Trời rét hại, trẻ vùng cao mong được đến trường để tắm nước nóng, ngủ chăn ấm

Khác với học sinh miền xuôi, trẻ vùng cao muốn được đến trường để ngủ trong chăn ấm, có bát cơm nóng và nước nóng để tắm giặt.

Không khí lạnh tràn về khiến nền nhiệt tại huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) xuống thấp, có nơi chỉ 3-4 độ C. Hoàng Thị Ngân, học sinh trường THPT số 1 Bảo Yên chỉ mong được đi học. Ở trường em được ngủ trong chăn ấm, có bát cơm nóng để ăn và đặc biệt có nước nóng để tắm giặt. Bình nước nóng là thứ chỉ có ở trường, con cả thôn bản em không nhà nào có.

Trường THPT số 1 Bảo Yên là nơi học tập của 200 học sinh bán trú. Hầu hết các em đều đến từ các xã đặc biệt khó khăn. Trước đây khi chưa có mô hình bán trú, mùa đông học sinh phải đạp xe hàng chục cây số đến trường. Những ngày giá rét, chân tay các em lạnh ngắt, phù nề đau đớn.

Từ khó khăn trên, nhà trường triển khai mô hình học sinh bán trú. Nhờ đó mà các em được chăm sóc tốt hơn về mặt sức khỏe, được ăn uống, nghỉ ngơi tại trường.

Buổi trưa, sau khi học xong các em ăn cơm bán trú. Mỗi phần cơm đều có món mặn, hoa quả tráng miệng, cơm nóng. Tối đến các em ngủ tại trường. Mỗi phòng đều có chăn ấm, nệm, màn. Nhà vệ sinh, nhà tắm được trang bị bình nóng lạnh.

(Ảnh minh họa: V.N)

(Ảnh minh họa: V.N)

Em Hoàng Thị Ngân chia sẻ: “Ở ký túc xá, chúng em chủ động về thời gian, tổ chức hoạt động học tập khoa học và hiệu quả hơn rất nhiều, đặc biệt khi thời tiết bất thường, thầy cô luôn nhắc nhở phải giữ ấm, ở đây em được quan tâm chu đáo như ở nhà”.

Trong những ngày giá rét, học sinh trường tiểu học Nấm Lư (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) được thầy cô liên tục nhắc nhở phải giữ ấm khi đi học. Hàng năm khi nhiệt độ xuống thấp, nhà trường đều thực hiện phòng chống rét cho học sinh.

Thầy Phạm Văn Toàn, hiệu phó, cho biết, trường đã hoàn thành xong hệ thống nóng lạnh phục vụ học sinh trong những ngày giá rét. Đây là điều rất cần thiết vì ở xã Nấm Lư, bởi có những ngày nhiệt độ còn 1-2 độ C. Học sinh không có nước nóng, cả tuần không dám tắm giặt.

Nhà trường huy động giáo viên căng bạt khu phòng học, khu nhà ăn. Khu ký túc xá nằm ở nơi khuất gió, mỗi buồng đều có 6 giường tầng. Nhờ nguồn kinh phí xã hội hóa nhà trường trang bị đầy đủ nệm, chăn, gối cho mỗi phòng.

Nhiều nhà hảo tâm cũng tích cực quyên góp áo phao ấm, giày, tất, ủng cho học sinh. So với những năm trước đây, điều kiện sinh hoạt và học tập của học sinh đã được cải thiện rất nhiều. Vì thế phụ huynh yên tâm gửi con cho nhà trường.

Nhiều trường chủ động trang bị áo ấm, chăn mền trong ký túc xá. (Ảnh:V.N)

Trường Tiểu học Pa Ủ (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) là ngôi trường khó khăn nhất tỉnh. Những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ tại xã Pa Ủ xuống thấp, chỉ còn vài độ C. Thương học sinh, nhà trường huy động giáo viên gia cố phòng học, chắn gió bằng phông. Nhiều giáo viên từ những ngày đầu đông lên mạng xã hội kêu gọi người dân quyên góp áo ấm, ủng, tất cho học sinh.

Mỗi năm vào những ngày giá rét, giáo viên tiểu học Pa Ủ rất vất vả trong công tác bán trú. Thời tiết lạnh nên học sinh lựa chọn ở trường, không về nhà. Bên cạnh công tác chuyên môn, giáo viên còn phải quán xuyến, giữ ấm cho học sinh. Vất vả là vậy, nhưng thầy cô luôn hoàn thành tốt công tác chuyên môn và chăm sóc sức khỏe cho các em yên tâm đi học.

Vũ Ninh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/troi-ret-hai-tre-vung-cao-mong-duoc-den-truong-de-tam-nuoc-nong-ngu-chan-am-ar589739.html