Trở về từ chuyến biển 'sinh tử'

Chỉ vài ngày sau khi được biên đội tàu cứu hộ, cứu nạn của Hải đội 2 (BĐBP Nghệ An) lai dắt vào bờ an toàn, 6 ngư dân trên con tàu NA 0010 TS lại tập trung tại ngôi nhà của chủ tàu Phạm Văn Lợi (34 tuổi, trú tại khối Hải Bằng 1, phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) để vá, sửa lại lưới, ngư cụ và máy móc để chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới. Những người đàn ông đi biển đã dạn dày sóng gió vẫn chưa quên được giây phút sinh tử khi chiếc tàu gặp nạn giữa biển khơi và sự ứng cứu kịp thời, không quản ngại gian nguy của các cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2.

Các ngư dân trên tàu NA 0010 TS sửa lại lưới chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới.

Các ngư dân trên tàu NA 0010 TS sửa lại lưới chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới.

Chiều 4-5, như thường lệ, 6 thuyền viên ăn cơm và sửa soạn ngư cụ để ra khơi đánh bắt cá. Chiếc tàu NA 0010 TS có công suất 24CV do gia đình anh Phạm Văn Lợi vừa mua lại của chủ khác được một tháng với giá 200 triệu đồng. Con tàu gia đình anh có được sau nhiều năm tích góp cũng chỉ đủ sức đánh bắt gần bờ. Sau khi nhổ neo, chiếc tàu chạy qua lạch Cửa Hội rồi hướng thẳng ra vùng biển gần khu vực Hòn Mắt để đánh bắt hải sản.

Trời lặng gió, biển êm, các ngư dân ai cũng khấp khởi vui mừng hứa hẹn một chuyến đi biển thuận lợi cho nhiều tôm, cá. Do là tàu gỗ nhỏ không có trang bị radio nên các ngư dân không biết được thông tin đang có một đợt không khí lạnh trái mùa tràn về. Vào khoảng 3 giờ sáng ngày 5-5, khi các ngư dân đang đánh bắt cá tại khu vực phía trong Đảo Mắt, cách lạch Cửa Hội khoảng 7 hải lý thì bầu trời xuất hiện cơn giông, gió thổi ngày càng mạnh hơn. Giữa màn đêm đen kịt, ánh đèn điện ắc quy của con tàu nhỏ leo lét như một đốm sáng nhỏ khuất lấp sau từng đợt sóng cấp 6, cấp 7 dồn dập.

"Chúng tôi cố gắng nổ máy cho thuyền chạy nhanh vào bờ nhưng sóng biển dâng cao, nước tràn vào khoang làm chết máy. Tiếp đó, do lưới không thu kịp nên bị quấn vào chân vịt, tàu mất phương hướng. Tất cả chúng tôi đều hoảng loạn và nghĩ đến cái chết vì tàu trôi tự do trên biển..."- Thuyền trưởng Lợi kể lại. Là người có nhiều kinh nghiệm đi biển, ông Phạm Văn Hải (44 tuổi, anh trai anh Lợi) mặc áo phao, lao xuống biển để cắt lưới khỏi chân vịt. Chủ tàu tiếp tục dùng máy phụ để chạy tàu vào bờ, nhưng cũng không có kết quả nên đã gọi điện thoại về gia đình và nhờ Hải đội 2 để giúp đỡ.

Nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã điều động 2 tàu số hiệu: BP-06.11.01 và BP-06.11.02 và 20 cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 nhanh chóng xuất kích để cứu hộ, cứu nạn chiếc tàu đang trôi dạt trên biển. Đến khoảng 9 giờ cùng ngày, hai chiếc tàu của Hải đội 2 phát hiện tàu bị nạn đang trôi dạt ở khu vực phía Nam Hòn Mắt, cách bờ khoảng 9 hải lý. Rất nhanh chóng, khẩn trương, tàu cứu hộ, cứu nạn đã triển khai các biện pháp tiếp cận, đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu bị nạn. Sau đó, đã móc cáp lai dắt tàu bị nạn và toàn bộ thuyền viên trên tàu vào cầu cảng Hải đội 2. Tại đây, những người vợ, người con hết sức vui sướng khi thấy người thân của mình trở về an toàn.

Máy trưởng Nguyễn Thanh Hoài chia sẻ: "Nhờ có các cán bộ, chiến sĩ BĐBP kịp thời ứng cứu nên chúng tôi mới được trở về an toàn. Có lực lượng BĐBP bên cạnh, chúng tôi cảm thấy vững tâm hơn mỗi khi vươn khơi, bám biển".

Trở về sau chuyến thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, các cán bộ, chiến sĩ đội tàu cứu hộ, cứu nạn Hải đội 2 đều thấm mệt, nhưng trên gương mặt ai cũng đều rạng rỡ niềm vui vì đã đưa được các thuyền viên vào bờ an toàn. Việc cứu hộ 6 ngư dân trên tàu NA 0010 TS trên chỉ là một trong vô số nhiệm vụ ứng trực, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn ngư dân gặp sự cố trên biển của Hải đội 2.

Thượng tá Nguyễn Xuân Phương, Hải đội trưởng Hải đội 2 cho biết: "Hải đội 2 là đơn vị tàu thuyền cơ động chiến đấu, quản lý vùng biển Nghệ An với chiều rộng khoảng 30 hải lý. Nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị là tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo, đấu tranh với các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực biển. Bên cạnh đó, những năm qua, chúng tôi đã tích cực tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn ngư dân, tàu thuyền bị nạn trên biển".

Là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những cơn bão trên biển, trung bình mỗi năm Nghệ An đón từ 10-12 cơn bão lớn. Chỉ tính 3 năm gần đây, đơn vị đã "xuất kích" 17 lượt/25 tàu/234 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu nạn và tìm kiếm nạn nhân bị nạn trên biển; cứu nạn được 22 tàu/136 người đưa vào bờ an toàn; tổ chức hàng chục lượt bắn pháo hiệu kêu gọi hàng ngàn lượt tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn... "Có những đợt mưa bão, khu vực ngư dân xảy ra tai nạn ở rất xa. Nhận được tin báo, bất kể đêm tối, bão bùng, chúng tôi lại tức tốc vượt sóng dữ lên đường đến nơi ngư dân gặp nạn, bởi lúc đó, họ đang rất cần đến chúng tôi...", Thượng tá Phương bộc bạch.

Hùng Phong

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tro-ve-tu-chuyen-bien-sinh-tu/