Trời nắng

Mưa kéo dài đã được nửa tháng, cứ rả rích chứ chẳng phải lúc nào cũng mưa to. Thế nhưng mây mù thì lúc nào cũng ủ rũ vây quanh mấy đỉnh núi, mang lại một không khí ảm đạm và xám xịt.

Thỉnh thoảng một cơn mưa rào, hay nhẹ hơn thì là mưa phùn, lại trút nước lên đám cỏ khô và tất cả thứ gì có trên mặt đất. Thứ duy nhất thỉnh thoảng còn khô ráo được là mấy tảng đá. Cỏ thì chẳng bao giờ.

Chúng tôi thấy mệt mỏi với cái cửa hàng này. Thực ra, ai mà thích được nó chứ? Cửa hàng này ra đời từ đầu thế kỷ trước, từ một túp lều xiêu vẹo, quét nhựa đen, cửa sổ thấp lè tè với những ô kính nhỏ xíu. Trần nhà cũng thấp. Mọi thứ được sắp xếp sao cho ít ai có thể suy nghĩ hay có tầm nhìn thông thoáng được.

Giờ thì chẳng ma nào thèm ngó vào trong, ngay cả những gã hoang phí nhất vẫn sống bằng mấy việc thời vụ trong làng và vẫn kín đáo gặp nhau hằng ngày ở quán cũng thế. Chúng tôi vẫn thường lén rủa những chuyến viếng thăm miên man, bất tận của họ. Nhưng giờ đây, khi họ bận dỡ cỏ ra phơi thì chúng tôi bỗng nhận ra rằng họ đã từng rất thú vị. Họ đưa ra những nhận xét hóm hỉnh và đem tới chúng tôi thông tin của tất mọi người trong vùng. Giờ thì tới lượt chúng tôi rủa họ vì đã không đến với cửa hàng.

Chúng tôi ngồi đó, hút thuốc, nhìn trân trân vào mấy cái giá trong căn phòng ẩm ướt. Dù có là mùa nào thì cái cửa hàng này cũng chẳng có lò sưởi và cái lò sưởi ở văn phòng nếu có dùng đến thì lại phả khói qua khe hở thay vì bay thẳng lên ống khói. Nó cũng chưa được cọ rửa từ mùa đông năm trước, mà mùa hè thì chúng tôi lại chẳng có tham vọng gì để làm cái công việc đó cả.

Chúng tôi cố gắng để chuyển tải những suy nghĩ của mình từ cửa hàng ra với thế giới bên ngoài. Chúng tôi đưa ra những nhận xét thông minh rằng, giờ này những người nông dân đang mồ hôi như tắm trên những cánh đồng phơi cỏ và rằng sẽ rất đáng tiếc nếu trời mưa lúc này, ngay đầu mùa phơi cỏ khô. Chúng tôi chẳng có gì để nói về những chủ đề khác và ngày nào cũng chỉ lặp đi lặp lại cái chủ đề cỏ khô đó. Nói tóm lại, chúng tôi phiền muộn và rảnh rỗi cho tới khi nào có trời nắng.

Một sáng, vào khoảng 9 giờ, mấy khóm sương mù bắt đầu dịch chuyển. Ban đầu, một khoảng trống cỡ bằng bàn tay hiện ra, phía sau là khoảng trời phía đông trong xanh. Kế đó, khoảng trống mở rộng hơn ra và mặt trời xuất hiện.

Chúng tôi biết điều đó có nghĩa là gì và bảo nhau rằng chỉ là một “lời hứa ban mai” thôi, nghĩa là chẳng có gì chắc chắn cả. Nhưng rồi sương mù bắt đầu mỏng dần và bay nhanh hơn quanh đỉnh núi đối diện. Chúng đọng lại ở chỗ con đèo, dày hẳn lên như đống len trắng muốt vừa mới chải. Những quả đồi phía bên kia hiện lên với một màu xanh đáng yêu, chẳng thèm để mắt tới lũ sương mù ban nãy. Ngoài ô cửa của cửa hàng giờ chỉ thấy một bầu trời xanh trong và nắng vàng rực rỡ.

Đợt nắng nóng kéo dài. Lũ chúng tôi lần lượt thay nhau ra ngoài càng nhiều càng tốt, để “tắm nắng vàng”.

Vào buổi chiều thứ ba của đợt nắng nóng, tôi ghé qua nhà bác sĩ. Tôi đã phát chán việc cứ đi lang thang, không làm gì cả và mong được đến ngồi trên chiếc đi-văng ở nhà bác sĩ mà trò chuyện.

Ông bác sĩ mời: “Làm điếu xì gà nhé?”.

Tôi gật đầu: “Ồ vâng. Hôm nay tôi mới hút đến điếu thứ sáu”.

Ông bác sĩ lại hỏi: “Bia, whisky hay nước lọc?”.

Tôi bảo: “Cho tôi một ly whisky nhỏ”.

Tôi châm xì gà, rít sâu một hơi, thở ra cả đằng mũi và miệng. Thật sảng khoái!

Chúng tôi uống whisky và nước lọc một cách nhàn tản. Tôi ngả đầu ra sau băng ghế, duỗi thẳng chân, tận hưởng một thứ cảm giác sang trọng và cho phép tâm trí mình tạm lãng du tới bên bờ vịnh, nơi người ta đang muốn tới.

Ông bác sĩ đang rất hưng phấn. Ông kể về người Nhật Bản và người Nga, mấy loại tia sáng người ta mới phát minh ra và cả những thông tin gần đây nhất mô tả cảm giác sắp chết nó như thế nào.

Tôi thích thú khi được nghe ông bác sĩ nói về cảm giác khi sắp chết. Bao giờ cũng vậy, có một điều dễ chịu về cái chết, đặc biệt là khi nó cách mình khá xa. Cái chết dường như xa, rất xa vòng khói thuốc, hương vị whisky và cái tiện nghi, êm ái của chiếc đi-văng và tâm trí đang bay bổng của tôi cùng người con gái ấy ở bờ vịnh bên kia. Cái chết dường như rất xa, đến nỗi tôi ít có dịp theo dõi những mô tả về cảm giác khi người khác sắp chết.

Trong khi tôi còn đang chìm trong cảm giác sảng khoái và rất nhiều thông tin từ ông bác sĩ, thì cánh cửa bật mở. Tôi vội quay nhìn lại và nghĩ rằng đó là một trong những đứa con của ông bác sĩ. Nhưng không! Đó là Thordur, gia đình nhà Bend.

Tôi biết rõ Thordur. Thordur ngoài 50 tuổi, cao, tay chân to bè, có mái tóc hoa râm bù xù và cái mũi hếch. Tôi biết ông ta có cả đám con vì đã từng tới nhà ông ta một lần. Chúng chạy nhảy, liến thoắng, đi lại lạch bạch, bò lổm ngổm và lăn qua ô cửa mà nhìn tôi chằm chằm. Có vẻ như đếm xem chúng có bao nhiêu đứa chỉ tổ gây thất vọng, bởi chúng chẳng khác nào cả một đàn cừu vậy. Gia đình nhà Bend chẳng có thu nhập nào khác ngoài những thứ hai vợ chồng già, và có lẽ là mấy đứa trẻ lớn, kiếm được để lần hồi qua ngày. Sếp tôi ở Copenhagen đã nghiêm cấm chúng tôi cho Thordur vay tiền và dĩ nhiên là giờ này Thordur đã nợ chúng tôi vượt ngoài khả năng thanh toán.

Tôi lầm bầm: “Lão vô lại thậm chí còn chẳng thèm gõ cửa”.

Trông ông ta có vẻ gì đó không bình thường. Mặt Thordur đỏ tía lên một cách không tự nhiên; đôi mắt sáng một cách kỳ lạ nhưng vẫn dài dại. Dường như đôi chân Thordur cũng đang run rẩy. Tôi tự hỏi không hiểu lão ma bùn này có vừa nốc vài chai giữa cái mùa phơi cỏ này không đây?

Rõ ràng là ông bác sĩ không nhớ ra Thordur là ai.

Ông lên tiếng: “Chào ông bạn của tôi. Có vấn đề gì chăng?”.

Thordur bảo: “Tôi chỉ tới để lấy 4 đồng crown”.

Ông bác sĩ hỏi: “4 đồng crown nào?”.

Thordur lên giọng: “4 đồng crown ông nợ tôi đó”.

Rõ là Thordur đã không còn đứng vững được nữa. Tôi dám chắc rằng, tay mơ này đã nốc rượu tới bến trước khi tới đây. Tôi thực sự ngạc nhiên. Tôi chưa từng bao giờ thấy ông ta ngả nghiêng như vậy. Thordur sống ở bên mé đồi, cách khu làng không xa, không hiểu ông ta lấy đâu ra rượu, chắc chắn là không phải từ cửa hàng của chúng tôi rồi.

Ông bác sĩ hỏi: “Tên anh là gì?”.

Thordur lên giọng: “Sao cơ? Ông không nhớ tên tôi? Tôi là Thordur, Thordur nhà Bend. Tốt hơn hết là tôi phải lấy tiền về ngay thôi”.

Ông bác sĩ bảo: “Ồ, vậy ra là Thordur nhà Bend. Nhưng nghe này, bạn tốt của tôi ạ. Tôi chẳng nợ ông đồng nào cả. Ông có nợ tôi một chút đỉnh, nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng lắm đâu”.

Thordur lặp lại: “Tôi không quan tâm. Tôi chỉ muốn lấy tiền ngay lập tức”.

Ông bác sĩ bảo: “Ông đưa tay tôi xem nào”.

Thordur giơ tay ra, nhưng trông có vẻ như ông ta làm điều đó mà không hề hay biết. Hai mắt Thordur nhìn vào vô định, như thể đang nghĩ đến điều gì đó khác hay thực ra là chẳng nghĩ điều gì cả.

Ông bác sĩ đặt mấy ngón tay lên cổ tay Thordur, bảo: “Ông đang ốm, Thordur ạ”.

“Ốm ư? Tất nhiên là tôi đang ốm. Tôi có phải trả cho ông 4 crown không? Tôi còn chưa thấy chúng cơ mà”.

“Điều đó chẳng có gì khác biệt cả. Nhưng tại sao ông lại dậy thế này. Ông đã quên lời tôi dặn hôm trước rằng ông phải nằm nhà nghỉ ngơi rồi sao?”.

“Nằm nghỉ ấy à? Làm sao tôi phải nằm nghỉ cơ chứ? Hãy nói tôi nghe xem?”.

“Ông không được ra khỏi giường trong tình trạng như thế này. Ông đang mê sảng đấy”.

“Ông thật là ngớ ngẩn. Ông không biết là trời đang nắng à?”.

“Có chứ! Tôi biết rất rõ!”-Rõ ràng là ông bác sĩ đã biết phải làm gì trong trường hợp như thế này. “Nào, ngồi xuống đây và chúng ta sẽ nói thêm về chuyện này”.

“Ngồi xuống ấy à? Không! Vậy thì ai sẽ đi phơi cỏ đây? Tôi đã cắt được một ít khi tôi bị ốm. Tại sao ông lại phủ nhận tôi chứ? Lũ trẻ con cũng đã cố cắt được một chút, nhưng ai sẽ là người phơi cỏ đây? Không thể là Gudrun-cô ấy không thể làm mọi việc được. Còn lũ trẻ ư? Chúng thì biết gì về phơi cỏ? Vậy thì ai, ai sẽ làm việc đó? Không lẽ là ông sao?”.

Ông bác sĩ có vẻ hơi bối rối: “Sẽ có điều gì đó đến với anh thôi”.

Thordur bảo: “Điều gì đó ư? Chưa bao giờ có điều gì may mắn đến với tôi cả”.

Tôi chợt rùng mình. Thordur nói đúng: Chưa hề có điều gì may mắn đến với ông ta cả. Tôi thấy ngột ngạt khi phải nhìn vào cái vực sâu tuyệt vọng này. Sự thật từ những lời nói mê sảng này làm tôi băn khoăn hơn tất cả những gì được coi là thông thái từ trước cộng lại.

Thordur nhắc lại, răng va vào nhau lập cập: “Ông có trả tôi 4 crown không?”.

Ông bác sĩ rút ví, lấy ra 4 crown đưa cho Thordur. Thordur đặt cả lên mặt bàn và lảo đảo đi về phía cửa. Ông bác sĩ gọi với theo: “Này, ông không mang tiền về à?”.

Vẫn tiếp tục bước ra cửa và không nhìn lại phía sau, Thordur đáp: “Tôi vẫn chưa có. Nhưng tôi sẽ trả ông ngay khi nào có thể”.

Ông bác sĩ quay sang bảo tôi: “Ở cửa hàng có chiếc giường trống nào ở tầng trên không?”.

Tôi đáp: “Có”.

Ông bác sĩ bảo Thordur: “Chúng tôi sẽ đưa đến cửa hàng”.

Thordur đáp: “Đi với tôi ư. Chết tiệt! Tôi đi ra đồng phơi cỏ cơ mà”.

Chúng tôi ra ngoài nhìn theo Thordur. Chỉ được một quãng, Thordur ngã lộn nhào. Chúng tôi đưa ông ta lên tầng hai cửa hàng. Tại đây, ông bác sĩ bảo: “Nếu qua được thì mấy ngày nữa ông ấy sẽ kể cho chúng ta nghe xem những lý thuyết mới nhất về cảm giác khi sắp chết là đúng hay sai”.

Tôi hỏi: “Vậy ai sẽ phơi cỏ trên cánh đồng của ông ấy bây giờ?”.

Truyện ngắn của Einar H. Kvaran (Iceland), MẠC TRIỀU (dịch)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/troi-nang-542019