Trời tối, đường xa

Không còn là những viễn cảnh giả định tương đối xa vời và nhiều màu sắc suy đoán nữa. Hiện tại, đã đến thời điểm giới quan sát quốc tế nói về 'Brexit-không-thỏa-thuận' như một thực tế hoàn toàn khả thi, khi mà chính nước Anh cũng đã bắt đầu ráo riết chuẩn bị cho việc đối mặt với những hệ lụy u ám của nó.

Đoạn đường vòng bất tận

Trước và sau cuộc đàm phán trực tuyến ngày 15-6 giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), về cơ bản, tình thế của Brexit không có gì thay đổi.

Ngày 12-6, Chính phủ Anh chính thức thông báo với EU rằng London sẽ “không tìm cách gia hạn giai đoạn chuyển tiếp thời kỳ hậu Brexit sau ngày 31-12-2020”. Nói theo cách của Chánh văn phòng nội các Anh Michael Grove: “Vào ngày 1-1-2021, chúng ta sẽ tiếp quản quyền kiểm soát và giành lại sự độc lập, về chính trị cũng như về kinh tế”.

Cùng hôm ấy, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp - bà Amelie de Montchalin - đáp trả bằng nhận định: Trong quỹ thời gian ít ỏi còn lại, EU và Anh sẽ rất khó hoàn tất những cuộc đàm phán về quan hệ thương mại hậu Brexit; đồng thời cảnh báo: Hãy lập tức chuẩn bị cho tất cả các tình huống, đặc biệt là kịch bản hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại nào.

Để rồi, ngày 19-6, bà Amelie de Montchalin lên sóng phát thanh đài Europe 1 một lần nữa nhấn mạnh: “Tôi sẽ không loại trừ bất cứ khả năng nào!”. Tuy nhiên, bà cũng không quên nhắc nhở những người láng giềng bên kia eo biển Manche: “Chính nước Anh mới là phía cần một thỏa thuận hơn, bởi họ sẽ không thể chịu đựng nổi cú sốc thứ hai”.

Một cú đòn lạnh lùng. Trước đó một ngày, 18-6, Ngân hàng Trung ương Anh quốc (BoE) vừa phải thông báo bơm thêm 100 tỷ bảng Anh (126 tỷ USD), nhằm hỗ trợ nền kinh tế đã và đang “xất bất xang bang” bởi những tác động ghê gớm của đại dịch COVID-19. Trong tháng 4-2020, nền kinh tế Anh đã suy giảm tới 20% tỷ lệ tăng trưởng, điều khiến Ủy ban Chính sách tiền tệ phải tiếp tục khống chế lãi suất ở mức thấp kỷ lục là 0,1% (đã được áp dụng từ tháng 3-2020, thời điểm BoE cũng đã phải bỏ ra 200 tỷ bảng Anh với vai trò “hồi sức cấp cứu”).

Bà Amelie de Montchalin vẫn thể hiện rằng EU vô cùng cứng rắn.

Bà Amelie de Montchalin vẫn thể hiện rằng EU vô cùng cứng rắn.

Và cũng mới ngày 16-6 thôi, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát tài chính Anh quốc (FCA) Charles Randell vừa phải “đăng đàn” để chỉ ra nguy cơ nước Anh đi vào vết xe đổ của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, khi cách xử lý khoản vay của một số doanh nghiệp nhỏ đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân và ảnh hưởng đến lòng tin vào các dịch vụ tài chính của Anh.

Ông lo ngại rằng một số khoản nợ tồn đọng sẽ khó được hoàn trả và sẽ cần được thanh toán nhanh. Bởi vậy, theo Charles Randell, cần có một hệ thống giải quyết tranh chấp phù hợp nhằm đảm bảo đủ quỹ thanh toán các khoản nợ phát sinh. Chính vì thế, hiện tại, FCA đã phải phối hợp làm việc gấp rút với các cơ quan Dịch vụ tài chính thanh tra (FOA) cùng Dịch vụ giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp và ngân hàng (BBRS), để chuẩn bị đối diện với tình trạng các doanh nghiệp không thể thanh toán những khoản vay mượn nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, tất cả những điều đó vẫn không thể ngăn cản nước Anh “dứt áo” đúng hẹn, vào ngày 31-12.

Cốt lõi là sự thỏa hiệp

Nước Anh, hay nói đúng hơn là Thủ tướng Anh Boris Johnson, hẳn không “lãng mạn” đến độ bất chấp mọi điều kiện thực tế chỉ để hoàn tất những cam kết trong cương lĩnh tranh cử. Hoặc đơn giản hơn, chỉ để “cho xong chuyện”. Ở một vài góc nhìn nào đó khuất lấp, vẫn có những cơ sở cho sự “kiên định” không đề xuất kéo dài thời hạn chuyển tiếp hậu Brexit của London, đặc biệt là về thương mại.

Theo những số liệu mới nhất, các chỉ số kinh tế của “đảo quốc sương mù”, dù vẫn còn hết sức mờ mịt, cũng đã lóe lên những dấu hiệu phục hồi (về chi tiêu tiêu dùng, về nhà ở và về các khía cạnh liên quan đến GDP). Chừng đó là đủ để giới doanh nghiệp nước Anh được củng cố niềm tin, rằng chỉ cần tình trạng phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 được nới lỏng, bức tranh toàn cảnh chung sẽ thực sự khởi sắc.

Bên cạnh đó, có thể nói, trong cuộc họp trực tuyến ngày 15-6, London đã tạo dựng được một “cứ điểm phòng ngự” đủ để tự tin, khi thuyết phục được EU chấp nhận một lịch trình tăng cường đàm phán trong thời gian tới. Theo đó, tiến trình mới này sẽ bao gồm một sự kết hợp giữa các vòng đàm phán chính thức và các cuộc họp nhóm nhỏ hơn, đều tổ chức tại London và Bruxelles, nếu các quy định về y tế công cộng cho phép điều này. Mỗi tuần sẽ có 1 cuộc đàm phán, trong vòng 5 tuần từ ngày 29-6 đến 27-7".

Nước Anh có vẻ cũng biết rõ mình cần hướng tới điều gì.

Để hiểu về động thái này hơn từ cả hai phía, có lẽ chúng ta nên lắng nghe Trưởng đoàn đàm phán thương mại EU - ông Stefaan de Rynck: "Đây có thể là một thông điệp cứng rắn, song đồng thời cũng có thể là con đường dẫn tới sự thỏa hiệp. Chúng tôi, như trong một số câu chuyện cổ tích, đã đặt một số viên đá cho lộ trình ấy. Nếu chúng ta có thể tới được giai đoạn mà nước Anh thay đổi cách tiếp cận của mình và trở nên thực tế hơn về những điều mà họ có thể đạt được, tôi nghĩ chúng ta có thể tiến nhanh hơn. Phía EU chúng tôi chắc chắn sẵn sàng đi trên lộ trình này".

Nghĩa là, thực tế, không hoàn toàn giống như những gì Bộ trưởng Amelie de Montchalin nhấn mạnh, Bruxelles cũng mong mỏi kết thúc câu chuyện đã kéo quá dài này không kém gì London. Và thực tế, cũng không như cách bà Montchalin gợi lên, EU cũng sẽ chẳng được lợi lộc gì nếu kinh tế Anh suy sụp bởi một Brexit-không-thỏa-thuận.

Nói cách khác, một cuộc khủng hoảng kinh tế của nước Anh, vào thời điểm này, sẽ chỉ càng khiến tình trạng chung vốn đã u tối của kinh tế toàn cầu lại càng trở nên hỗn loạn. Hệ quả của nó, không nghi ngờ gì nữa, là việc mọi tiến trình hồi phục chung sau đại dịch COVID-19, của bất cứ quốc gia nào, càng thêm trắc trở, khó khăn.

Tất nhiên, EU vẫn có đầy đủ lý do để khó chịu khi nước Anh “lảng tránh thảo luận một số vấn đề”. Tất nhiên, EU cần nước Anh bày tỏ nhiều thiện chí hơn trong việc tháo gỡ những bế tắc về các tiêu chuẩn cạnh tranh cởi mở và công bằng, vấn đề đánh bắt cá, cấu trúc quản lý bao quát cũng như hợp tác về tư pháp và thực thi pháp luật...

Nhưng, tất nhiên, khi đã cân nhắc kỹ nặng - nhẹ, châu Âu lục địa cũng sẽ cố gắng làm mọi cách để tránh cảnh “lưỡng bại câu thương”, cho một cuộc chia ly không thể tránh khỏi. Sau cùng, dù thế nào, Anh quốc và EU cũng vẫn không thể thay đổi được vị trí địa lý. Họ bắt buộc vẫn phải là những người hàng xóm và còn bắt buộc vẫn phải là “bạn hàng” của nhau trong tương lai.

31-10 là hạn chót để các thỏa thuận phải được xác lập, bởi sau đó các điều khoản vẫn cần phải được quốc hội hai phía thông qua, mới có thể có hiệu lực vào 31-12.

Một con đường đầy bóng tối chực chờ mà cả Anh lẫn EU đều cần phải đi đến tận cùng, trong thời gian sớm nhất. Dường như, Thủ tướng Anh Boris Johnson hiểu rất rõ để đặt cược vào điều này. Để không lùi một bước, cho đến tận thời điểm này...

Đông Phong

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/troi-toi-duong-xa-600846/