Trổ tài làm món mướp đắng nhồi bí đỏ 'ngon mắt', lạ miệng từ người già đến trẻ nhỏ đều thích mê

Vị đắng đắng của mướp đắng, vị ngọt ngọt của bí đỏ sẽ đem lại một món ăn với hương vị mới mẻ. Cùng bắt tay vào làm món ăn này ngay nhé.

Mướp đắng là loại quả thanh mát giải nhiệt thế nhưng vị đắng của nó lại khiến nhiều người không thích. Bạn có thể chế biến theo kiểu này đảm bảo người sợ đắng mấy cũng ăn được.

Chuẩn bị:

- 100 gam bí đỏ, 1 quả mướp đắng, 3 thìa cà phê đường, mật ong lượng thích hợp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cách làm:

- Bí đỏ gọt vỏ và cắt thành từng lát mỏng, hấp cách thủy.

- Xay nhuyễn bí đỏ đã hấp chín, thêm lượng đường thích hợp, khuấy đều.

- Mướp đắng rửa sạch, cắt đôi theo chiều ngang, dùng thìa múc bỏ hết lõi bên trong.

- Đun sôi một nồi nước, thêm thìa dầu ăn sau đó cho mướp đắng vào luộc trong 2 phút, (chần mướp đắng có thể loại bỏ bớt một phần vị đắng, cũng có thể làm cho màu của mướp đắng đẹp hơn nhờ thêm dầu ăn).

- Vớt mướp đắng ra, ngâm ngay vào bát nước lạnh để giữ màu cho mướp đắng.

- Dùng thìa múc bí đỏ nhồi vào trong lõi mướp đắng.

Sau đó cắt thành các khoanh có độ dày khoảng 8mm. Rưới thêm 1 ít mật ong lên rồi thưởng thức.

Đảm bảo món này người già, trẻ nhỏ đều thích. Chúc các bạn thành công!

Những người đại kỵ với mướp đắng, tuyệt đối không nên ăn

Người bị bệnh gan, thận

Người bị bệnh về gan và thận cần tránh ăn mướp đắng vì chúng rất khó tiêu hóa, có thể gây đầy hơi. Những người bị thiếu men G6PD (loại men có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa của tế bào hồng cầu) nên tránh xa loại rau có vị đắng này.

Mướp đắng có thể độc hại cho tế bào gan ở thú vật, enzym gan tăng cao sau khi dùng mướp đắng. Các chất trong mướp đắng có khả năng thay đổi hình dáng tế bào gan.

Hạt mướp đắng chứa một chất tên vicine, là một độc tố có khả năng gây ngộ độc tầm đậu (favism), một hội chứng cấp tính gồm nhức đầu, đau thắt bụng và hôn mê.

Người mắc bệnh tiêu hóa

Việc ăn mướp đắng hàng ngày rất tốt cho sức khỏe nhưng nếu ăn quá nhiều có thể dẫn đến tiêu chảy và các vấn đề dạ dày.

Khi dùng mướp đắng (ở mọi dạng chế biến), không được dùng huyền sâm hoặc các chế phẩm có huyền sâm. Mướp đắng tính mát, không nên dùng cho người tỳ vị hư hàn (rối loạn chức năng tiêu hóa do lạnh).

Phụ nữ mang thai và đang cho con bú không nên ăn mướp đắng

Mướp đắng có thể gây co thắt tử cung, xuất huyết và làm hư thai. Ngoài ra mướp đắng còn gây kích thích tử cung và có thể dẫn đến sinh non.

Phụ nữ đang cho con bú cũng không nên ăn mướp đắng vì một số thành phần không tốt có thể được truyền qua sữa mẹ.

Độc tính ở người lớn thấp, nhưng có vấn đề với trẻ em.

Mặc dù chưa nghe quả mướp đắng nguy hiểm cho bào thai tại Việt Nam, nhưng những nghiên cứu trước đây đã cho thấy, hạt mướp đắng có thể làm hư thai và quả mướp đắng có khả năng gây đột biến gene.

Do đó không nên dùng mướp đắng cho phụ nữ có thai.

Theo Khỏe & Đẹp

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/tro-tai-lam-mon-muop-dang-nhoi-bi-do-ngon-mat-la-mieng-tu-nguoi-gia-den-tre-nho-deu-thich-me/20210314032417728