Trở về không gian văn hóa Nam bộ qua khảo luận diễn xướng dân gian

Buổi khảo luận văn hóa đầu tiên do Soul Live Project tổ chức 'Khảy nhịp tang tình' sẽ đưa khán giả về với không gian văn hóa Nam bộ qua các loại hình diễn xướng dân gian, với sự tham gia của nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ Huỳnh Ngọc Trảng (ảnh thethaovanhoa.vn)

Chương trình nằm trong khuôn khổ Dự án SLP Series 2018 - Hành Trình “Diễn xướng Nam Bộ” do Soul Live Project (SLP) và tổ chức Đối thoại Văn hóa Cộng đồng phối hợp thực hiện. Dự án gồm chuỗi những buổi khảo luận văn hóa về mảnh đất rừng phương Nam, phác họa bức tranh chung về các hình thức diễn xướng dân gian đã và đang tồn tại ở Đồng Nai - Gia Định xưa và TP. Hồ Chí Minh - Nam Bộ ngày nay.

Trong chương trình đầu tiên “Khảy nhịp tang tình", khán giả sẽ được xem và lắng nghe phần bình phim tài liệu "Gia Định - Sài Gòn: Điệu hát, Câu hò ngày ấy" từ diễn giả/nhà Nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, để từ đó có thể hiểu thêm về tổng quan bối cảnh văn hóa Nam Bộ; Các loại hình diễn xướng cơ bản: trữ tình dân gian (dân ca, hò, hát lý..), tự sự dân gian (nói vè, nói thơ, nói tuồng…), tổng hợp (sắc bùa, nghi lễ, khoa nghi ứng phú), múa lốt (múa hẩu, múa lân, múa sư tử…) - sự hình thành, biến đổi và phát triển ở đất Nam Bộ và tham dự một số trò chơi nhận biết giai điệu.

Buổi khảo luận bắt đầu từ lúc 18g30 ngày 08/4 tại Soul Live Project Complex, 216 Pasteur, Q.3, Tp. Hồ Chí Minh.

Giới thiệu thêm về Hành trình Diễn xướng Nam bộ: “Người trong Nam (từ Đồng Nai tới Quảng Nam) thì hát lý hay hơn cả; còn thơ, phú, ca, vịnh thì người miền Bắc; còn việc hò thì tại nơi kinh kỳ (Huế)”, (trích Trương Vĩnh Ký trong giáo trình Hát, Lý, Hò An Nam, 1886). Từ những năm 1620, đất Đồng Nai - Gia Định (với hàm nghĩa là toàn cõi miền Nam) trở thành vùng đất mới với lưu dân đến lập nghiệp đa phần là cư dân Thuận Quảng. Vì lẽ đó, văn hóa Thuận Quảng là hạt giống đầu tiên gieo trồng trên vùng thổ ngơi mới này và cũng là cơ sở của văn hóa Nam Bộ.

Theo dòng lịch sử đó, vùng đất sông nước Đồng Nai, Gia Định (vốn là đất cũ của người Khmer, với văn hóa tương đối khác với lưu dân Thuận Quảng) bắt đầu tiếp nhận thêm các làn sóng văn hóa mới: từ cộng đồng Minh Hương tìm đường đến văn hóa phương Tây do người Pháp mang tới. Nếu buổi đầu, dòng chảy văn hóa chính là Thuận Quảng thì không muộn hơn là bao là sự giao lưu với văn hóa Hoa, Khmer và sau đó là văn hóa Âu Tây. Đến đầu thế kỷ XX, văn hóa Nam Bộ đã trở thành một phức thể mang tính chất tổng hợp và baroque rõ rệt.

Cá tính văn hóa của vùng đất này mang tính chất mở, nó thâu hóa tất cả những gì từ nơi khác hội tụ về đây. Thêm vào địa thế của nơi đây là một ngã ba đường luôn nối được với các luồng thông thương chủ yếu với thế giới bên ngoài, với sự giao lưu không ngừng của những con người, những tư tưởng, những luồng tư bản, những hàng hóa, những xu hướng khác nhau… Do đó, nên hầu như không có một dạng thức văn hóa, một hình thức nghệ thuật, một nhu cầu (và cả thị hiếu) văn hóa nào tồn tại nguyên dạng trong một thời gian nhất định. Chúng luôn luôn và nhanh chóng đổi mới, đáp ứng nhu cầu của từng thời đại. Từ nhạc lễ đến ca nhạc tài tử, từ hát bội đến ca kịch cải lương, hiện tượng “tân cổ giao duyên” xảy ra một cách phổ biến trong hầu hết mọi loại hình văn hóa nghệ thuật, kể cả trong dạng thức văn hóa vật chất. Hệ quả là trên bề mặt của sinh hoạt văn hóa nối bật tính thời thượng và tính hiếu kỳ trong thị hiếu văn hóa của người dân nơi đây.

Chuỗi chương trình Diễn xướng Nam Bộ nhằm giới thiệu các hình thức diễn xướng dân gian xưa và nay của miền Nam, từ đó đưa lại cho khán thính giả những hiểu biết về bối cảnh văn hóa đặc biệt của vùng đất mới và những kiến thức cơ bản để nắm bắt, thưởng thức và góp phần bảo tồn, phát triển di sản văn hóa phi vật thể này.

Minh Thư

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/tro-ve-khong-gian-van-hoa-nam-bo-qua-khao-luan-dien-xuong-dan-gian-285664.html