Trở thành 'sứ giả' môi trường từ những tấm vải vụn

Thay cho việc vứt bỏ vì không còn khả năng sử dụng, Nguyễn Thanh Ngọc Thảo đã biến những tấm vải vụn thành những vật dụng handmade nhỏ xinh và lan tỏa lối sống xanh đó trong lớp học may vá miễn phí của mình.

Chất xúc tác khiến Thảo tự thân mở lớp học may vá miễn phí bắt nguồn từ sau khi cô đã tốt nghiệp trường ĐH Sài Gòn, chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường. “Tháng 2/2020, mình có dịp đến nhà may của dì ruột ở Cần Thơ. Trong lần đó, mình đặc biệt chú ý đến những tấm vải vụn không còn có thể tạo ra những bộ đồ đẹp nữa. Vì thế, mình đã xin dì cho mình mang những tấm vải đó về để mày mò cách may vá chúng thành chiếc cột tóc, túi đựng vải vào những ngày cuối tuần. Dần dần điều này đã trở thành thói quen”, Thảo chia sẻ.

Nói về nguyên nhân trực tiếp, Thảo cho biết qua vài lần cộng tác với một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường, cô nhận thấy mối quan tâm của nhiều người và nhu cầu giao lưu học hỏi ở họ trong việc hiểu biết thêm về lối sống xanh. Nhờ đó, cộng với kỹ năng truyền đạt tốt, Thảo đã tự tin mở lớp học may vá miễn phí từ những tấm vải vụn để “nâng cấp” công dụng của chúng và giúp mọi người tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhớ lại những khó khăn vào thời gian đầu mở lớp học, Thảo tâm sự: “Bạn bè và gia đình mình đã phản đối việc làm của mình rất nhiều. Họ không hiểu tại sao thay vì chọn một công việc ổn định như chuyên viên nghiên cứu môi trường ở một viện nghiên cứu nào đó, mình lại chọn tổ chức lớp học may vá miễn phí từ vải vụn như thế này, vì với họ, điều này thực sự vô ích”. Tuy vậy, bằng sự nỗ lực từng ngày, Thảo đã dần thuyết phục được mọi người tin vào quyết định của mình cũng như khiến cho những nơi đã hỗ trợ Thảo mở lớp học thấy được từng bước đi mà cô vạch ra đều có giá trị.

Chân dung "chủ xị" lớp học may vá miễn phí- Nguyễn Thanh Ngọc Thảo. (Ảnh: NVCC)

Bất kì tấm vải vụn nào trong quá trình nhận nguồn hàng cũng đều được Thảo cẩn thận lọc mẫu. Những tấm vải nhỏ sẽ được Thảo ưu tiên phục vụ cho việc tạo ra những vật dụng như băng đô, ví đựng tiền, những tấm vải có kích thước nhỏ hơn nữa sẽ được Thảo dành ra cho lớp học may vá vào cuối tuần. Với những tấm vải to và còn khả năng sử dụng, Thảo sẽ đem tặng cho các hội nhóm về môi trường dưới nhiều mục đích khác nhau. Theo Thảo, đây là cách giúp cho vải được tận dụng triệt để cũng như lan tỏa giá trị nhân văn của việc tái chế vải vụn. “Mình chủ yếu nhận nguồn vải từ nhà may của dì và một số tiệm vải nhỏ khác. Có nhiều cô chú là chủ tiệm may hỏi vui mình tại sao không thấy mình thường xuyên ghé tới để nhận vải và còn sẵn lòng cho mình thật nhiều nhằm mang tới đủ vật liệu để mọi người có thể học. Điều này khiến mình thực sự rất hạnh phúc vì ban đầu mình khá là e dè mọi người sẽ không đồng ý hỗ trợ”, Thảo bộc bạch.

Những tấm vải vụn dưới bàn tay của Ngọc Thảo sẽ tạo ra những món đồ handmade dễ thương.

Khi được hỏi về quá trình làm ra sản phẩm, Thảo cho biết khi mới bắt tay vào làm, trung bình thời gian cô làm ra một sản phẩm mất hơn một tiếng. Sau này, thời gian đã được rút ngắn do cô đã học được cách sử dụng thuần thục chiếc máy may mini cũ mua lại từ người quen. Khó khăn nhất vẫn là việc tạo ra sản phẩm từ những tấm vải có độ dày cao. Tuy vậy, mọi thành quả làm ra đều khiến Thảo rất ưng ý. Những sản phẩm như scrunchies, túi đựng bình nước, băng đô được Thảo bày bán với “giá hạt dẻ”. Thậm chí, cô còn cho ra đời những video hướng dẫn mọi người cách tạo ra bao lì xì, phong thư, màng bọc thực phẩm từ vải vụn. “Theo mình, điều này không những giúp làm tăng vòng đời của vải vụn mà còn khiến cho mọi người hạn chế việc sử dụng sản phẩm làm từ nhựa, vốn là thứ không lành tính cho môi trường”, Thảo bày tỏ.

Nhiều bạn trẻ tìm đến lớp học may vá miễn phí để học và lan tỏa thông điệp sống xanh.

Đặc biệt, Thảo đã từng đồng hành với một số tổ chức phi lợi nhuận về môi trường phối hợp tổ chức những buổi workshop để trao đổi về cách tái chế đồ cũ cũng như kỹ năng giúp môi trường phát triển bền vững. Không chỉ dừng lại ở địa phương nơi mình đang sống là TP. L HCM, Thảo còn mang những sản phẩm mà mình làm ra đến Triển lãm văn hóa nghệ thuật diễn ra vào tháng 11 năm 2020 tại Hà Nội để giới thiệu đến cộng đồng. Chính giá trị tích cực của việc làm này đã đem tới cho cô cơ hội xuất hiện trên Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH) một tháng sau đó để chia sẻ về hành trình hồi sinh vải vụn của mình.

Thảo còn hỗ trợ nhiều đội nhóm về môi trường trong các dự án, sự kiện.

Trở lại với lớp học may vá miễn phí, Thảo cho biết học viên của mình ngoài những bạn nữ trẻ tuổi có sở thích như cô còn có những em nhỏ được cha mẹ đưa đến. Tất cả đều tập trung vào việc tạo ra sản phảm và tỉ mỉ từng bước trong quá trình tạo ra. Thảo "bật mí": “Việc mình mở lớp học này còn nhằm mục đích giúp mọi người tạm gác lại công nghệ, đặc biệt là những bạn còn nhỏ tuổi để mọi người chú tâm hơn vào việc học tập, học hỏi lẫn nhau. Không chỉ giúp bảo vệ môi trường, lớp học của mình còn tạo ra sự gắn bó thân thiết giữa mọi người”.

Thảo (áo đỏ), lên sóng đài VOH để chia sẻ về dự án của mình.

Về kế hoạch trong tương lai, Thảo dự định vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ những dự án về việc tái chế vải vụn, cộng tác với các bên để đưa ra hướng tiếp cận độc đáo đến cộng đồng việc tái sử dụng quần áo cũ thành vật liệu mới, đồng thời đi sâu hơn vào mảng giáo dục truyền thông môi trường ở các trường học. “Mình chỉ là một người sống xanh nhỏ bé trong chuỗi hành trình bảo vệ môi trường như bao người nên mình vẫn sẽ duy trì lớp học và những điều tích cực mà mình đã làm lâu nhất có thể”, Thảo khiêm tốn chia sẻ.

Hiếu Kha

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tro-thanh-su-gia-moi-truong-tu-nhung-tam-vai-vun-post1325478.tpo