Trời se lạnh, đi ăn ốc cần nhớ những lưu ý quan trọng này để tránh rước bệnh vào người

Nếu ăn ốc đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ngược lại, ăn ốc chế biến chưa chín kỹ có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn

Ốc là món ăn vặt khoái khẩu của nhiều người. Về dinh dưỡng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ốc ít chất béo, giàu protein và vitamin cùng khoáng chất cần thiết cho cơ thể như magie, selen, vitamin E và phốt pho. Cụ thể, trong 100g ốc người ta tìm thấy: 10,7g protein; 1,2g lipit; 3,8g cacbohydrat; 1.357mg canxi; 191mg photpho; 19,8mg sắt; vitamin B1, B2, A…

Theo nghiên cứu của đông y, ốc có tính hàn, vị ngọt. Khi ăn có tác dụng thanh nhiệt lợi thủy, giải độc tiêu nhọt, trị bệnh đái khó tiêu, phù nước, tiêu khát, trĩ ra máu, sưng đỏ mắt…Một số thầy thuốc đông y cho rằng, ăn ốc nước ngọt nhất là ốc đồng còn có tác dụng trấn tĩnh thần kinh não. Đây là món ăn lý tưởng cho người thường bị căng thẳng thần kinh.

Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị, ốc là thực phẩm có tính hai mặt. Nếu ăn ốc đúng cách, ăn vừa đủ, có cách chế biến sạch sẽ mang lại tác dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu ăn ốc sai cách, ăn ốc chế biến chưa chín kỹ có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm đối với sức khỏe người dùng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một số sai lầm khi chế biến và ăn ốc cần lưu ý như:

Ăn ốc chưa chín

Mặc dù thơm ngon, bổ dưỡng nhưng trong ốc lại có rất nhiều ký sinh trùng sinh sống có thể gây bệnh cho con người, chẳng hạn như giun lươn, sán lá gan (bao gồm sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn), sán lá ruột, sán máng…

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, ốc sống trong môi trường bùn sâu thường chứa rất nhiều các loại ký sinh trùng có hại cho cơ thể. Mỗi con ốc có thể chứa 3.000-6.000 ký sinh trùng giun ống.

Vì vậy, nếu ăn ốc chưa chín, các loại ký sinh trùng có thể xâm nhập, gây bệnh cho cơ thể. Các bệnh ký sinh trùng từ ốc thường nhắm vào nhiều cơ quan như phổi, gan, mật, ruột, não và thận dẫn đến những hệ lụy xấu cho sức khỏe.

Vừa ăn ốc vừa uống bia, rượu

Nhiều người có thói quen uống rượu bia khi ăn ốc. Tuy nhiên, trên thực tế, các loại ốc, tôm, cua... giàu đạm, canxi khi đi vào cơ thể sẽ tạo nên nhiều acid uric gây bệnh gout.

Trong khi đó, thành phần rượu bia cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ gây bệnh này. Do đó, khi kết hợp 2 loại này với nhau sẽ đẩy nhanh quá trình hình thành bệnh gout cũng như các vấn đề xấu khác đối với cơ thể.

Ăn ốc cùng thực phẩm giàu vitamin C

Khi ăn ốc cùng các loại thực phẩm giàu vitamin C, chúng có thể gây đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, hoặc nặng hơn là ngộ độc thực phẩm hoặc âm thầm gây hại cho sức khỏe, nhất là cơ quan tiêu hóa.

Những ai không nên ăn ốc?

Người bị bệnh gout, viêm khớp

Do ốc là nguồn cung cấp nhiều chất đạm và canxi, vì vậy những người bị bệnh gout, không nên sử dụng ốc trong thực đơn dinh dưỡng hàng ngày của mình.

Bởi chế độ ăn nhiều đạm dễ làm sản sinh acid uric, gây ra các cơn đau khớp dữ dội. Khi tình trạng này kéo dài có thể làm tích tụ và lắng đọng các tinh thể muối urat ở ổ khớp, gây nhức buốt cho người bệnh.

Người bị dị ứng

Đối với những người hay bị dị ứng, nếu muốn ăn cua, ốc, nên hỏi ý kiến bác sĩ trong việc ăn loại thực phẩm này. Hoặc nên sử dụng một lượng nhỏ để quan sát dấu hiệu của cơ thể, nếu thấy ăn sau vài phút hoặc vài giờ xuất hiện mề đay, ngứa, nôn nao… thì nên ngưng việc ăn ốc và đến bệnh viện để điều trị.

Những người bị đau dạ dày, viêm loét, rối loạn tiêu hóa kéo dài, người có vết loét trên da thịt chưa lành cũng nên hạn chế tối đa việc ăn ốc.

Những người bị ho hoặc bệnh hen

Theo nghiên cứu, những người bị ho hay hen suyễn, những loại hải sản như ốc sẽ khiến tình trạng của bệnh ngày càng nặng hơn. Do đó, để tránh tình trạng bệnh thêm nặng nên tránh ăn hải sản để bảo vệ cơ thể được tốt nhất.

Trẻ em và phụ nữ mang thai

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến nghị, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ nên hạn chế ăn ốc. Vì nếu ăn ốc không đúng cách, ăn quá nhiều có thể gây lạnh bụng dẫn đến tiêu chảy kéo dài.

Ở phụ nữ mang thai, nếu bị tiêu chảy do ăn ốc không được xử lý kịp thời có thể gây mất nước, mệt mỏi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi. Mặt khác, ốc không đảm bảo vệ sinh có thể tạo cơ hội cho ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể gây nguy hiểm cho thai nhi.

Lưu ý:

- Nếu tự luộc ốc ở nhà, sau khi đi bắt ốc hoặc mua ở chợ về, cần ngâm ốc bằng nước vo gạo, dấm, nước muối pha chanh hoặc ớt để ốc nhả hết sạn bẩn.

- Ốc phải được luộc chín kỹ trong nước sôi khoảng 5-10 phút, không nên ăn ốc chưa chín để tránh nguy cơ nhiễm mầm bệnh và ký sinh trùng.

- Nên loại bỏ ruột ốc khi ăn vì ruột ốc nằm ở đuôi chứa nhiều chất bẩn.

- 1 tuần chỉ nên ăn ốc tối đa 2 lần để tránh gây hại cho sức khỏe.

Anh Khôi (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/troi-se-lanh-di-an-oc-can-nho-nhung-luu-y-quan-trong-nay-de-tranh-ruoc-benh-vao-nguoi-172221018163342644.htm