Trở thành nhà nghiên cứu từ tình yêu làng biển

Đến tham quan xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, tìm hiểu về các di tích lịch sử trên đảo..., nhiều người biết đến ông Phạm Quốc Duyệt, một người nghiên cứu lịch sử, văn hóa lâu năm ở đây. Với niềm đam mê, tình yêu dành cho làng biển quê hương, ông Phạm Quốc Duyệt đã tìm hiểu, sưu tầm tài liệu, nghiên cứu để cho ra đời cuốn sách 'Dặm dài Quan Lạn'. Cuốn khảo cứu đã cho thấy tình cảm và trách nhiệm của tác giả Phạm Quốc Duyệt với biển, đảo và con người quê hương Quan Lạn thân thương.

Tác giả Phạm Quốc Duyệt (bên phải) giới thiệu khẩu súng thần công mới phát lộ dưới chân thành đồn cổ. Ảnh: Thanh Thuận

Tác giả Phạm Quốc Duyệt (bên phải) giới thiệu khẩu súng thần công mới phát lộ dưới chân thành đồn cổ. Ảnh: Thanh Thuận

Nhà nghiên cứu biển, đảo nghiệp dư

Một ngày Hè chói chang nắng trên xã đảo Quan Lạn, sau khi ghé thăm ngôi đình cổ thờ vua Lý Anh Tông - người có công lập ra làng cổ Cái Làng và thương cảng Vân Đồn - thương cảng đầu tiên của nhà nước Đại Việt, tôi được nghe giới thiệu về ông Phạm Quốc Duyệt. Tôi đến tìm gặp ông tại nhà, trò chuyện với ông và thấy được vốn sống, sự trải nghiệm cũng như tình yêu ông dành cho xã đảo này.

Ông Phạm Quốc Duyệt là một người nghiên cứu không chuyên của xã Quan Lạn. Năm nay ông đã hơn 70 tuổi, nhưng dáng đi còn khá nhanh nhẹn, hoạt bát. Sinh ra và lớn lên tại đảo, nên ngay từ lúc còn nhỏ, ông đã được nghe kể về lịch sử và những phong tục, tập quán của làng đảo từ những người già trong làng. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những buổi giảng của thầy, cô về lịch sử, văn hóa quê hương đã khiến Phạm Quốc Duyệt thích thú, thấy được nhiều vấn đề hay trong lịch sử. Năm 22 tuổi, qua sự tiếp xúc với các đoàn khảo cổ đến Quan Lạn nghiên cứu, ông đi theo và khám phá ra nhiều điều mới mẻ. Chính từ đó, khao khát nghiên cứu văn hóa xã đảo càng lớn dần trong ông. Ông quyết tâm đi sâu nghiên cứu lịch sử khi đang làm Bí thư Đoàn thanh niên của xã.

Ông Phạm Quốc Duyệt cho biết, thời gian đầu bắt tay vào nghiên cứu, ông không có một chút khái niệm nào về khảo cổ học mà chỉ có bầu nhiệt huyết của một người trẻ dám nghĩ, dám làm. Ông tìm đến những người cao tuổi trong làng tìm hiểu, ghi chép sử liệu về làng, về thương cảng Vân Đồn cổ xưa có niên đại trên 800 năm. Sau đó, làng Quan Lạn rơi vào tình cảnh thiếu lương thực, người dân trong làng đã vượt qua bãi sú vẹt, tiến sang đất Cái Làng (diện tích đất bỏ hoang sau khi người dân bỏ nơi đây đi sang Quan Lạn lập làng mới) phát cây cỏ um tùm để trồng lúa.

Trong quá trình làm đất, bà con phát hiện ra những nền móng của đình, chùa cùng nhiều mảnh gốm, sành của bát đĩa, ấm chén nằm sâu dưới những lớp đất đá. Ông Phạm Quốc Duyệt đến xin những mảnh gốm cổ về nghiên cứu, tuy nhiên, do không có kiến thức về khảo cổ học nên ông không biết được niên đại của các hiện vật đó.

“Khó nhất vẫn là phân biệt các hiện vật mà mình xin, sưu tập được nó có từ thời nào, chỉ biết được theo cảm quan mà xếp các hiện vật vào một nhóm với nhau. Tôi cũng không có chút tài liệu nào liên quan đến Cái Làng mà chỉ biết qua những câu chuyện được các cụ kể lại” - Ông Phạm Quốc Duyệt nhớ lại.

Biết được thông tin về sự phát hiện nền đình, chùa và các đồ gốm cổ tại Cái Làng, các đoàn khảo cổ, nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa đã đến đây tìm kiếm, nghiên cứu. Phạm Quốc Duyệt đã dẫn đường cho các đoàn khảo cổ, qua đó, ông học hỏi được nhiều điều. Ông tâm sự: “Người có ảnh hưởng đến con đường nghiên cứu của tôi là cố Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Ninh - người đã có công rất lớn trong nghiên cứu Vân Đồn trên bình diện khảo cổ học và lịch sử. Tiến sĩ Đỗ Văn Ninh đã cho xuất bản cuốn “Thương cảng Vân Đồn”. Nhờ có ông mà tôi đã được giảng dạy và chỉ dẫn những kiến thức về khảo cổ cùng những dấu hiệu để biết được các tầng văn hóa từ các hố khai quật cũng như xác định niên đại của các hiện vật”.

Cuốn sách “Dặm dài Quan Lạn” trở thành tư liệu quý về xã đảo Quan Lạn. Ảnh: Thanh Thuận

Người viết lịch sử làng biển

Cầm cuốn sách “Dặm dài Quan Lạn” trên tay, nhiều người không khỏi thích thú bởi hai chữ “dặm dài”. Cách dùng ngôn ngữ của tác giả vừa mang tính văn học, lại gợi ra những trường liên tưởng. Đó là sự kết nối lịch đại lẫn đồng đại về cái nhìn địa văn hóa, địa chính trị, địa kinh tế của xã đảo Quan Lạn - nơi có thương cảng Vân Đồn nổi danh trong lịch sử.

Trải qua thời gian, có thể thấy, những khảo cứu chuyên sâu về Vân Đồn là không nhiều, nếu như không muốn nói là hiếm hoi. Đặc biệt, những nghiên cứu chuyên sâu về Quan Lạn thì càng ít. Có lẽ vì thế, cuốn “Dặm dài Quan Lạn” thực sự đáng quý.

Đọc kỹ cuốn sách sẽ thấy trong đó có những tư liệu mới chưa được công bố ở bất kỳ tài liệu nào, nhất là các thông tin mà tác giả kỳ công sưu tập, phỏng vấn các cụ cao niên đã sống và gắn bó với vùng đất này. Bên cạnh đó, cuốn sách còn chỉ ra những bất cập, những xuống cấp của các giá trị di sản ở vùng đất này, từ đó có các kiến nghị để gìn giữ và bảo tồn văn hóa Quan Lạn.

Có thể nói, với “Dặm dài Quan Lạn”, tác giả Phạm Quốc Duyệt đã góp thêm những tư liệu quý về vùng đất có chiều dài về lịch sử và văn hóa, để không chỉ các thế hệ người dân xã đảo Quan Lạn mà bất kỳ ai yêu mến vùng đất này đều có thể tìm kiếm các thông tin quý báu trong đó.

Từ quá trình nghiên cứu lịch sử, ghi chép, khảo cứu, tìm kiếm những tàn tích của ngôi làng xưa, bằng cái tâm, sự cần cù, chắt chiu các sử liệu liên quan đến Quan Lạn, Vân Đồn, cùng với trải nghiệm và vốn sống của mình trên xã đảo này, ông Phạm Quốc Duyệt đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Dặm dài Quan Lạn”. Cuốn sách giới thiệu đến độc giả về lịch sử làng đảo bốn mùa sóng gió cùng với những tập tục lâu đời và nét đẹp văn hóa nơi đây. Đồng thời, cũng nhằm để thế hệ sau có quyền tự hào và có trách nhiệm tôn tạo, giữ gìn, bảo vệ.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tro-thanh-nha-nghien-cuu-tu-tinh-yeu-lang-bien-post429595.html