Trở về dòng sông tuổi thơ qua bộ ảnh 'Dấu ấn Việt Nam'

Những dòng sông hiền hòa như dải lụa uốn quanh, chảy dọc cả miền nông thôn và thành thị, cuốn theo tuổi thơ êm đềm của biết bao người.

Ánh nắng phản chiếu lấp lánh xuống dòng sông, nơi một em nhỏ dùng chân khua mái chèo vượt qua bờ bên kia để phụ cha gom những mẻ cá. Không chỉ là những tháng ngày lao động miệt mài, cuộc sống miền sông nước còn là một vùng trời tuổi thơ với những ký ức đẹp đẽ. Ảnh: Shayne Vu.

Ánh nắng phản chiếu lấp lánh xuống dòng sông, nơi một em nhỏ dùng chân khua mái chèo vượt qua bờ bên kia để phụ cha gom những mẻ cá. Không chỉ là những tháng ngày lao động miệt mài, cuộc sống miền sông nước còn là một vùng trời tuổi thơ với những ký ức đẹp đẽ. Ảnh: Shayne Vu.

Sông Gianh huyền thoại với dãy núi đá vôi hùng vĩ cùng những xóm làng trù phú hai bên sẽ gây ấn tượng khó quên với những ai may mắn đến Quảng Bình. Dòng sông anh hùng và những tháng ngày đấu tranh kiên cường bảo vệ Tổ quốc sẽ luôn khắc sâu trong trí nhớ của mỗi người con tại mảnh đất này. Ảnh: Tran An.

Dòng sông hung dữ, quật cường trong chiến đấu, nhưng lại hiền hòa và yên bình đến lạ giữa đời thường. Những con thuyền nhẹ lướt trên mặt sông phẳng lặng hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp khi chiều về tạo nên bức tranh sống động làm xao xuyến lòng người. Ảnh: Lê Thanh Thu.

Một ngư phủ đi thăm rớ lúc chạng vạng trên sông Quán Trường ở Nha Trang (Khánh Hòa). Nơi đây đang dần thay đổi, nhường chỗ cho công cuộc đô thị hóa. Tuy nhiên, đâu đó bên sông vẫn còn những nét xưa cũ của người dân chài. Khung cảnh gợi nên cảm xúc về một Nha Trang đang thay da đổi thịt từng ngày nhưng vẫn đậm chất thơ. Ảnh: Lê Trương Ngọc Vinh.

Gắn liền với hình ảnh dòng sông tuổi thơ là những chuyến phà qua lại nối đôi bờ. Chuyến phà Bình Khánh trên sông Soài Rạp sau bao năm vẫn là tuyến giao thông quan trọng nối huyện Cần Giờ với trung tâm TP.HCM, chở theo câu chuyện của nhiều mảnh đời. Ảnh: Nguyễn Tấn Đạt.

Chợ hoa tấp nập ngày Tết trên bến Bình Đông (TP.HCM) lưu giữ những nét văn hóa xưa cũ của đất Sài Gòn. Những ghe thuyền chở đầy hoa xuân từ các tỉnh miền Tây lên thành phố như tái hiện lại sống động và rực rỡ một phần truyền thống, nét bình dị của dân tộc, đối lập với kiến trúc hiện đại xung quanh. Ảnh: Lê Minh Phát.

Sông Đáy (huyện Thanh Oai, Hà Nội) toát lên vẻ thanh bình, cũ kỹ của làng quê Việt Nam. Ngắm hoàng hôn trên sông Đáy, nghe tiếng chuông nhà thờ ngân lên hòa cùng tiếng mái chèo khua sóng nước của làng chài gợi cảm giác bình yên, tâm hồn trở về những ngày tuổi thơ hồn nhiên cùng bạn bè. Ảnh: Khương Bino.

Những dòng sông quê hương cũng là một dấu ấn Việt Nam đặc biệt, gợi nhắc đến cả một địa phương. Chẳng hạn như khi nhắc đến sông Lam, tất cả đều ngay lập tức nghĩ đến đất Nghệ An thân thương với những con người tràn đầy nghị lực. Ảnh: Nguyễn Anh Đức.

Đến Thừa Thiên - Huế, nếu ai chưa một lần ngắm cảnh mặt trời lặn từ đồi Vọng Cảnh soi xuống dòng sông Hương xem như chưa tới. Sự mềm mại của sông Hương như một người con gái dịu dàng trong tà áo dài, đã đi vào thơ ca, nhạc họa của biết bao thế hệ văn nghệ sĩ. Con sông gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt và đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Ảnh: Ngô Đình Sinh.

Khoảnh khắc lũ trẻ vùng cao tại xã Cán Tỷ (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) nô đùa cùng bạn bè, tắm sông, tắm suối với thiên nhiên mây trời khiến chúng ta nhớ lại tuổi thơ vô tư của chính mình. Ảnh: Sang Thành Ngô.

Sông Hồng mùa nước nổi một sớm tinh sương với những con thuyền im lìm dưới chân cây cầu lịch sử trăm tuổi đem lại cảm giác bình yên, một nỗi nhớ những gì xưa cũ. Ảnh: Kim Thanh Tran.

Hoàng hôn buông xuống trên sông Hồng. Người đàn ông quay lưng lại với mặt trời, từng làn khói trắng phả ra như sương, cuốn đi những lo toan thường nhật, để tâm hồn phiêu du rất xa. Cuộc thi ảnh "Dấu ấn Việt Nam" sẽ nhận bài dự thi đến hết ngày 28/8. Kết quả sẽ được công bố từ 2/9 đến 5/9. Mời bạn gửi ảnh tham gia tại đây. Ảnh: Kim Thanh Tran.

Đừng bỏ lỡ cơ hội đóng góp vào tập ảnh lưu giữ những gì tươi đẹp nhất, thân thương nhất và đáng tự hào nhất về đất nước với cuộc thi "Dấu ấn Việt Nam" do Zing.vn tổ chức. Không chỉ là cuộc thi để chia sẻ hình ảnh, Zing.vn mong muốn mọi người biết thêm nhiều điều mới mẻ về mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên và thuộc về.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 28/7/2017 đến ngày 20/9/2017. Trong đó, thời gian nhận bài dự thi từ ngày 28/7 đến hết ngày 28/8; thời gian công bố kết quả từ 2/9 đến 5/9. Mỗi thí sinh có thể gửi nhiều bài dự thi cho cả 2 thể loại.

Bài dự thi có thể chụp bằng máy ảnh, điện thoại di động hoặc các thiết bị kỹ thuật số khác. Cuộc thi chỉ có duy nhất vòng thi trực tuyến (online). Ảnh dự thi có dung lượng tối thiểu 2 MB, kích thước tối thiểu 1.920 megapixel theo chiều ngang. Dung lượng tối đa là 8 MB, kích thước tùy ý. Lưu ý: Thí sinh nộp lại ảnh gốc trong trường hợp trúng giải

Giải thưởng do Ban giám khảo chấm:

- Ảnh đơn: Giải Nhất (1 giải): 15 triệu đồng (tiền mặt)

Giải Nhì (1 giải): 10 triệu đồng (tiền mặt)

- Bộ ảnh (7 ảnh): Giải Nhất (1 giải): 20 triệu đồng (tiền mặt)

Giải Nhì (1 giải): 10 triệu đồng (tiền mặt)

Giải Độc giả bình chọn

Giải bài dự thi được bình chọn (vote, share. 1 share = 10 vote) nhiều nhất: 10 triệu đồng (tiền mặt)

Người nhận giải tự thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước. Đối tượng dự thi là những người yêu thích nhiếp ảnh chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong và ngoài nước, không phân biệt đối tượng, lứa tuổi.

Đảm nhiệm vai trò giám khảo cho cuộc thi là nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh (Báo Vietnam News), nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Hải Thịnh và ông Nguyễn Hoàng Hà - Trưởng ban Ảnh Zing.vn. Để tham gia cuộc thi “Dấu ấn Việt Nam”, độc giả truy cập tại đây

Ánh Ngọc

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tro-ve-dong-song-tuoi-tho-qua-bo-anh-dau-an-viet-nam-post771391.html