Trợ thủ trên không của nhà nông Nhật Bản

Với các ưu điểm giải phóng sức lao động, giảm chi phí, tăng hiệu quả, các thiết bị bay không người lái nhỏ gọn có thể là lời giải cho bài toán thiếu hụt nhân lực ở các vùng nông thôn Nhật Bản.

Thiết bị bay không người lái của công ty Nileworks được thử nghiệm ở Tome, Nhật Bản. Nguồn: Reuters

Trong nhiều tháng qua, các nhà phát triển và nông dân ở vùng Đông Bắc Nhật Bản đã thử nghiệm một thiết bị không người lái (UAV) mới. Loại này có thể bay lượn phía trên các cánh đồng và thực hiện các công việc nặng nhọc thay nông dân. Ông Isamu Sakakibara, một nông dân trồng lúa 69 tuổi, đồng thời là người đứng đầu hợp tác xã địa phương JA Miyagi Tome, hồ hởi nói: “Đây là công nghệ cao chưa từng thấy”.

Thiếu hụt lao động

Ông Sakakibara sống ở Tome, khu vực thuộc tỉnh Miyagi chuyên trồng lúa thuộc loại lớn và cung cấp cho thủ đô Tokyo từ thế kỷ 17 tới nay. Tuy đóng góp hơn 630 triệu đô la Mỹ cho kinh tế Nhật Bản theo các thống kê chính thức nhưng Tome cũng như nhiều vùng nông nghiệp khác đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt lao động. Nguyên nhân là do người trẻ không ngừng theo nhau kéo về thành thị.

Tạp chí Nippon cho biết: “Từ năm 1985 đến nay, số người làm nông ở Nhật giảm khoảng 60% và độ tuổi trung bình của nông dân tăng không ngừng”. Theo thống kê của tờ Japan Times, 60% nông dân nước Nhật đã quá tuổi 65. Riêng ở Tome, hiện hơn 30% dân số thành phố trên 65 tuổi và nông dân chỉ còn có thể làm việc thêm 3-4 năm nữa. Ông Sakakibara than thở: “Chẳng qua là xem cơ thể con người gục trước hay cái máy kéo hư trước thôi”.

Nhìn trên bình diện quốc gia, ngành nông nghiệp đang gặp phải bài toán nan giải về cân đối khả năng sản xuất với nhu cầu nông sản của thị trường nội địa. Sự phụ thuộc vào nguồn thực phẩm nhập khẩu đang trở thành mối lo, với 60% nông sản phải nhập từ nước ngoài. Trong khi đó, do nông dân bỏ việc ngày càng nhiều, diện tích đất có thể canh tác bị bỏ hoang đã tăng lên gấp đôi trong vòng 20 năm, lên đến 420.000 ha vào năm 2015. Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu thúc đẩy sản lượng trong nước đáp ứng đến 55% nhu cầu nội địa vào năm 2050. Ngoài ra, giá trị nông sản cũng được kỳ vọng sẽ tăng lên 10 ngàn tỉ yên Nhật (2,1 triệu tỉ đồng) vào năm 2020.

Giải pháp công nghệ giá rẻ

Chính vì những lý do trên, các nhà phát triển cho rằng thiết bị bay không người lái (UAV) mang tên Nile-18 (trị giá 4 triệu yên) không khác gì phao cứu sinh cao cấp cho nhà nông Nhật. Nile-T18 do công ty khởi nghiệp Nileworks chế tạo có thể phun thuốc trừ sâu và bón phân một cánh đồng chỉ trong khoảng 15 phút với liều lượng phù hợp. Nếu làm bằng tay, nông dân mất hơn 1 giờ và phải đeo theo những bình chứa nặng nề, chưa kể những tác hại từ hóa chất.

Để tính toán chính xác liều lượng thuốc phun, những chiếc Nile-18 sẽ bay một vòng quanh cánh đồng, cách ngọn cây trồng chừng 30 cm. Cảm biến và phần mềm của thiết bị sẽ giúp xác định chính xác tình trạng sức khỏe và mức phát triển của cây trồng. Từ đó, thông tin được tổng hợp để cho ra số lượng và liều phun chính xác cho từng cánh đồng. Tất cả các thao tác đều được điều khiển chỉ bằng một ứng dụng dành cho điện thoại di động hoặc máy tính bảng.

So với những chiếc trực thăng mini có thiết bị phun xịt và điều khiển bằng sóng vô tuyến có giá vào khoảng 15 triệu yên (hơn 3 tỉ đồng), Nile-T18 nhỏ gọn và rẻ hơn nhiều. Dự kiến giá bán của UAV này khoảng 36.000 đô la Mỹ (850 triệu đồng). “Mục đích lớn nhất của chúng tôi là giảm 75% chi phí trồng lúa so với hiện nay”, ông Hiroshi Yanagishita, chủ tịch công ty Nileworks, nói với các phóng viên.

Ngành kinh doanh triển vọng

Theo hãng tin Reuters, Nileworks đang thương thảo với nhà chức trách để UAV của họ có thể bay mà không cần giấy phép. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, 2019 sẽ là năm “thu hoạch” của Nileworks. Reuters cho biết công ty có kế hoạch bắt đầu bán Nile-T18 từ tháng 5-2019, với mục tiêu bán được 100 chiếc trong năm đầu tiên và tổng cộng 4.000 chiếc sau năm năm.

Duy An

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280554/tro-thu-tren-khong-cua-nha-nong-nhat-ban.html