Trở lại 'Làng đảo' Vân Nghệ ở Hưng Yên

Nằm biệt lập ở bãi nổi giữa sông Hồng nên chẳng biết tự bao giờ, định danh 'Làng đảo' gắn liền với thôn Vân Nghệ, xã Mai Động (Kim Động). Sau hơn chục năm, mới đây có dịp trở lại 'Làng đảo', cảm xúc đầu tiên là ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt nơi đây.

Diện mạo nông thôn "Làng đảo Vân Nghệ" ngày càng khởi sắc

Còn nhớ cách đây khoảng 15 năm, khi đến viết bài về sự học ở “Làng đảo”, phóng viên đã phải dậy từ 5 giờ sáng để kịp đi cùng chuyến đò ngang do xã Mai Động bố trí chở các giáo viên từ trường trung tâm xã sang giảng dạy các lớp ghép ở điểm trường Vân Nghệ. “Làng đảo” khi đó kinh tế thuần nông, chủ yếu là rau màu, canh tác theo phương pháp truyền thống, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân chỉ khoảng 4 triệu đồng/người/năm… Hình ảnh con đò xưa nay đã đi vào quá vãng, thay vào đó là bến phà, hàng ngày chuyên chở nhân dân đi lại, giao lưu hàng hóa, thông thương với “đất liền”, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống tinh thần.

Rảo bước trên những con đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ len giữa những ngôi nhà kiên cố, cao tầng đang dần mọc lên san sát, đồng chí Trương Văn Tít, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vân Nghệ chia sẻ với niềm tự hào: “Ngày trước cả thôn chỉ có vài chục mét đường trục bằng bê tông, giờ đây hệ thống giao thông ở đây hầu hết đã được bê tông hóa, các thành phần kinh tế phát triển, đời sống người dân được cải thiện từng ngày”. Đồng chí Bí thư chi bộ, trưởng thôn cho biết thêm: Thôn Vân Nghệ có diện tích tự nhiên 400 mẫu, trong đó diện tích canh tác khoảng trên 350 mẫu, tuy nhiên, do đặc thù nơi đây là bãi nổi giữa sông nên người dân tận dụng đất bãi bồi để mở rộng diện tích canh tác. Toàn thôn có 280 hộ với 1.300 nhân khẩu, đời sống kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Chi bộ thôn có trên 30 đảng viên, luôn gương mẫu đi đầu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; Ban công tác mặt trận và chi hội đoàn thể đã tập hợp hội viên, đoàn kết tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động; xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; thực hiện dân chủ ở cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm; xây dựng, phát huy quỹ khuyến học để khích lệ tinh thần học tập cho trẻ em… Ông Nguyễn Văn Tắc, Trưởng ban Công tác Mặt trận Khu dân cư Vân Nghệ cho biết: Ban Công tác Mặt trận Khu dân cư thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua thiết thực, phù hợp điều kiện thực tế, đáp ứng nguyện vọng nhân dân, từ đó phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân, tích cực tham gia cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong phát triển kinh tế, thôn tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; duy trì và phát triển các ngành nghề sẵn có của địa phương; giao thông nông thôn được cải thiện, hoạt động thương mại, dịch vụ nhờ đó cũng từng bước hình thành, phát triển. Cùng với đó, thôn tranh thủ sự quan tâm của cấp trên, khai thác hiệu quả các nguồn lực quan tâm chăm lo cho sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục; chăm lo cho người nghèo và bảo đảm các chính sách an sinh xã hội… Năm 2020, thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt khoảng 45 triệu đồng/người; đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày.

“Làng đảo” nghèo nàn xưa, nay đã thực sự thay da đổi thịt với kinh tế phát triển, tăng trưởng ổn định; điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư, vệ sinh môi trường được bảo đảm, nhà kiên cố, cao tầng mọc lên ngày càng nhiều; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Phát huy những kết quả đó, thời gian tới, thôn tiếp tục tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của cấp trên, phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ, sự điều hành của ban lãnh đạo thôn, sự vào cuộc, phối hợp tích cực của MTTQ và các đoàn thể, vận động nhân dân ra sức thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường giữ vững, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; triển khai, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động trên địa bàn…

Bài, ảnh: Đức Hùng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tro-lai-%E2%80%9Clang-dao%E2%80%9D-van-nghe-o-hung-yen-81510