Trợ lực vốn giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

Thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 đã được các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai thực hiện khá kịp thời. Trong tình hình dịch còn diễn biến khó lường, nguồn vốn vẫn là một trợ lực quan trọng giúp DN khôi phục nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sản xuất đồ may mặc tại Công ty cổ phần Dệt may 29/3 (TP Ðà Nẵng).

Sản xuất đồ may mặc tại Công ty cổ phần Dệt may 29/3 (TP Ðà Nẵng).

Thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 đã được các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai thực hiện khá kịp thời. Trong tình hình dịch còn diễn biến khó lường, nguồn vốn vẫn là một trợ lực quan trọng giúp DN khôi phục nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhiều DN gặp khó

Những ngày đầu năm 2021, tại Công ty cổ phần Dệt may 29/3 (Hachiba - TP Ðà Nẵng), không khí làm việc diễn ra hết sức sôi động. Hơn 3.700 công nhân ở đây vẫn miệt mài làm việc để bảo đảm hoàn thành số lượng các đơn hàng. Nhưng ít ai biết, để giữ được không khí làm việc như vậy, công ty đã linh hoạt "biến nguy thành cơ", vượt qua một năm 2020 đầy sóng gió, cùng với sự giúp sức từ phía hệ thống các NHTM.

Tổng Giám đốc Công ty Hachiba Phạm Thị Xuân Nguyệt chia sẻ, năm 2020 là một năm chồng chất khó khăn. Ðầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc khiến công ty bị đứt gãy nguồn cung. 60% nguyên phụ liệu nhập từ thị trường này bị gián đoạn đã khiến sản xuất của công ty ngưng trệ gần hai tuần. Sau đó, đến giữa tháng 3-2020, khi dịch lan ra toàn thế giới, trong đó có hai thị trường chính của công ty là châu Âu và Mỹ khiến nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, nhất là mặt hàng veston. Tại Việt Nam, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng khiến hoạt động kinh doanh ảnh hưởng nghiêm trọng, doanh thu giảm mạnh, trong tháng 4-2020 chỉ đạt 17 tỷ đồng, trong khi bình quân các năm hằng tháng đạt 90 tỷ đồng, giảm 82%... Trước những khó khăn này, công ty đã nhận gia công sản phẩm y tế như đồ bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn cung cấp cho thị trường Mỹ và Pháp. "Song do nhu cầu tiêu thụ giảm đáng kể làm suy giảm nguồn thu, nên việc trả nợ đúng hạn theo cam kết với ngân hàng là áp lực rất lớn với công ty. Bởi vậy, những giải pháp hỗ trợ từ phía ngân hàng để giúp DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh là một trong những điều DN cần nhất lúc này" - bà Phạm Thị Xuân Nguyệt cho biết.

Cũng không thoát khỏi sự càn quét của "cơn bão" dịch bệnh, từ đầu năm 2020 đến nay, cùng cả ngành hàng không nói chung, Công ty cổ phần Ðầu tư khai thác nhà ga quốc tế Ðà Nẵng (AHT) gặp vô vàn khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Ðến hiện tại, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, do đó các hoạt động hàng không và hoạt động phi hàng không tại Cảng Hàng không quốc tế Ðà Nẵng đều không phát sinh hoạt động/dịch vụ. Tính đến cuối tháng 12-2020, AHT chỉ mới phục vụ được 4.669 chuyến bay, tương ứng với khoảng hơn 977 nghìn hành khách, cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh của AHT so với năm 2019 (năm 2019, AHT đã phục vụ cho hơn 7,1 triệu hành khách quốc tế đi và đến với 22.779 chuyến bay). "Trước tình hình đó, chúng tôi đã thực hiện những biện pháp linh hoạt cần thiết nhằm tuân thủ quy định giãn cách xã hội; đồng thời nhằm mục tiêu cắt giảm chi phí khi doanh thu không phát sinh: yêu cầu người lao động tuân thủ quy định giữ khoảng cách, giữ vệ sinh, sắp xếp người lao động làm việc luân phiên, thông báo đến các tổ chức tín dụng mà công ty đang quan hệ tín dụng để các bên sớm có biện pháp hỗ trợ, xử lý phù hợp" - Phó Tổng Giám đốc Công ty AHT Ðỗ Trọng Hậu chia sẻ.

Những giải pháp kịp thời

Thực tế, các biện pháp hỗ trợ kịp thời từ phía NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Ðà Nẵng đã trở thành một điểm tựa quan trọng giúp DN vượt qua khó khăn. Ðơn cử như với Công ty Hachiba, VietinBank đã cơ cấu lại thời gian trả nợ từ tháng 5-2020 đối với các khoản vay bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, hỗ trợ giảm lãi suất, bảo đảm duy trì mặt bằng tốt nhất trong các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn. Ðồng thời tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn trung, dài hạn với chi phí hợp lý nhất để đầu tư mới các dây chuyền may phù hợp với việc chuyển đổi mặt hàng sản xuất.

Hay như với Công ty AHT, tính đến thời điểm hiện tại, những gói hỗ trợ mà AHT đã nhận được từ VietinBank bao gồm: ba lần cơ cấu nợ gốc kỳ trả nợ; giảm lãi suất cho vay kể từ ngày 16-3. Ngoài ra, VietinBank Ðà Nẵng cũng hỗ trợ tối đa trong việc thực hiện nhanh chóng các giao dịch thanh toán của AHT. "DN mong mỏi vắc-xin phòng, chống Covid-19 sẽ sớm được áp dụng trên diện rộng và kỳ vọng năm 2021 sẽ là năm mà nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng hồi phục trở lại. Ðể có được sự phục hồi đó, việc kề vai sát cánh giữa DN và các TCTD là một trong những yếu tố trọng yếu. Do đó, AHT hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục được Ban lãnh đạo VietinBank quan tâm, lắng nghe và kịp thời có những động thái hỗ trợ thiết thực như thời gian qua" - ông Ðỗ Trọng Hậu kiến nghị.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Ðào Minh Tú cho biết, thời gian qua, với vai trò là một trong bốn NHTM nhà nước, VietinBank đã thực hiện tốt vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của toàn ngành. Theo đó, VietinBank luôn tiên phong trong quán triệt, chấp hành các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ và NHNN, nhất là trong ứng phó với tác động của dịch Covid-19 và chia sẻ, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch và bão lũ, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Theo chia sẻ của Chủ tịch HÐQT VietinBank Lê Ðức Thọ, năm 2020, VietinBank đã cắt giảm gần 5.000 tỷ đồng lợi nhuận từ việc giảm lãi suất cho vay, phí, thoái lãi để hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thực hiện phương án bảo đảm hoạt động liên tục của ngân hàng trong suốt giai đoạn dịch bệnh. Ðồng thời, VietinBank chủ động điều hành tín dụng tập trung vào các ngành, lĩnh vực được Chính phủ, NHNN khuyến khích phát triển, đồng hành cùng các ngành, các địa phương để thúc đẩy kinh tế vùng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tính đến ngày 18-12-2020, gần 7.000 khách hàng được VietinBank nhận diện bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được giải ngân mới gần 400 nghìn tỷ đồng, trong đó khách hàng DN chiếm hơn 95%. VietinBank cũng đã thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN đối với gần 2.000 khách hàng. Ðối với khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, VietinBank đang hỗ trợ hạ lãi suất với mức hạ lãi suất từ 0,1% đến 2% cho khoảng 8.000 khách hàng với dư nợ được miễn giảm lãi suất lên tới gần 300 nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh năm 2021 diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, lãnh đạo VietinBank khẳng định và cam kết: VietinBank sẽ đáp ứng kịp thời, đầy đủ tất cả nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng chính đáng, cần thiết của DN và người dân; đồng thời tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, có hiệu quả các giải pháp đồng hành, hỗ trợ DN, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Bài và ảnh: Hồng Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/kinhte/tro-luc-von-giup-doanh-nghiep-phuc-hoi-san-xuat-kinh-doanh-632075/