Trời biết, đất biết, chỉ cơ quan tố tụng không biết

Hai người bạn chở nhau bằng xe máy và gây tai nạn chết người. Ban đầu cơ quan tố tụng truy cứu người này, sau đó quay sang truy tố người kia nhưng cuối cùng vụ án rơi vào bế tắc.

Mới đây, TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm đã tuyên bố Trần Thanh Sang không phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và đình chỉ vụ án. Trước đó, xử sơ thẩm vào tháng 3-2016, TAND huyện Krông Búk đã tuyên phạt Sang 10 tháng 16 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam) về tội danh trên.

Xử người này không được thì xử người kia

Vụ án tai nạn giao thông này lạ ở chỗ ban đầu cơ quan tố tụng xác định Trần Thọ Đức là người cầm lái nhưng sau đó cơ quan tố tụng lại quay sang xác định Trần Thanh Sang mới là người cầm lái.

Theo hồ sơ ban đầu, 19 giờ ngày 30-4-2010, Sang và Đức sau khi nhậu xong thì cùng nhau đi xe máy chạy trên quốc lộ 14, khi đến địa phận thôn 9, xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk, Đắk Lắk thì gây tai nạn, làm anh LQL tử vong.

Ban đầu, cơ quan tố tụng xác định Đức cầm lái gây ra tai nạn nên khởi tố Đức và TAND huyện Krông Búk đã phạt Đức ba năm tù. Sau khi án bị hủy, CQĐT Công an huyện Krông Búk đình chỉ điều tra đối với Đức và quay sang khởi tố, truy tố và xét xử Sang.

Một trong những chứng cứ được tòa án cấp sơ thẩm làm căn cứ xác định Sang đã cầm lái gây tai nạn là bản cam kết ngày 14-6-2010 giữa gia đình Đức và gia đình Sang. Nội dung cam kết thể hiện Sang là người cầm lái gây tai nạn, gia đình Đức hỗ trợ chi phí bồi thường cho phía nạn nhân.

Tuy nhiên, phía gia đình Sang khai rằng Sang nhận giúp vì Đức là sinh viên đang còn đi học, mọi chi phí gia đình Đức sẽ chịu hết và Sang sẽ không bị tù tội gì. Đồng thời, Sang cũng khai rằng tất cả số tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân đều là tiền của gia đình Đức đưa…

Trần Thanh Sang và mẹ sau khi được tòa tuyên vô tội. Ảnh: ĐT

Tuyên không phạm tội và đình chỉ vụ án

Tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk cho rằng chưa đủ căn cứ để quy kết Trần Thanh Sang là người cầm lái gây ra tai nạn nên việc tòa án cấp sơ thẩm tuyên xử Sang phạm tội là không đúng. Đồng thời, HĐXX cũng chỉ ra hàng loạt tình tiết khác chứng minh Sang không phải là người cầm lái.

Theo đó, lời khai của các nhân chứng trong vụ án và kết quả thực nghiệm điều tra đã xác định rõ người điều khiển xe máy gây tai nạn là người mặc áo vàng. Trong khi các nhân chứng gặp Sang và Đức tại quán nhậu và chính Sang và Đức đều thừa nhận Sang là người mặc áo thun đen, Đức mặc áo khoác vàng.

Về thái độ khai báo, Đức thừa nhận đã chủ động yêu cầu Sang không được khai đã uống rượu mà chỉ khai là đã uống cà phê, trên đường về thì gây tai nạn. Chỉ đến khi CQĐT chứng minh cả Sang và Đức đã uống rượu tại quán TC thì Đức mới thừa nhận. Mặt khác, mọi nhân chứng tại bữa nhậu đều thừa nhận Sang say gục mặt xuống bàn, không còn khả năng lái xe, chỉ có Đức khai Sang chưa say rượu và còn tỉnh táo. Như vậy, sau khi tai nạn xảy ra, Đức đã tìm cách đối phó với CQĐT và khai báo không trung thực.

Theo tòa, Kết luận giám định số 314/C54C của Phân viện Khoa học hình sự Đà Nẵng quy kết Sang là người cầm lái chống lại toàn bộ kết quả điều tra và các chứng cứ khác của vụ án. Hơn nữa, bản kết luận này có sự mâu thuẫn giữa phần nhận xét đánh giá với phần kết luận nên tòa án không thể căn cứ vào kết luận này để quy kết Sang phạm tội. Từ đó, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên Sang không phạm tội và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp cho Sang.

Điều đặc biệt là tòa phúc thẩm đã không kiến nghị xem xét xử lý Đức, dù phần nhận định có đề cập Đức là người cầm lái. Có lẽ tòa tiên liệu đến khả năng không thể chứng minh như ở “vòng” tố tụng ban đầu mà Đức đã được đình chỉ.

ĐỨC TRÍ

Bảy năm mòn mỏi đợi chờ

- Ngày 30-4-2010, Sang và Đức sau khi nhậu xong điều khiển xe máy lưu thông trên quốc lộ 14, đến địa phận thôn 9, xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk, Đắk Lắk thì gây tai nạn khiến anh LQL tử vong. Ban đầu, cơ quan tố tụng huyện Krông Búk khởi tố và truy tố Đức.

- Tháng 5-2011, TAND huyện Krông Búk phạt Đức ba năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tháng 7-2011, TAND tỉnh Đắk Lắk đã hủy án sơ thẩm để điều tra lại vì có nhiều tình tiết mâu thuẫn.

- Tháng 8-2013, Công an huyện Krông Búk đình chỉ điều tra với Đức rồi quay sang khởi tố, bắt tạm giam Sang về tội danh trên.

- Sau khi hoãn phiên tòa nhiều lần, tháng 11-2014, TAND huyện Krông Búk phạt Sang 18 tháng tù. Tháng 7-2015, TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

- Xử sơ thẩm lại vào tháng 3-2016, TAND huyện Krông Búk đã phạt Sang 10 tháng 16 ngày tù. Đến tháng 3-2017, TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm đã tuyên Sang không phạm tội và đình chỉ vụ án đối với Sang.

- Như vậy, sau bảy năm với hàng loạt hoạt động tố tụng, vụ án lại quay về vạch xuất phát, gia đình nạn nhân vẫn không biết ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của con mình.

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/chi-co-troi-moi-biet-ai-cam-lai-695684.html