Trợ lý 'ảo' tư vấn pháp luật cho đoàn viên, công nhân lao động

Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 31 (khóa XI) diễn ra sáng 23.8, đồng chí Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã trình bày Tờ trình về xây dựng kế hoạch tư vấn pháp luật online cho đoàn viên, CNLĐ.

Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN - phát biểu tại Hội nghị.

Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN - phát biểu tại Hội nghị.

Theo dự thảo, mục đích của Kế hoạch này nhằm giải đáp yêu cầu tư vấn pháp luật lao động của đoàn viên, người lao động (NLĐ) một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác; giúp đoàn viên, NLĐ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, nâng cao hiểu biết về pháp luật lao động; hướng dẫn, tư vấn đoàn viên, NLĐ ứng xử đúng pháp luật trong từng hoàn cảnh cụ thể để thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần giảm thiểu tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể và đình công;

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động cho đoàn viên, NLĐ, tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật lao động đối với NLĐ và người sử dụng lao động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định xã hội.

Đối với các hình thức tư vấn pháp luật online, đáng chú ý là hình thức tư vấn pháp luật tự động qua chatbot (trợ lý ảo). Cụ thể, sẽ xây dựng phần mềm chatbot sử dụng trên tất cả hệ thống Cổng thông tin điện tử của CĐ. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng xây dựng hình thức tư vấn pháp luật bằng Hệ thống trả lời tự động: Tích hợp tại các kiosk hoặc màn hình hỏi đáp tại các địa điểm đông CNLĐ, có nhu cầu tư vấn pháp luật cao...

Đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu tại hội nghị.

Đóng góp về nội dung này, các ý kiến đều cho rằng, tư vấn pháp luật online là rất cần thiết, qua đó nâng cao vị thế CĐ.

Đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN nhấn mạnh, mục tiêu ban đầu của kế hoạch là tuyên truyền pháp luật và tiến tới là tư vấn pháp luật. Đồng chí đề nghị cần phải xác định rõ mục đích, mục tiêu... để có lộ trình, mô hình thực hiện phù hợp.

Đồng chí Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, wifi, smartphone phổ biến, trong khi đoàn viên, NLĐ có ít thời gian đến các Trung tâm tư vấn, thì hình thức tư vấn pháp luật online giúp họ dù ở nhà cũng có thể được giải đáp.

Tuy nhiên, đồng chí Mai Đức Chính cũng như nhiều đồng chí khác băn khoăn về vấn đề nhân lực. Bởi lẽ, việc tư vấn pháp luật cho CN đòi hỏi phải có kiến thức về luật và thực tiễn. Đồng chí nhấn mạnh, để thực thi kế hoạch, phải xây dựng được đội ngũ các chuyên gia, luật sư để tư vấn hiệu quả cho đoàn viên, NLĐ.

Đồng chí Vũ Minh Đức, Chủ tịch CĐ Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, nên phân tầng về nhân lực thực hiện, bởi lẽ đoàn viên, NLĐ từng ngành thì có những vấn đề liên quan đến lĩnh vực của ngành đó. Đồng chí Trần Quang Huy, Chủ tịch CĐ Công thương Việt Nam góp ý, đối với vấn đề nhân lực, cần phải phân loại, phân công nhiệm vụ theo từng cấp xử lý và huy động cả hệ thống, theo đó, Tổng LĐ chỉ giải quyết những vấn đề vĩ mô và cấp bách.

Đồng chí Trần Danh Chức, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh đề xuất hình thành trung tâm tư vấn pháp luật CĐ Việt Nam, trong đó, bên cạnh cách thức tư vấn pháp luật qua trợ lý ảo; thì còn tiến hành những chương trình tư vấn pháp luật các nội dung chuyên đề; thiết lập đường dây nóng trả lời qua điện thoại…

Nhóm phóng viên

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/tro-ly-ao-tu-van-phap-luat-cho-doan-vien-cong-nhan-lao-dong-626844.ldo