Trở lại Trường Sơn

Cách đây 21 năm, tôi được vinh dự tháp tùng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong chuyến thị sát Trường Sơn để xây dựng Đường Hồ Chí Minh.

 Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (bên trái) kiểm tra hướng tuyến Đường Hồ Chí Minh tại huyện Tuy Đức (nay thuộc tỉnh Đắc Nông). Ảnh tư liệu

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (bên trái) kiểm tra hướng tuyến Đường Hồ Chí Minh tại huyện Tuy Đức (nay thuộc tỉnh Đắc Nông). Ảnh tư liệu

Đoàn công tác của chúng tôi xuất phát từ Hà Nội ngày 4-5-1998 và kết thúc ngày 13-5-1998 tại TP Hồ Chí Minh. Tôi là cán bộ công binh Bộ đội Trường Sơn từ thập niên 1970, đã nhiều lần được giúp việc Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nên trước khi đi, thủ trưởng Đồng Sỹ Nguyên điện cho tôi chỉ nhắc: "Chú mang đầy đủ tài liệu tuyến đường Trường Sơn trong chiến tranh để làm việc". Tới tỉnh Hà Tĩnh, đoàn vào thăm Hương Đô, nơi đặt Chỉ huy sở tiền phương của Tổng cục Hậu cần và Chỉ huy sở cơ bản của Bộ tư lệnh 559 năm 1966-1967. Được tin Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên về thăm, từ cụ già đến em bé vừa chạy vừa la: “Ông Nguyên về thăm hè, cụ Nguyên về thăm nhà ông Nhuệ...”. Mọi người vây quanh thủ trưởng. Những em bé được chia kẹo và có quà tặng các cụ, thân tình như người thân đi xa trở về nhà. Xe chạy đến Tân Ấp (Quảng Bình), anh Trần Hòa, lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cùng cán bộ Sở Giao thông vận tải và phóng viên Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh đã chờ đón đoàn.

Vượt qua ngầm Ka Tang, thủ trưởng dừng lại rất lâu, ngắm những trụ cầu trên mình còn mang đầy vết thương của bom đạn Mỹ, thủ trưởng nói với mọi người: "Sẽ làm cầu về phía thượng lưu và cần giữ những trụ cầu này làm chứng tích chiến tranh trong kháng chiến chống Mỹ". Tới ngã ba Khe Ve, thủ trưởng xem sơ đồ tuyến đường Trường Sơn trong chiến tranh, rồi nhìn anh Hòa và nói: “Cần nâng cấp Đường 12 nối với Đường Hồ Chí Minh tạo ra hành lang kinh tế giữa Việt Nam với Lào và Thái Lan, mở rộng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo để góp phần phát triển kinh tế của Quảng Bình”. Tôi thấy anh Hòa rất vui như đồng tình với gợi ý của thủ trưởng. Đoàn vào thăm hang Hóa Tiến-Chỉ huy sở của Đoàn 559 cách ngã ba Khe Ve khoảng 3km. Cây cối mọc um tùm không nhận ra đường cũ, phải nhờ hai người dân đi trước phát cây mở đường. Anh Ly chặt cây làm gậy chống và dìu thủ trưởng trèo lên cửa hang. Từ cửa hang nhìn xuống rất sâu. Ánh sáng chiếu vào cả một không gian trong hang bừng sáng và rộng lớn. Thủ trưởng nhớ lại từ năm 1965 nhiều lần từ Lào về đây làm việc với anh Phan Trọng Tuệ, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiêm Tư lệnh Đoàn 559. Nơi đây cũng là chỉ huy sở của Binh trạm 14 và là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Đoàn đi tiếp qua Khe Rinh, đèo Đá Đẽo vào Khe Gát đến phà Xuân Sơn. Tại ngã ba Troóc, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên dừng lại và nói: "Đây có thể là tuyến Tây Đường Hồ Chí Minh hướng về Đường 9 tới cầu Đa Krông. Còn tuyến Đông Đường Hồ Chí Minh có thể đi qua cầu Xuân Sơn, hướng về cầu treo Bến Tắt, qua Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn vào Cam Lộ...". Hôm sau, đoàn đi tiếp vào Thạch Mỹ qua Phước Sơn và dừng lại trên đỉnh đèo Lò Xo, tỉnh Quảng Nam...

Sau chuyến đi thị sát đó của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, ngành giao thông vận tải và các lực lượng quân đội đã thực hiện được đúng ý đồ của ông với sự tận dụng hướng tuyến cũ của đường Trường Sơn trong chiến tranh tới 75%.

TRẦN VĂN PHÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tro-lai-truong-son-574405