'Trợ lý ảo' trong hỗ trợ điều trị ung thư

'Trợ lý ảo' là cách mà nhiều người gọi cho Hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ bác sĩ trong điều trị ung thư có tên gọi là IBM Watson for oncology (IBM WFO) đang được ứng dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ …

Chúng tôi gặp chị Đàm Thị Hạnh (quê ở thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) trên hành lang Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Chị Hạnh là bệnh nhân ung thư phổi di căn đang điều trị tại Trung tâm Ung bướu bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

“Cách đây hơn 2 tháng tôi không đi được vì khối u đã lan ra hai phổi, di căn vào xương chậu và xương cột sống, khó thở, phải ngồi xe lăn. Trong lúc tuyệt vọng tôi biết đến Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ ứng dựng trí tuệ nhân tạo trong lựa chọn phác đồ điều trị ung thư, tôi đã đến để thử vận may. Sau 2 tháng điều trị, tôi đã đi lại được, không cần người nhà phải chăm sóc như trước”.

Chị Hạnh phát hiện ung thư phổi từ năm 2015, đã điều trị nhiều lần tại một viện lớn ở Hà Nội. Tháng 1-2018 chị xuất hiện tình trạng xấu và thường xuyên phải tiêm thuốc giảm đau. Giờ đây, niềm vui và hy vọng vào sự sống được kéo dài khiến chị Hạnh nở nụ cười tươi khi tiếp nhận phỏng vấn của báo chí: “Giờ tôi có đủ sức hát karaoke cả tiếng không thấy mệt nữa rồi”.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tư vấn cho bệnh nhân về ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ điều trị ung thư.

Bác sĩ Trần Xuân Vĩnh - Phó trưởng đơn vị Phẫu thuật Ung bướu - Hóa trị liệu (Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ) kể với chúng tôi, gia đình đưa chị Hạnh đến bệnh viện trong tình trạng tiên lượng xấu. Ngày 8/3, các bác sĩ Trung tâm Ung bướu nhập liệu kết quả chẩn đoán vào “hệ thống trí tuệ nhân tạo”.

Khi các bác sỹ hội chẩn với sự tham khảo từ IBM WFO, phác đồ điều trị do hệ thống Trí tuệ nhân tạo đưa ra có sự thống nhất cao với hội đồng chuyên môn. Chị được quyết định điều trị với một thuốc điều trị trúng đích sinh học thế hệ 3 mới nhất, cùng chỉ định xạ trị giảm triệu chứng vào vị trí di căn xương.

Và thật kỳ diệu, sau 2 tháng điều trị, chị Hạnh hoàn toàn có thể đi lại bình thường, không phải sử dụng thuốc giảm đau, phim chụp phổi của chị đạt được sự đáp ứng rất tốt, các khối u đã nhỏ lại.

Vậy ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư như thế nào? Theo Bác sĩ Trần Xuân Vĩnh thì ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư IBM Watson for oncology (IBM WFO) là một hệ thống điện toán biết nhận thức hỗ trợ điều trị ung thư được phát triển bởi Tập đoàn IBM và được đào tạo, chịu trách nhiệm chuyên môn bởi Trung tâm Ung bướu MSKCC Hoa Kỳ - đơn vị có hơn 130 năm kinh nghiệm nghiên cứu và điều trị ung thư của Mỹ.

Với nền tảng là cung cấp nhiều chứng cứ y khoa, thử nghiệm lâm sàng rút ra từ hàng triệu bệnh án, hơn 300 tạp chí y khoa, hơn 200 sách y khoa và hơn 15 triệu trang tài liệu y văn nhằm cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về các phác đồ điều trị khác nhau.

Vì thế, ứng dụng giúp bác sĩ cập nhật nhanh chóng các phác đồ điều trị ung thư, thuốc mới trên thế giới, tiết kiệm thời gian tra cứu tài liệu và dành thêm nhiều thời gian cho người bệnh.

Sau 2 tháng điều trị, sức khỏe chị Hạnh (ảnh trái) đã dần phục hồi.

Hiện nay, công nghệ IBM WFO đã được ứng dụng trên 80 bệnh viện và các cơ sở y tế tại 13 quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là đơn vị y tế đầu tiên ứng dụng hệ thống này.

Theo BS Vĩnh thì trong quá trình sử dụng, các bác sĩ của Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện đa khoa Phú Thọ nhận thấy hệ thống giúp ích rất nhiều cho công việc của bác sĩ. Hệ thống đưa ra các khuyến nghị điều trị rất phù hợp với từng trường hợp bệnh.

Quan trọng hơn cả là đưa ra các bằng chứng là các nghiên cứu rất có giá trị, giúp các bác sĩ lựa chọn được phác đồ điều trị phù hợp nhất cho người bệnh, còn người bệnh củng cố niềm tin vào phác đồ điều trị của mình. Ngoài ra, qua sử dụng các bác sĩ cũng cập nhật được kiến thức mới nhất cho mình thông qua các bằng chứng y khoa.

Tuy nhiên, ông Ngô Hữu Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ khẳng định: IBM WFO không thay thế được bác sĩ mà đó là ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ các bác sĩ, hội đồng chuyên môn trong lựa chọn quyết định phác đồ điều trị tối ưu nhất cho người bệnh.

Theo ông Hà thì sau 3 tháng ứng dụng, Trung tâm Ung bướu đã điều trị cho 19 bệnh nhân với kết quả khả quan. Không chỉ có bệnh nhân ở Phú Thọ và các tỉnh lân cận lựa chọn phương pháp này mà còn có bệnh nhân ở Đà Nẵng, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai ra điều trị.

Ứng dụng IBM WFO đã được ứng dụng hỗ trợ điều trị cho 11 loại bệnh ung thư và trong năm 2018 sẽ tăng lên 19 loại bệnh ung thư, trong đó có nhiều ung thư phổ biến như ung thư vú, phổi, đại tràng, trực tràng, dạ dày, buồng trứng, tử cung, tiền luyệt tuyến, giáp, tụy.

Người bệnh lựa chọn phương pháp ứng dụng này vào điều trị ung thư sẽ phải trả chi phí là 9 triệu đồng/bệnh nhân, hiện bảo hiểm y tế chưa chi trả cho ứng dụng này.

Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-nghe/tro-ly-ao-trong-ho-tro-dieu-tri-ung-thu-490571/