Trở lại nơi xảy ra trận sạt lở núi kinh hoàng

Sau gần 9 tháng, trở lại Đồi Keo (thôn 2, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), chúng tôi chứng kiến nhiều thay đổi nơi đây. Tuy nhiên, trận sạt lở núi kinh hoàng vào chiều 5/11/2017 vẫn còn là nỗi ám ảnh với người dân địa phương.

Trận lở núi kinh hoàng

Mặc dù đã gần 9 tháng trôi qua, nhưng với người dân thôn 2 (xã Trà Giang, huyện miền núi Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), trận lở núi kinh hoàng vào chiều 5/11/2017 vẫn ám ảnh cuộc sống của họ.

Bà Vi Thị Đức (70 tuổi), sống tại khu vực Đồi Keo (thôn 2, xã Trà Giang) cho biết, cả đời bà chưa từng chứng kiến một trận sạt lở kinh hoàng đến vậy. Khoảng 4h chiều ngày hôm ấy, khi bà cùng 02 đứa cháu nội và 01 đứa cháu ngoại đang ngồi trong nhà bỗng nghe tiếng ầm ầm như bom nổ. Chưa kịp định thần để biết chuyện gì xảy ra thì nước và đất, đá, cây cối đổ ào vào nhà, đóng sập cánh cửa nhìn ra bờ sông Trường khiến cả 4 bà cháu bị mắc kẹt trong nhà không ra ngoài được. “Lúc đó, các cháu tôi đứa nào đầu tóc, áo quần cũng lấm lem bùn đất và hết sức hoảng sợ, không biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi la to gọi người đến cứu. May mà, chỉ trong tích tắc, nước lại rút ra khỏi nhà. Cả 4 bà cháu chui ra ngoài qua một lổ hổng của tường gỗ bị cây và đất, đá phá tung”.

Tiếp lời mẹ là bà Vi Thị Đức, chị Lê Thị Nga (40 tuổi), nói: “Từ nhà tôi đến nhà mẹ cách nhau vài trăm mét. Trong số 6 nhà bị trận sạt lở đất này làm hư hỏng thì nhà mẹ tôi nằm trong số 3 nhà bị hư hỏng ít; còn lại có 3 nhà bị phá hủy hoàn toàn, trong đó có căn nhà vợ chồng tôi mới xây xong được 1 tháng".

Những gì còn sót lại của ngôi nhà gia đình chị Nga sau vụ sạt lở.

“Chiều hôm đó, do nhà mới xây xong nhưng còn một số công trình phụ chưa hoàn thành nên vợ chồng tôi làm cái chái phía sau nhà để nấu ăn. Khi đang loay hoay nấu cơm, bỗng tôi nghe tiếng nổ lớn và nhìn ra sông, thấy cây cối đổ xô về hướng mình, chưa kịp chạy thì nước lũ đã cuốn tôi trôi dạt vào hàng tre cách nhà hơn 500 m. Nhờ có tre, tôi bị mắc lại. Lúc đó nước rút nhanh, tôi vừa mới đứng lên thì một lần nữa tiếng ào ào của nước lũ lại tràn lên người tôi đến ngực. Cây cối, cát, đá… tiếp tục đổ thẳng vào người khiến tôi tưởng mình bị chôn lấp mất. Nhưng cũng rất nhanh, nước lại rút, tôi vẫy vùng, bơi trong bùn đất để thoát ra, bơi vào bờ…”- chị Lê Thị Nga kể.

Hôm đó, chồng chị là anh Nguyễn Duy Lượng cũng bị thương nặng do cây đè lên người, được đưa đi cấp cứu. Còn bố chồng chị thì bị nước lũ cuốn đi, 3 ngày sau mới tìm thấy thi thể.

Chia sẻ thêm thông tin, ông Nguyễn Quốc Phòng - Phó phụ trách Công an xã Trà Giang nói: “Trận sạt lở núi này còn làm cho 2 hộ khác liền kề với gia đình chị Nga bị mất nhà hoàn toàn và 3 nhà khác bị hư hỏng nặng...".

Nỗ lực của chính quyền và người dân

Sau trận sạt lở núi kinh hoàng, các cấp chính quyền và người dân huyện Bắc Trà My, nhất là xã Trà Giang đã tổ chức quyên góp, giúp đỡ các gia đình bị nạn. Đặc biệt, bằng nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau, cả 6 hộ gia đình bị sạt lở làm mất và hư hỏng nhà cửa, tài sản đã được cất lại nhà mới khang trang trên khu đất mới được xã bố trí tái định cư.

Theo ông Nguyễn Quốc Phòng - Phó phụ trách Công an xã Trà Giang, dòng sông Trường chạy dọc theo Quốc lộ 24C nối từ Quốc lộ 40B đi từ thị trấn Trà My về huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi). Khu vực bị sạt lở là một eo đất bên bờ sông Trường; phía bờ bên kia sông là Đồi Keo (rộng khoảng 05 ha, được người dân trồng keo và đang khai thác). Như vậy, cả 6 hộ bị ảnh hưởng trận sạt lở này nhà đều nằm bên này sông, đối diện với Đồi Keo. Trước đó, mưa như trút nước kéo dài liên tục trong 3 ngày liền. Có lẽ do mưa lớn, một mặt, nước sông Trường dâng cao; mặt khác, đất trên Đồi Keo đã ngập đủ nước, hơn nữa một bộ phận keo đã khai thác nên đất bị sụt lún, nứt ra và gây nên trận sạt lở núi kể trên.

Ngay sau trận sạt lở, các cấp chính quyền và người dân đã vào cuộc giúp đỡ các gia đình bị nạn. Đặc biệt, với sự giúp đỡ của UBND huyện Bắc Trà My, UBND xã Trà Giang đã khảo sát, chọn địa điểm và tiến hành quy hoạch, bố trí khu vực tái định cư phía bên kia Quốc lộ 24C cao ráo, an toàn và nằm xa sông Trường; đồng thời kêu gọi xã hội hỗ trợ kinh phí, vật chất, ngày công để 6 hộ này làm nhà mới.

Nói về những hỗ trợ của địa phương và xã hội đối với gia đình mình, chị Lê Thị Nga cho biết: Sau vụ sạt lở, vợ chồng tôi trắng tay, nhưng nhờ địa phương và xã hội giúp đỡ, chồng tôi được chữa khỏi bệnh và khỏe mạnh. Riêng ngôi nhà mới này, thông qua sự kêu gọi của UBND xã, nhiều tổ chức, cá nhân đã giúp đỡ vợ chồng tôi xây dựng lại ngay trước Tết 2018 với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng. Cùng với tôi, 05 hộ khác bị ảnh hưởng trong trận sạt lở đó cũng được hỗ trợ xây nhà mới.

Ngôi nhà mới của gia đình chị Nga được chính quyền và xã hội hỗ trợ,

giúp đỡ xây dựng tại khu tái định cư cao ráo, an toàn hơn.

Ông Đoàn Ngọc Minh - Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Trà Giang cho biết, riêng trong năm 2018 này, để chủ động ứng phó với thiên tai, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, chương trình phòng chống thiên tai. Trong đó, đáng chú ý là thực hiện Nghị quyết 12/2017/NQ-HĐND ngày 19/4/2017 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 (gọi tắt là Cơ chế hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư), đến nay, xã Trà Giang đã quy hoạch xong khu vực tái định cư và đã di dời đưa những hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm, ven núi, ven sông… vào sinh sống trước khi mùa mưa lũ đến. Đồng thời, xã cũng thường xuyên phân công lực lượng tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác trước mưa lũ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Nhằm khắc phục hậu quả của tình trạng sạt lở đất và tránh tái diễn nguy cơ sạt lở đất trong mùa mưa lũ năm 2018, tỉnh Quảng Nam đã tiến hành di dời gần 1.300 hộ dân đến nơi an toàn. Trong đó, tập trung ở một số địa phương như: Tiên Phước (300 hộ), Nam Giang (53 hộ), Bắc Trà My (860 hộ), Nam Trà My (77 hộ). Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có chỉ thị yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; rút kinh nghiệm năm 2017 và các năm trước, tập trung khảo sát, rà soát, thống kê cụ thể những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn; tổ chức lắp đặt hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm cho nhân dân được biết để phòng, tránh; rà soát xây dựng phương án di dời, sơ tán dân đối với những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt. Đồng thời, các địa phương phải kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động làm tăng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất như: đào núi, xẻ ta luy dốc đứng để xây dựng nhà ở, công trình; đắp chặn dòng trữ nước trái quy định…/.

Bài, ảnh: Đình Tăng

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/tro-lai-noi-xay-ra-tran-sat-lo-nui-kinh-hoang-495348.html