Trở lại Trà Leng: Tái thiết cuộc sống

Sạt lở không chỉ cướp đi sinh mạng, nhà cửa của người dân Trà Leng. Ruộng nương họ cũng không còn, nhiều người thực sự đã trắng tay sau thiên tai.

Những khó khăn trước mắt đã dần được giải quyết. Tuy nhiên, về lâu dài, việc tạo điều kiện cho họ tái thiết sản xuất, ổn định cuộc sống cũng vô cùng cần thiết.

Gượng dậy từ thương đau

Đau thương, rồi cũng dần nguôi ngoai. Người Trà Leng sẽ bắt đầu một cuộc sống mới từ trong gian khó. Họ, những người còn lại của nóc ông Đề vẫn đang loay hoay để làm lại từ đầu. Nhưng, bao nhiêu công sức gầy dựng nương rẫy làm kế sinh nhai cũng trong phút chốc bị thiên nhiên tàn phá. Những mảnh rừng xanh ngắt là niềm hy vọng bây giờ chỉ trơ trọi màu đỏ của đất, đá. Chứng kiến cảnh này, hỏi rằng, ai không tuyệt vọng?.

 Anh Nguyễn Thanh Sơn mất vợ sau vụ sạt lở dù đau đớn nhưng vẫn tự nhủ mình mạnh mẽ để lo cho các con. Ảnh: L.K.

Anh Nguyễn Thanh Sơn mất vợ sau vụ sạt lở dù đau đớn nhưng vẫn tự nhủ mình mạnh mẽ để lo cho các con. Ảnh: L.K.

Dù vậy, những con người vốn rắn rỏi, kinh qua biết bao nhiêu khổ cực nơi đây vẫn chưa từng chấp nhận đầu hàng trước số phận nghiệt ngã. Người sống thì phải tiếp tục sống, phải quên dần quá khứ để hướng về tương lai. Nhìn ngược về quá khứ, họ cũng từng đi lên từ gian khó. Nhưng rồi, nhiều gia đình đã vươn lên khá giả từ chính loại cây bản địa của vùng đất được mệnh danh là “Cao sơn ngọc quế” – Trà My.

Gần 3 tháng trải qua nỗi đau mất vợ là Hồ Thị Mai, ông Nguyễn Thanh Sơn (48 tuổi) đã gượng dậy để làm chỗ dựa cho các con vốn đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Hai cô con gái là Nguyễn Thị Xuân Quý (lớp 12) và Nguyễn Thị Xuân Quyền (lớp 9) từng gục khóc bên mộ mẹ được bố động viên đã trở lại trường.

“Buồn chứ. Chỉ trong 1 buổi chiều mất tất cả, cả người thân và toàn bộ gia sản thì sao không buồn cho được. Nhưng giờ, mình là chỗ dựa duy nhất cho các con, nên phải ráng hết sức có thể”, anh Sơn nói rồi với tay lấy thêm nhánh củi đưa vào bếp. Khói bốc lên, cay xè.

Nhà anh Sơn vừa được dựng lên mấy tháng, chưa hết vui mừng thì bị cuốn sạch. Tôi hỏi anh, về tương lai, cách vực dậy kinh tế gia đình, sau tiếng thở dài buồn bã, anh bảo: “Mấy chục năm nay mình làm giàu đều từ cây quế. Quế còn thì mình còn đường để sống. Nửa đời người, để nói bắt đầu lại từ đầu thì xa vời quá. Nhưng giờ mình không sống cho mình, mà cho 8 đứa con nữa”.

Bên ánh lửa bập bùng của những ngày cuối đông, những người dân Trà Leng vẫn không ngừng nhắc về những kỷ niệm cũ trong đôi mắt hiện rõ sự u buồn. Rằng, nơi bãi đất bây giờ ngổn ngang ấy đã từng có những căn nhà giá trị hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng được dựng lên. Đó không chỉ là thành quả từ công sức người dân trong làng mà còn là sự khẳng định giá trị của giống Quế Trà My.

Đống lửa nhỏ không thể xua hết cái rét thấu da thịt ở Trà Leng, anh Hồ Văn Thể (52 tuổi) ngồi co ro, hướng mắt về phía dãy núi rồi bảo, cả gia tài của anh đều ở trên đó cả. “Mưa lũ vừa qua làm gia đình tôi mất 2 cái rẫy quế 7 năm tuổi, nhưng mình vẫn còn 3 rẫy nữa. Hiện tại, lương thực đã được chính quyền hỗ trợ đủ để sống qua ngày. Việc còn lại là trồng thêm những cây quế đã mất. Có khó khăn lắm thì mình bán chừng 5 cây quế 10 năm tuổi cũng tạm đủ để giải quyết khó khăn. Cứ lấy ngắn nuôi dài để nuôi con cái chứ biết sao giờ”, anh Thể cười buồn.

Tạo mọi điều kiện cho người dân

Vị Chủ tịch UBND xã Trà Leng - Phan Quốc Cường tâm sự rằng, từ khi xảy ra vụ sạt lở đến nay, không chỉ có Trung ương, các cấp ngành trong tỉnh mà nhiều địa phương khác cũng rất quan tâm đến những hộ dân gặp nạn. 3 tháng qua, có rất nhiều đoàn từ thiện đến đây để hỗ trợ bà con, giúp họ khắc phục được những khó khăn trước mắt.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, việc giúp cho người dân vùng sạt lở sớm ổn định chỗ ở, tái thiết sản xuất là vấn đề cấp thiết. Ảnh: L.K.

Cùng với việc xây dựng Khu tái định cư cho bà con vùng sạt lở thì nhìn chung, đến thời điểm này, vấn đề nhà ở, đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân cơ bản ổn. Việc còn lại là sinh kế lâu dài, giúp người dân Trà Leng tái thiết cuộc sống. Có rất nhiều phương án để tái thiết cuộc sống cho người dân nơi đây như hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng… nhưng loại cây chủ lực vẫn là cây quế.

Tất nhiên, việc chăn nuôi, trồng lúa nước vẫn sẽ đẩy mạnh, nhưng đó không phải là thế mạnh của địa phương. Đợt bão lũ vừa rồi đã khiến cho bà con thiệt hại không nhỏ về tài sản. Có hơn 40ha cây quế bị ngã đổ, hư hỏng, cũng cướp đi luôn cơ hội ký hợp đồng lâu dài với một doanh nghiệp lớn ở trong Sài Gòn để làm đầu ra ổn định cho quế thương phẩm.

Ngoài ra, cả 150 nghìn cây giống quế gốc của hợp tác xã gieo ươm cũng bị mất trắng. Tuy nhiên, người dân vẫn còn lại một diện tích nhất định nên công cuộc tái thiết phải gắn vào đây làm bản lề. Ông Cường cho biết: “Giá vỏ quế từ 25.000 đồng/kg nay đã lên đến 65.000 đồng/kg nhưng không có bán.

Những năm qua, quế ở Trà Leng gần như không đáp ứng đủ nhu cầu của người mua, cộng với việc xã đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nhiều doanh nghiệp trên cả nước nên đầu ra cho cây quế rất ổn định, thu nhập của người dân cũng từ đó được nâng cao.

Mặc dù thời gian thu hoạch cây quế thường rất lâu, từ 7-10 năm nhưng nếu người dân trồng gối đầu thì mỗi năm chỉ cần bóc 20 cây quế trị giá khoảng 20 triệu đồng là đã đủ sống”.

Cũng trong chuyến công tác mới đây của Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đặc biệt quan tâm đến việc giúp bà con Trà Leng tái thiết sản xuất. Sắp tới, 5.000 giống cây sầu riêng, măng cụt và nhiều loại giống cây khác sẽ được đưa về cho bà con để trồng thử nghiệm. Cùng với đội ngũ kỹ thuật và địa phương tích cực khảo sát, chọn ra loại cây phù hợp nhất, định hướng canh tác bền vững, hiệu quả cho các hộ dân.

Rời Trà leng khi trời đã bắt đầu chập choạng tối. Cái lạnh đặc trưng của xứ núi rừng cùng với không khí ảm đạm bao trùm lên ngôi làng cũ, khiến lòng người càng thêm phần tê tái. Ra đến đầu làng, ánh đèn điện lờ mờ hắt vào bức tường, đủ để thấy vài đôi mắt trong veo của những đứa trẻ đang nhìn qua ô cửa. Cạnh đó, ánh lửa hồng đang bập bùng nơi góc bếp, sưởi ấm cho những con người đang co ro vì cái lạnh. Và có lẽ, đó cũng như những tia sáng hi vọng cho một tương lai tốt đẹp, ấm no và hạnh phúc phía trước...

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, với Trà Leng nói riêng và vùng núi của tỉnh nói chung thì việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, sắp xếp dân cư, đồng thời với cải thiện sinh kế, phòng chống thiên tai. Về phương án lâu dài, UBND tỉnh sẽ tổ chức một cuộc họp bàn để tính toán cụ thể, chi tiết và toàn diện về đảm bảo dân sinh, hạ tầng khu vực miền núi để thích ứng với biến đổi khí hậu đang ngày càng khốc liệt.

LÊ KHÁNH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tro-lai-tra-leng-tai-thiet-cuoc-song-d282544.html