Trò nợ tiền gửi xe, trường bắt viết 'Giấy báo nợ'

Trường THCS Hưng Tây (Nghệ An) đã yêu cầu gần 30 em học sinh lên viết 'Giấy báo nợ' vì các khoản phí chưa đóng.

“Giấy báo nợ” nhà trường yêu cầu học sinh viết vì chưa đóng tiền gửi xe. Ảnh: Vietnamnet

“Giấy báo nợ” nhà trường yêu cầu học sinh viết vì chưa đóng tiền gửi xe. Ảnh: Vietnamnet

Một câu chuyện đang gây bức xúc trên mạng xã hội liên quan đến việc trường THCS Hưng Tây có “sáng kiến” mời học trò lên viết “giấy báo nợ” gửi về gia đình vì một số khoản phí chưa đóng. Theo ông Nguyễn Văn Quế- Hiệu trưởng nhà trường thì hiện có hơn 50 học sinh nợ các khoản học phí, tiền gửi xe đạp, xe đạp điện qua các năm. Đây là những khoản thu bắt buộc theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Nghệ An.

Dù đã gửi thông báo nhiều lần tới các phụ huynh nhưng nhà trường vẫn không thu được. Đến cuối năm học này, vẫn còn gần 30 học sinh chưa đóng các khoản tiền học phí, tiền dịch vụ trông giữ xe tại trường nên nhà trường đã gọi các em lên để viết giấy nợ. Khi các vị phụ huynh đóng khoản tiền này thì gia đình sẽ được đem “giấy báo nợ” về.

Một phụ huynh có con bị viết giấy báo nợ vì khoảng tiền 162.000 đồng tiền gửi xe đạp điện bức xúc cho biết: "Chuyện nợ nần là giữa nhà trường với phụ huynh chưa thống nhất được, sao lại bắt các cháu viết giấy báo nợ như ở ngoài xã hội”. Cũng theo phụ huynh này, lý do chưa đóng tiền không phải vì không có tiền mà vì thấy đây là khoản đóng góp vô lý.

Chưa biết giữa phụ huynh và nhà trường, ai đúng ai sai trong câu chuyện này, nhưng rõ ràng việc nhà trường mời học sinh lên viết một loại giấy tờ có tên gọi “giấy báo nợ” là một câu chuyện chưa có tiền lệ, hơi thiếu nhân văn. Nhà trường có thể dùng nhiều biện pháp, chẳng hạn tự in ra một tờ thông báo “đề nghị phụ huynh nộp khoản phí còn thiếu” và gửi cho cha mẹ học sinh. Tại sao lại chọn giải pháp bắt học sinh viết “giấy báo nợ”?

Có người bình luận hài hước rằng đây chắc là nhà trường lo xa, tập cho các em học sinh quen với việc vay nợ kiểu “tín dụng đen” trước cho quen đi, sau này ra trường khỏi bị… bỡ ngỡ. Bởi cầm tờ giấy “báo nợ” do chính tay các học sinh viết như một thứ “tín vật” để cha mẹ mang tiền lên đóng và lấy giấy về, nhà trường có khác gì chủ nợ cho vay nóng ngoài xã hội?

Mặc dù hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là sự “cực chẳng đã” vì trường đòi mãi mà gia đình không nộp nên buộc phải viết mời học sinh lên viết giấy báo nợ, nhưng nhiều người vẫn bức xúc và cho rằng, đây là một cách làm phản cảm, thiếu nhân văn, không được phép xuất hiện trong môi trường giáo dục.

Dù trong thời buổi “xã hội hóa” giáo dục như hiện nay đã ít nhiều làm phai nhạt tính chất trang trọng của nơi “tiên học lễ, hậu học văn” hay là nơi truyền dạy cho các em những tri thức, nền tảng đạo đức làm người thì nhà trường vẫn nên gắng là một nơi gìn giữ những chuẩn mực thiêng liêng bất khả xâm phạm. Ở đó thầy phải ra thầy, trò phải ra trò, chứ không thể là nơi người thầy đối xử với học trò bằng mối quan hệ “bán –mua” nghiệt ngã tới mức phải bắt trò viết “giấy ghi nợ” vì khoản tiền gửi xe chưa đóng.

Những người làm công tác giáo dục nhưng không ý thức được vai trò và sứ mệnh thiêng liêng của mình, lại hành xử nông cạn và hổ lốn như những người làm nghề cho vay nặng lãi ngoài xã hội, đây chính là một cách nhanh nhất để phá hủy môi trường giáo dục trong lành, thuần khiết.

Thật đáng buồn và đáng xấu hổ thay cho người lớn.

Mi An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/tro-no-tien-gui-xe-truong-bat-viet-giay-bao-no-3411163/