Trở thành 'chính khách' tại Diễn đàn Thanh niên ASEAN

Tại Diễn đàn Thanh Niên ASEAN 2018 (ASF'2018) ở Malaysia, những người trẻ đã vào vai 'chính khách', góp tiếng nói trước những vấn đề kinh tế - xã hội tâm điểm của thời đại.

Tác giả (thứ 2 từ trái qua) và các đại biểu Campuchia - Ảnh: CTV

Với chủ đề Công dân toàn cầu, ASF năm nay chào đón 170 đại biểu từ các nước ASEAN+3, tập trung thảo luận 5 chủ đề gồm: Thanh niên và đô thị nghèo nàn, Thanh niên và an ninh năng lượng, Thanh niên và công nghệ xanh, Thanh niên và trách nhiệm công dân, Thanh niên và sự bền vững của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là năm đầu tiên diễn đàn triển khai theo mô hình mở rộng, với sự tham gia của đại biểu Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Đoàn Việt Nam có 28 đại biểu tuổi 18-26 từ nhiều trường đại học và cơ quan đơn vị ở Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng.

Xuyên suốt chương trình, các đại biểu được trải nghiệm chuỗi hoạt động từ trao đổi, tranh luận chuyên đề, gặp gỡ chính khách (Town Hall Meeting) và xây dựng ý tưởng trong từng chủ đề, dưới sự điều hành của những chuyên gia nhiều kinh nghiệm.

Bài học từ chiếc ống hút

Trong buổi trao đổi với chủ đề Thanh niên và công nghệ xanh, Phó Chủ tịch Tổ chức Lãnh đạo xanh và áng kiến công nghệ xanh Malaysia Wan Faizal Mohd Anwar đã vào đề bằng thử thách dùng 15 giây để thuyết phục người đứng trước mình không lấy ống hút khi mua nước.

Một phiên thảo luận của các đại biểu trẻ - Ảnh: ASF

Các bạn trẻ đã có những cách giải quyết vấn đề rất khác nhau. Đại biểu Nhật Bản Shun Igarashi đề nghị trả tiền nước cho người đó, đổi lại họ từ chối nhận ống hút. Trong khi đó, nhóm đại biểu Việt Nam chọn cho người mua xem ảnh một chú rùa bị ống hút nhựa cắm ngập trong mũi để khơi gợi sự thương cảm.

Với những hướng tiếp cận khác nhau và đầy sáng tạo, bài toán ống hút cho thấy mỗi người đều có thể góp sức mình để thay đổi tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa, ô nhiễm nguồn nước bằng hành động nhỏ. “Nhiều hành động nhỏ sẽ tạo ra một làn sóng lớn”.

Vào vai chính trị gia, người trẻ nói gì?

Phiên tranh luận chuyên đề và Town Hall Meeting là những điểm nhấn của ASF. Nếu như ở phiên tranh luận chuyên đề, đại biểu chia làm hai đội Chính phủ (đồng ý) và Đối lập (không đồng ý) để phản biện lẫn nhau về một ý kiến, thì với Town Hall Meeting, các bạn trẻ lại đóng vai chính khách các nước để thảo luận, bỏ phiếu đối với các nghị quyết.

Các đại biểu tại diễn đàn - Ảnh: ASF

Tôi và một đại biểu khác đại diện đoàn Việt Nam đưa ra quyết định về việc “Có nên áp dụng thuế carbon cho các công ty/doanh nghiệp?”. Chúng tôi đồng ý với phương án này bởi hiện Việt Nam là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, dẫn đến những hệ quả tiêu cực như gia tăng thiên tai, đói nghèo, giảm tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, công nghiệp,... Thêm vào đó, một số doanh nghiệp vẫn chưa có trách nhiệm với môi trường, các công nghệ xử lí khí thải cũng còn nhiều hạn chế. Đại diện của Hàn Quốc và Indonesia chọn không đồng ý vì lo ngại thuế carbon sẽ làm giảm động lực đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài và hạn chế doanh nghiệp trong nước tự do phát triển.

Một số vấn đề kinh tế - xã hội khác cũng được bàn đến như “Quốc gia có nên coi năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng chính?”, “Nhận thức chính trị là cần thiết ở giai đoạn giáo dục”, “Chính phủ của các nước đang phát triển có nên khuyến khích du lịch khu ổ chuột ở khu vực thành thị?”… Để tham gia hai hoạt động này, các bạn trẻ cần sử dụng kiến thức ở nhiều lĩnh vực và phát huy tư duy lập luận sắc bén.

Tác giả (nữ) cùng nhóm đại biểu thuyết trình tại diễn đàn - Ảnh: AFS

Toàn cầu hóa và trách nhiệm công dân

Diễn đàn Thanh niên ASEAN năm nay còn đón tiếp 2 vị khách mời là Giáo sư Suzana Yusup, Trưởng Trung tâm nghiên cứu Sinh hóa và Nhiên liệu sinh học, Viện Xây dựng bền vững Malaysia và ngài Hiroyuki Orikasa, Phó Đại sứ, Tham tán Công sứ, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tại Malaysia. Trong bài phát biểu của mình, ông Hiroyuki Orikasa chỉ ra những nguyên nhân, tác động của hiện tượng toàn cầu hóa và bàn về trách nhiệm công dân, đặc biệt là của người trẻ trước xu thế ấy. Theo ông, mỗi cá nhân cần hiểu, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau dựa trên những giá trị chung được thừa nhận, không phân biệt quốc tịch, màu da, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa.

Đại biểu Nguyễn Thị Hải Yến kể lại trải nghiệm ở đề tài Thanh niên và sự bền vững của doanh nghiệp nhỏ và vừa: “Mình đã tham gia phiên tranh luận chuyên đề với tư cách Thủ tướng Chính phủ để ủng hộ quan điểm các nước ASEAN nên hỗ trợ sự hợp tác và ngành công nghiệp địa phương ở các nước láng giềng, làm đại diện của Việt Nam để xem xét những vấn đề doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp phải và được bầu làm một trong hai trưởng nhóm của đề tài. Với các hoạt động đó, mình luôn ép bản thân phải suy nghĩ liên tục, áp dụng kiến thức có sẵn để giải quyết những câu hỏi được đặt ra. Lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia hay trò chuyện cùng bạn bè quốc tế cũng giúp mình hiểu thêm nhiều điều”.

Đại biểu Nguyễn Việt Anh cũng bày tỏ quan điểm về đề tài Thanh niên và đô thị nghèo nàn: “Mình đã học được rất nhiều về sự nghèo của đô thị. Mình hiểu rằng vẫn còn một bộ phận lớn người dân phải sống trong cảnh nghèo khó và không có cơ hội phát triển, họ thậm chí còn không đủ khả năng chi trả sinh hoạt phí hằng ngày. Bên cạnh đó, họ cũng phải nhận ánh nhìn thiếu thiện cảm từ cộng đồng và bị lợi dụng để kiếm tiền cho một số công ty du lịch, lữ hành nữa. Tuy nhiên, mình tin vấn đề này sẽ được giải quyết nếu có sự chung tay của Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và của mỗi cá nhân chúng ta.”

Xây dựng ý tưởng là nội dung quan trọng tiếp theo của diễn đàn. Sau khi kết thúc Town Hall Meeting, các thành viên của từng đề tài đã họp lại để chọn ra một vấn đề kinh tế - xã hội và tìm giải pháp cho vấn đề đó. Nhiều ý tưởng thú vị và có chiều sâu đã được đưa ra khi các công dân toàn cầu cùng hợp lực.

Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng

Không chỉ đem đến cho người trẻ cơ hội nói lên quan điểm về các vấn đề toàn cầu, ASF còn thúc đẩy sự trao đổi văn hóa giữa các quốc gia. Xuyên suốt chương trình, nhiều hoạt động tương tác đồng đội đã được tổ chức nhằm khuyến khích các đại biểu làm quen, học hỏi lẫn nhau và cùng hướng tới sứ mệnh “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng” của ASEAN.

Đại biểu Nguyễn Việt Anh, đoàn Việt Nam - Ảnh: NVCC

Tại đây tôi đã có thêm nhiều người bạn quốc tế như Sreynich – đại biểu Campuchia, hiện đang học ngành quản lý công tại Đại học Hoàng gia Phnom Penh, Beth – cô gái đến từ Hàng Châu, Trung Quốc với đam mê nghiên cứu và chế tạo rượu hay Zafira – cô bé 16 tuổi người Indonesia sở hữu khả năng chơi đàn violin tuyệt vời.

Đại biểu Việt Anh bộc bạch về những điều anh nhận được từ ASF: “ASF đã mang lại cho mình nhiều mối quan hệ tốt. Mình gặp được cô bạn Hải Yến, một người vừa biết múa hát, có kiến thức rộng lại rất tự tin vào bản thân nữa. Mình rất tâm đắc một câu mà Đại sứ của Việt Nam – Nguyễn Huy Hùng đã chia sẻ rằng bạn có bao nhiêu certificate (giấy chứng nhận) không quan trọng bằng việc bạn đã học được những gì. Và mình cũng không thể quên nhắc đến những người bạn quốc tế đến từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines,... Họ đều là những người rất giỏi, có tinh thần cầu tiến và năng lực lãnh đạo. Mình đã học được rất nhiều từ những người bạn ấy”.

Đêm giao lưu văn hóa đặc sắc - Ảnh: ASF

170 bạn trẻ xuất sắc đại diện cho các nước ASEAN + 3 hội tụ - Ảnh: ASF

Vào Đêm hội Văn hóa, đoàn đại biểu của mỗi quốc gia đã trình diễn những tiết mục văn nghệ rất công phu và độc đáo để thể hiện bản sắc dân tộc mình.

ASF là diễn đàn quốc tế dành cho sinh viên và những người trẻ trí thức trong ASEAN và khu vực Đông Á. Sự kiện được tổ chức hằng năm bởi Hiệp hội Sinh viên ASEAN thuộc Đại học Công nghệ PETRONAS, hướng đến tăng cường sự đoàn kết, thống nhất của ASEAN qua việc tạo ra một môi trường tranh luận cởi mở. ASF 2018 diễn ra từ ngày 23-28.9 tại Ipoh, Malaysia.

Mẫn Linh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/tro-thanh-chinh-khach-tai-dien-dan-thanh-nien-asean-1013508.html