trên vòm ngực núi đồi là cô gái sẽ bằng lòng để người ta cho đứa trẻ con vào bụng mình… Bố chết rồi nhưng chú cũng đã kịp nói cái điều mà ông bố Hà Nhì nào cũng nói với con trai khi chàng trai đó đến tuổi trưởng thành.

Đêm nay gặp được Cà Xé nhất định Khai Dèn sẽ nắm lấy, rồi đặt chiếc khăn mùi soa vào bàn tay nhỏ xinh ấy. Không biết Cà Xé sẽ như thế nào nhưng nhất định Khai Dèn phải làm thế. “Người yêu ơi, em đang ở đâu?”. Có phải quả tim Khai Dèn đang thổn thức gọi? Gió cũng như đang thì thào: “Cà Xé ơi, Cà Xé ở đâu?”…

Khai Dèn lại giận mình chỉ vì sĩ diện, vì bực mà lạc mất Cà Xé. Đấy là lúc Khai Dèn định sang mâm Cà Xé mời chị em một chén rượu thì tay Phó Trưởng Phòng Văn hóa huyện đứng chắn trước mặt giả lả: “Cậu Khai Dèn à, làm tốt lắm, uống với nhau một ly mừng thành công nào?”.

“Ồ, hôm nay có việc rồi, không uống được đâu…”. “Khinh nhau đấy à? Trai Hà Nhì mà lại bảo không uống được rượu thì không phải trai Hà Nhì rồi!”. Ghét cái mặt không chịu được, đàn ông gì mắt có đuôi ướt rượt, hai má lại bầu bầu, đôi môi thì đỏ mọng. Nhìn đứa gái nào hay mắt là thè lưỡi liếm lên môi một cái. Rồi lại còn cái mông cong tớn lên, như không phải đàn ông. Thấy tay này xoắn lấy hết đứa gái này đến đứa gái khác, mấy bà bảo: “Nó là giống bướm ong, bông hoa nào cũng thích đậu. Chả đứa gái nào giữ nổi nó đâu. Phải cẩn thận với nó một tí đấy…”.

Ba ngày quay phim là ba ngày tay này thành cái đuôi của Cà Xé. Nhiều lúc máu trong người sôi lên, Khai Dèn chỉ muốn xông vào đấm cho cái mặt phơn phởn ấy một cái… Thế mà lại còn đến gạ uống rượu thì tức quá đi mất. “Không muốn uống là không muốn uống thôi”. Nói thế, rồi Khai Dèn gạt bàn tay trắng cớm đang níu lấy vai mình. Cái môi mòng mọng nhếch lên: “Đàn ông không uống được với bạn chén rượu thì có đáng chui vào buồng mặc váy không, Khai Dèn?”. Ai thèm là bạn với hạng đàn ông này chứ.

Đã thế Khai Dèn sẽ uống cho đi bằng bốn chân, xem có trắng mắt ra không. Uống đi uống lại mấy chén đầy mà tay này vẫn tỉnh bơ, Khai Dèn cũng tỉnh bơ. Nhưng đến chén thứ bảy nhìn ra thì không thấy Cà Xé đâu nữa. Khai Dèn vào phòng làm việc của đoàn thanh niên, hội phụ nữ cũng chả thấy tăm bóng Cà Xé.

“Khai Dèn à, uống nhiều thế làm gì, có bao giờ anh uống rượu nhiều đâu?”. Khai Dèn vừa đi ra khỏi cổng ủy ban xã thì có người thì thào hỏi phía sau. Ra là Xò Nu. “Bực thì uống thôi”. “Ối, ai lại uống rượu vì bực thế?”. “Thôi, phải về đây, em Xò Nu cứ vào vui với mọi người đi…”. Khai Dèn đi rồi, ngoái lại thấy bóng người ngồi thụp xuống. Hình như có tiếng nấc nghẹn phía sau lưng. Tiếng nấc ấy làm Khai Dèn nhớ mùa nấm đỏ đầu tiên của Xò Nu.

Ở núi rừng này, mùa mưa bắt đầu bằng những tiếng sấm trên các đỉnh núi. Sau tiếng sấm là những trận mưa rào nhẹ. Đấy cũng là lúc giống nấm đỏ quý hiếm đội mùn đất chui lên. Loại nấm này lạ lắm, chỉ sau trận mưa chiều là những bào tử nấm thi nhau đâm lên tua tủa tựa những chiếc ô đỏ chót. Qua đêm là chúng lụi tàn, thối rữa. Người lấy nấm có khi phải canh cả đêm, đợi đúng lúc những cái nấm còn khum khum, chưa xòe hẳn thì hái lấy. Nấm đã nở bung như chiếc ô mở căng thì người bên kia biên giới không mua nữa.

Chiều ấy, cơn mưa đầu tiên bất chợt ùa về, bản Pờ Nhù Khồ vui như có hội. Dứt mưa mọi người í ới gọi nhau lên rừng hái nấm. Xò Nu cũng vội vàng lấy chiếc đèn pin bé tí, đeo chiếc gùi cũng bé tí rồi hớt hải chạy theo đoàn người trong bản. Mấy hôm trước, lúc đi lấy rau lợn Xò Nu đã phát hiện ra một chỗ mà chắc chắn là bãi nấm và đã đóng cọc giữ phần rồi.

Xò Nu men theo đường mòn và lên đúng chỗ cắm cái cọc tre ngồi đợi. Đợi lâu quá, Xò Nu ngủ quên lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy chỉ còn bãi đất nát nhoét vết chân người với những chiếc nấm còn sót lại. Xò Nu cứ ngồi ôm gối khóc cạn đợt nước mắt này thì đợt khác lại túa ra. Nếu không có Khai Dèn đi ngang qua, chắc Xò Nu sẽ khóc cho đến khi cả cái thân hình mảnh mai tan ra thành nước.

Dỗ thế nào Xò Nu cũng không nín. Cuối cùng Khai Dèn phải dẫn Xò Nu đi tìm chỗ nấm khác. May hai đứa tìm được một ít cho Xò Nu. Có lẽ vì buổi tối ấy mà sau này mỗi khi đi rừng lấy được chút măng, nấm là Xò Nu lại mang cho mẹ Khai Dèn một ít. Cũng từ đấy đôi mắt Xò Nu lửa rượu hơn lúc nhìn Khai Dèn.

Nhưng mà từ lâu Khai Dèn coi Xò Nu như cái Ly Hoa thôi. Có những lần Xò Nu đi vào được giấc mơ của Khai Dèn thì vẫn chỉ là cô bé ngồi khóc bên bãi nấm bị hái trộm đêm nào. Để sáng ra, Khai Dèn thấy thảng thốt như vừa nghe cái Ly Hoa ngồi khóc. “Em gái à, lớn rồi, khóc thì lấy tà áo mà tự lau nước mắt thôi”.

Đêm nay cũng thế, Xò Nu khóc phía sau, lòng có chộn rộn lên một chút đấy, mà chân Khai Dèn cứ bước đi thôi. Cái khăn thương khăn nhớ của Khai Dèn như đang thổn thức phập phồng trên vòm ngực săn căng. Nó giục Khai Dèn nhanh cái chân đi về ngôi nhà sàn bên kia suối…

Từ bên này suối thấy ngôi nhà còn sáng điện một phòng gần chỗ cầu thang. Khai Dèn biết phòng đấy là của Cà Xé. Để nguyên cả hai ống quần, Khai Dèn phăm phăm lội qua suối. Trăng sóng sánh cười trên mặt nước. Suối mát, rì rào như đang hát bài ca đêm. Trái tim trai trẻ của Khai Dèn cũng muốn cất lời ca da diết: “Miệng lầm rầm gọi vía núi vía sông/ Quả tim a cồ phập phồng nhịp tên a nhí/ Hẹn ngày vía trâu xuống đồng tra hạt/ Ta về mưa đổ rờ rỡ rừng ban…”.

Khai Dèn vừa chạm đường rẽ vào ngõ nhà Cà Xé thì khựng lại. Gần cổng, ở gốc cây xoài, dưới nhấp nhóa ánh trăng xuyên qua tán lá ken dày, Khai Dèn thấy bóng hai người đang động đậy. Tim bắt đầu thình thịch đập. Cố căng mắt mà Khai Dèn không nhận ra hai cái bóng là ai. Hay là?... Khai Dèn thấy nhói ở tim một cái, rồi không muốn nghĩ nữa. Đã qua suối rồi, không thể về không được. Khai Dèn nín thở. Khai Dèn bò dần, bò dần dưới những lùm cây tiến về phía gốc xoài... Giời ơi, cái thân hình con gái mềm mại đang ưỡn ra phía sau kia sao mà Khai Dèn nhầm được! Bên trong chiếc áo phông rộng là một cái đầu tham lam ngúc ngoắc. Cô gái Tây trên áo cũng uốn éo theo cái đầu bên trong, miệng ngoác ra cười. Một lúc thì cái đầu trồi lên, tút luôn cái áo phông khỏi tấm thân trắng lốp. Hai cánh tay gấu ghì siết, cặp mông cong tớn bắt đầu nhấp sóng…

Hai con mắt sắp vọt khỏi tròng, Khai Dèn muốn hét lên mà không hét được. Có ai đang lấy dao cắt tim gan Khai Dèn thành trăm ngàn mảnh. “Khai Dèn ơi, mày nhục như con chó rồi. Nó uống rượu nó đứng bốn chân, còn mày thì đi bốn chân đấy…”. Khai Dèn chỉ còn biết tự chửi mình ngu dại thôi.

Khai Dèn lao đi như một con thú bị thương. Đến bờ suối, Khai Dèn móc túi lấy chiếc bút, thẳng tay ném mạnh vào lòng suối. Khai Dèn rút nốt chiếc khăn mùi soa. Chiếc khăn mềm rũ rượi. Hai giọt nước mắt nóng hổi thấm qua khăn, thấm vào lòng bàn tay đang run run buốt xót. Khai Dèn từ từ thả chiếc khăn vào lòng suối. Nó dừng lại một lúc như con cá mắc cạn, rồi nhanh chóng bị những lưỡi nước cuốn trôi theo dòng suối lấp lánh ánh trăng lạnh giá.

Truyện ngắn của Nguyễn Phú

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/troi-trong-suoi-lanh-560323/