Trở lại dự án sân golf Đak Đoa: Rừng tàn, nước cạn

Mặc dù hiện nay dự án sân golf Đak Đoa đang được tạm dừng, nhưng ghi nhận thực địa của chúng tôi cho thấy dấu hiệu thông tiếp tục bị bức tử và có thể đã có tình trạng khoan giếng nước trộm trong rừng - dự án. Nếu thông cứ chết hàng loạt, rừng mất, nhiều nguy cơ hệ lụy sẽ xảy với cả một khu vực...

Trung tuần tháng 5.2021, Người Đô Thị đã đăng tải bài viết Dự án sân golf Đak Đoa: phập phồng nỗi lo!, ngay sau thời điểm dự án sân golf này được phê duyệt chủ trương đầu tư và nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.

Bài viết đã đưa ra những khuyến nghị, cảnh báo về những hệ lụy về vấn đề môi trường bởi tác động của dự án sân golf này. Rằng “cần xem xét, đánh giá tác động từ dự án sân golf, cần được điều tra khảo sát cụ thể và phải đặt trong bối cảnh có cả các dự án bất động sản đi kèm để có những điều chỉnh chính sách thích hợp" và "từ lâu ở đây đã không còn rừng tự nhiên. Khôi phục rừng ở một vùng không còn rừng tự nhiên liên hoàn là rất khó. Gần nửa thế kỷ qua, bà con Glar đã trồng được một rừng thông xum xuê và một đồi cỏ hồng thật đẹp, tạo được nguồn nước giọt trong lành, dồi dào. Có nên đánh đổi một cánh rừng để lấy một sân golf xa xỉ?"...

Nhưng thật đáng buồn khi trở lại sân golf Đak Đoa chỉ hơn một năm sau, những cảnh báo ấy đang dần trở thành hiện thực.

Hiện trạng một khu vực rừng thông bên trong dự án sân golf. Ảnh: Bắc Ngô

Hiện trạng một khu vực rừng thông bên trong dự án sân golf. Ảnh: Bắc Ngô

Đi suốt diện tích rừng thông trải dài từ thị trấn Đak Đoa, sang xã Tân Bình và xã Glar thuộc huyện Đak Đoa (Gia Lai), chúng tôi gặp không ít khu vực có nhiều thông cổ thụ đã bị chết khô. Đây là những cây thông đã được FLC di thực (khoảng 2.500 cây), hoặc đào gốc, đánh tạo bầu trong quá trình thi công dự án sân golf Đak Đoa.

Theo thống kê của cơ quan chức năng là khoảng 4.500 cây. Điều này trái với cam kết đảm bảo thông sống của FLC, là nguyên nhân khiến dự án đang bị tạm dừng. Báo Tiền Phong ngày 29.8.2022 dẫn lời của một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, nói: “Tập đoàn FLC cam kết với tỉnh không để cây thông chết. Xây dựng phương án là Tập đoàn FLC làm, di thực cũng họ làm. Ông Quyết (Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch Tập đoàn FLC đã bị bắt) lúc vào Gia Lai xuống rừng thông còn ôm cây, nói quý cây, bây giờ di thực mà để thông chết thì họ phải chịu trách nhiệm”.

Nhưng không chỉ vậy. Tại xã Glar, đi sâu vào trong, trước mắt chúng tôi là những mảng rừng với hàng loạt thân cây dày đặc vết nhựa thông lấm tấm, cả mới lẫn cũ.

'Bức tử' thông và khoan trộm giếng nước bên trong rừng?

Tiến sĩ Trương Văn Vinh, người có hơn 20 năm công tác trong ngành lâm nghiệp, đi cùng chúng tôi đã khá sốc và bảo rằng, dấu vết cho thấy thân những cây thông cổ thụ này đã bị chích cho ra nhựa. Tình trạng này sẽ khiến cây bị chết dần dần.

“Trước đây thông rừng này vẫn thỉnh thoảng bị người bên ngoài vào lén róc vỏ, là một cách khiến thông bị chết. Nhưng không ngờ nay chúng còn bị tình trạng này nữa”, ông Vinh nói.

Thân cây thông bị chích cho ra nhựa tại một khoảnh rừng thông ở xã Glar. Việc này khiến thông sẽ dần dần bị chết. Ảnh: Lê Quỳnh

Quan sát của chúng tôi, tình trạng thân cây thông bị chích cho ra nhựa nằm ở cả trong và ngoài khu vực hàng rào dự án sân golf Đak Đoa do FLC làm chủ đầu tư.

Vậy ai là thủ phạm? Dù là rừng thông sản xuất, nhiều diện tích đã được chính quyền Gia Lai đưa ra khỏi Quy hoạch 3 loại rừng, nhưng chúng vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt. Hàng chục năm qua, người dân không được phép vào khai thác, chặt cây hay làm tổn hại thông.

Quá trình thực địa chúng tôi cũng tìm thấy khá nhiều trụ sắt rỗng có kích cỡ to, nhỏ khác nhau, nằm rải rác bên trong khu vực dự án sân golf. Theo lời người dân sống ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số xung quanh, đây là những giếng nước do những người mặc áo công nhân đã khoan. Chúng dùng để lấy nước lên cho quá trình san lấp mặt bằng, thi công bên trong dự án.

“Họ khoan và lấy nước nhiều lắm. Lúc trước đồng bào đã nói không đồng ý cho khoan nhưng họ (công nhân - PV) nói không biết, họ cũng làm thuê”, ông H., người làm Bối, trồng lúa và cà phê ven rừng thông kể lại.

Những ống sắt rộng to, nhỏ khác nhau được cho là những giếng khoan để lấy nước bên trong dự án sân golf. Ảnh: Lê Quỳnh

Những ống sắt rộng to, nhỏ khác nhau được cho là những giếng khoan để lấy nước. Ảnh: Trương Văn Vinh

Quan sát của chúng tôi, ở những giếng khoan không bị khóa bên ngoài, thử thả một hòn đá nhỏ xuống, chờ một lúc thì nghe có tiếng nước vọng lên.

Trao đổi với một cán bộ xã Glar, vị này cho rằng đây khó là giếng khoan nước, và cho biết FLC không được phép khoan nước trong rừng. Tuy nhiên, vị này cho hay là (tính đến thời điểm được hỏi - NV) xã cũng chưa kiểm tra những giếng khoan này.

Bảo vệ dự án sân golf từ chối người lạ vào khu vực rừng thông dự án. Vậy khi những người vào chích cho thông ra nhựa và chết dần, hay khoan nước thì họ ở đâu? Ảnh: Lê Quỳnh

Cảnh báo cạn kiệt nguồn nước

Sinh ra và lớn lên cạnh rừng thông, Tiến sĩ Trương Văn Vinh nói rằng, khu rừng này đang góp phần giữ nước, sinh thái cho cả một vùng. Dù vậy, tình trạng nguồn nước ngầm ở đây đã bị suy giảm.

Nguyên nhân không chỉ vì rừng xung quanh đã bị đốn hạ nhiều để thay thế bằng những vườn cây công nghiệp (cao su, tiêu, cà phê…), mà nước dành cho sinh hoạt, đặc biệt là cho cây trồng ở đây vẫn dựa vào nguồn nước ngầm.

Thực tế cho thấy, trước đây giếng đào khoảng 20 - 25 m là có nước, nay có nơi phải đào tới 30 - 40 m. Cánh đồng An Mỹ - Phú Thọ, vốn là nơi canh tác lúa của người dân khu vực (xã Tân Bình, Glar, An Mỹ, Phú Thọ và thị trấn Đak Đoa), nước ngập quanh năm, nhiều năm nay vì thiếu nước nên nhiều hộ đã buộc phải chuyển sang trồng hoa màu.

Một "giọt nước" ven rừng thông, bên cạnh khu vực canh tác lúa và cà phê thuộc địa phận xã Glar. Người dân cả xã Glar và xã Tân Bình (kế bên) đều đến "giọt nước" này lấy nước, dùng cho ăn uống lẫn canh tác. Ảnh: Lê Quỳnh

Nỗi lo rừng tàn sẽ mất luôn nguồn nước là nguy cơ có thật. Đứng dưới sườn dốc thoai thoải ven rừng thông Đak Đoa (xã Glar), nơi đang có một giọt nước (những mạch nước ngầm chảy ra từ đất ven rừng - NV) khá lớn chảy suốt ngày đêm, ông V., người làng Bối, trồng lúa và cà phê ở đây, bảo rằng: từ lúc họ khoan giếng nước trong rừng, nước ở giọt này đã ít hơn. Ống dẫn nước từ giọt đã phải thu nhỏ lại so với trước đó. Từ đời cha mẹ ông đã dùng nước ở giọt này. Người các làng đều ăn uống nước giọt, nước giếng do nhà nước khoan trong làng chỉ dùng tắm giặt.

Những người dân sống ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số xung quanh rừng mà chúng tôi đã gặp đều cùng chung một nỗi lo. Không ai muốn xuất hiện tên trên báo vì ngại. Nhưng họ xác nhận ý kiến đều đã được nói ở các cuộc họp trong làng xã, “đã nói tới chủ tịch xã luôn rồi”.

Trái lại, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Hữu Thọ, Bí thư huyện Ủy Đak Đoa, cho biết lâu nay "huyện đã lấy ý kiến dân nhiều lần". Bà con "cơ bản đồng tình hết, cũng chả có ai thắc mắc gì.” Còn theo một cán bộ xã Glar, “chủ trương chung phát triển kinh tế của tỉnh thì dân đồng tình. Nhưng dân lo ngại rừng bị mất, việc trồng bù lại diện tích rừng bị mất ở đâu cũng không biết”.

Một khu vực thông được di thực và đã chết khô, nằm trên địa phận xã Tân Bình. Ảnh: Bắc Ngô

Tiến sĩ Trương Văn Vinh nhận định, không dễ để trồng được một rừng thông 50 tuổi như hiện nay. Mặc dù rừng thông này là rừng trồng nhưng nó đã có vai trò rất quan trọng trong phòng hộ môi trường, như: bảo vệ đất, giữ nước, chống xói mòn rửa trôi, tạo sinh thái cảnh quan cho khu vực.

“Nếu việc trồng thuận lợi, từ khoảng 10 tuổi trở đi rừng thông đã bắt đầu khép tán, khi đó ít có cây nào sinh trưởng được dưới lớp lá thông dày này. Đây là một đặc thù rất điển hình về rừng thông trồng thuần loài với mật độ dày.”, vị chuyên gia này giải thích thêm về lý do tại sao dưới tán rừng này ít có cây tái sinh.

Dự án sân golf Đak Đoa được xây dựng trên 174 ha đất rừng chỉ là một trong những hạng mục nằm trong dự án Khu phức hợp Đak Đoa 517 ha đến năm 2035 do FLC làm chủ đầu tư.

Người dân đồng bào dân tộc thiểu sống xung quanh xã Glar vào rừng lấy củi từ những cành đã bị chết khô. Ảnh: Lê Quỳnh

Tìm hiểu của chúng tôi, nếu dự án Khu phức hợp này thành hiện thực, tổng nhu cầu cấp nước cho khu này đến năm 2030 là khoảng 18.000 - 22.000 m3/ngày đêm, cao gấp 6 lần tổng lưu lượng cấp nước dự kiến cho toàn thị trấn Đak Đoa vào năm 2030. Dù diện tích khu Phức hợp chỉ bằng 1/4 diện tích thị trấn Đak Đoa, với dân số gần tương đương nhau.

Theo quy hoạch dài hạn, nguồn nước cấp sẽ được kéo từ Biển Hồ (thành phố Pleiku) để phục vụ cho Khu phức hợp. Còn nước dùng cho công viên cây xanh, sân golf,... sẽ được lấy từ đập thủy lợi 3-1 Tân Bình, hiện đang là nguồn nước sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.

Tuy nhiên, nhu cầu nước khổng lồ của Khu phức hợp sẽ rất dễ gây ra tình trạng “tranh chấp” nguồn nước với nhu cầu nước của người dân địa phương, đặc biệt vào mùa khô, người dân thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu nước canh tác và nước dùng cho sinh hoạt.

Thông chết nằm xen kẽ giữa những hố golf đang được thi công bên trong dự án sân golf. Ảnh: Bắc Ngô

Hiện nay, hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân vẫn đa số là lấy từ nguồn nước ngầm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước cho các loại cây trồng của huyện Đak Đoa năm 2020 là một trong 3 địa phương sử dụng nước nhiều nhất Gia Lai - theo Báo cáo hiện trạng sử dụng nước ngầm Gia Lai năm 2021. Dự báo đến năm 2040, nhu cầu nước cho cây trồng huyện này vẫn là một trong 3 địa phương dùng nước nhiều nhất tỉnh.

Tổng lượng nước ngầm khai thác toàn huyện Đak Đoa hiện đang là cao nhất Gia Lai 18.048m3/ng. Dự báo, nhu cầu dùng nước ngầm huyện này tới năm 2025 - 2040 cũng sẽ đều ở mức cao nhất Gia Lai.

Kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng tỉnh Gia Lai từ năm 2017 đã kết luận: “nguồn nước ngầm tỉnh đang suy giảm do diện tích rừng bị suy giảm”.

Thực trạng và dự báo trên cho thấy vai trò giữ nước của rừng thông Đak Đoa càng vô cùng quan trọng, đặc biệt với vùng có tình trạng nguồn nước ngầm đã bị tụt giảm, và có nhu cầu sử dụng nước ngầm cao như huyện Đak Đoa.

Khu phức hợp Đak Đoa dự kiến được xây dựng nằm trên diện tích rừng thông Đak Đoa (màu vàng) kéo dài từ thị trấn Đak Đoa, sang xã Tân Bình tới xã Glar. Bản đồ làm từ Google map.

Nỗi lo rừng tàn

Khu phức hợp Đak Đoa 517 ha không chỉ có dự án sân golf Đak Đoa 174 ha là đất rừng. Các hạng mục dự án còn lại của Khu Phức hợp này cũng đều được xây dựng nằm trải dài từ thị trấn Đak Đoa sang xã Tân Bình và xã Glar thuộc huyện Đak Đoa.

Có thể kể như: dự án Khu biệt thự nhà ở A, B, C tổng hơn 105 ha (không có nhà ở xã hội); Trung tâm hội nghị khách sạn nghỉ dưỡng hơn 23 ha; Khu du lịch sinh thái kết hợp nhà ở hơn 167 ha (giai đoạn 2)... Đa số diện tích đều là đất rừng thông hai lá, ba lá, do người dân địa phương trồng theo chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc từ năm 1976, sau khi chiến tranh đất nước kết thúc (1).

Tính tới cuối năm 2017, địa bàn gồm thị trấn Đak Đoa, xã Tân Bình, xã Glar có tổng diện tích rừng là 601 ha, trong đó rừng thông là 543 ha (2).

Như vậy, nếu dự án Khu phức hợp này thành hiện thực, dự kiến sẽ có khoảng 500 ha rừng trên địa bàn được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất khác. Đây là một tỉ lệ mất rừng rất lớn, chiếm lên tới gần 90% tổng diện tích rừng khu vực này.

Một khu vực thông được di thực và đã chết khô, nằm trên địa phận xã Tân Bình. Ảnh: Lê Quỳnh

Để chuẩn bị thực hiện cho Khu phức hợp, hàng loạt diện tích rừng sản xuất trên địa bàn đã bị đưa ra khỏi Quy hoạch 3 loại rừng (khu vực này không còn rừng đặc dụng và rừng phòng hộ). Đây được xem là một bước chuẩn bị để chính quyền địa phương tiến hành các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cho việc thực hiện dự án.

Tháng 8.2021, tỉnh Gia Lai phê duyệt đưa 44.000 ha rừng sản xuất toàn tỉnh được đưa ra khỏi Quy hoạch ba loại rừng, trong đó có hàng trăm diện tích rừng thông Đak Đoa (3). Theo đó, đã có gần 271 ha được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất khác để thực hiện dự án, bằng gần 50% tổng diện tích rừng thông của khu vực.

Mặc dù để thực hiện được dự án, cả chính quyền Gia Lai lẫn nhà đầu tư FLC đều cam kết giữ cây thông hoặc di thực thông đến địa điểm khác làm tiểu cảnh, bonsai trong khu phức hợp, nhưng theo quy hoạch, cơ cấu diện tích dành cho thông rất ít. Như với dự án sân golf, chỉ có gần 11 ha trong tổng 174 ha là dành cho thông (đất có thông)...

Clip: Rừng thông tiếp tục bị bức tử tại dự án sân golf Đak Đoa

Hàng ngàn cây thông bị bán với giá 'bèo'

Tìm hiểu của chúng tôi, cả ba dự án Khu biệt thự nhà ở A, B, C thuộc Khu phức hợp Đak Đoa đã được chính quyền Gia Lai tiến hành bán đấu giá tài sản trên đất và chuyển nhượng tài sản trên đất lần lượt vào tháng 1.2021 và tháng 5.2021. Tập đoàn FLC là tổ chức duy nhất đủ điều kiện đăng ký đấu giá đất, và trúng đấu giá bằng đúng giá khởi điểm lần lượt là hơn 98 tỷ đồng (khu A), hơn 138 tỷ đồng (khu B) và 186 tỷ đồng (khu C). Đáng chú ý tài sản trên đất là 12.600 cây thông lâu năm (số liệu làm tròn) được bán với giá hơn 4,8 tỉ đồng.

Hiện số tiền này, Tập đoàn FLC đã nộp cho tỉnh Gia Lai.

Nhưng không chỉ có đất rừng thông và thông cổ thụ trên đất của khu A, B, C đã được bán đấu giá. Tính tới nay đã có gần 271 ha diện tích rừng thông, chiếm gần một nửa tổng diện tích rừng còn lại của khu vực (601 ha) đã được bán đấu giá và chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất khác, bao gồm Trung tâm Hội nghị khách sạn nghỉ dưỡng, dự án sân golf Đak Đoa, và dự án khu A, B, C.

Cùng đó là hơn 77.300 cây thông lâu năm (tài sản gắn liền trên đất) đã được bán đấu giá với giá là hơn 28,340 tỷ đồng. Như vậy, tính trung bình mỗi cây thông lâu năm trên đất rừng đã được bán với giá trung bình khoảng 360 ngàn đồng/cây. Riêng với dự án sân golf Đak Đoa FLC trúng đấu giá 59.243 cây thông với giá 300.000 đồng/cây. Công ty Cổ phần Giám định và thẩm định giá Thăng Long là đơn vị định giá. Trả lời báo Tiền phong về căn cứ nào để định giá rừng thông mỗi cây giá 300.000 đồng, ông Vũ Văn Doanh - Phó Giám đốc công ty này, nói: “Chúng tôi xin bảng báo giá của các đơn vị thu mua (cây thông- PV) và tham khảo giá thị trường… rồi căn cứ vào giá cao nhất để định giá”. Ông Doanh nói thêm, việc của ông chỉ là định giá cây thông, còn ai đấu thầu, trúng giá ra sao (ông) không quan tâm. (4).

Ông Huy, một người chuyên kinh doanh các loại cây cổ thụ, cho biết đây là một giá quá rẻ so với giá thông cổ thụ được bán trên thị trường hiện nay. Theo ông Huy, thông lâu năm (hơn 50 năm) thường có giá từ 30 - 50 triệu đồng/cây. Nếu cây nào dáng bay và đẹp, giá có thể lên tới 100 triệu đồng/cây. “Để trồng, di chuyển được một cây thông khó lắm, không giỡn được”, Huy nói.

Thông trồng hơn 50 năm bị bán với giá như trên rõ ràng là quá rẻ, nhưng giá trị thông dù được bán đúng trên thị trường thì vẫn không thể so sánh được với vai trò sinh thái, môi trường vô cùng quan trọng mà khu rừng thông Đak Đoa đang đem lại cho đời sống, sinh kế của người dân vùng đất này.

Sẽ đẩy mạnh làn sóng Tây Nguyên tiếp tục bị mất rừng?

Chất lượng rừng Tây Nguyên nói chung và chất lượng rừng Gia Lai nói riêng hiện được đánh giá là thấp. Dữ liệu hiện trạng rừng toàn quốc năm 2020 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam, và báo cáo hiện trạng rừng của tỉnh Gia Lai cho thấy, Gia Lai có rừng sản xuất chiếm tới khoảng 70% tổng diện tích rừng (gồm rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng), chủ yếu là cây keo tai tượng, keo lai và bạch đàn với chu kỳ khai thác là bảy năm.

Phân tích dữ liệu từ Bộ NN&PTNT Việt Nam của chúng tôi cũng cho thấy, chỉ trong 14 năm qua (2008 - 2021), Gia Lai có diện tích rừng tự nhiên bị mất rất cao (203.509 ha), cao gần gấp 3 lần tổng diện tích rừng tỉnh này đã bị mất cùng giai đoạn (70.408 ha). (Sở dĩ có con số trái ngược này là do có diện tích rừng trồng tăng, được bù vào.)

Theo đó, tổng diện tích rừng tự nhiên bị mất của Gia Lai trong 14 năm qua đã bị mất bằng gần 30% tổng diện tích rừng tự nhiên của năm 2008.

Hay, tổng diện tích rừng tự nhiên Gia Lai đã bị mất trong 14 năm qua bằng tới gần 50% tổng diện tích rừng tự nhiên còn lại toàn tỉnh tính đến cuối năm 2021.

“Chất lượng rừng không chỉ nhìn ở trữ lượng rừng mà còn cần nhìn ở nhiều yếu tố khác, bao gồm các vai trò về môi trường, sinh thái mà một khu rừng mang lại. Rừng trồng cũng có tính phòng hộ nhưng trung bình chỉ được 40 - 50% khả năng phòng hộ của rừng tự nhiên”, GS, Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, nói.

Vì vậy, theo nhiều chuyên gia lâm nghiệp, thay vì chuyển đổi đất rừng thông Đak Đoa cho kinh doanh sân golf, biệt thự nghỉ dưỡng, việc giữ lại diện tích đất rừng này còn là góp phần tăng chất lượng rừng toàn cục. “Rừng Đak Đoa đang giữ vai trò rất quan trọng cho khu vực như bảo vệ đất, giữ nước, chống xói mòn rửa trôi, tạo sinh thái cảnh quan khu vực. Việc giữ lại rừng thông Đak Đoa và chuyển đổi nó thành rừng phòng hộ giao cộng đồng quản lý, phục vụ nhu cầu cộng đồng địa phương là hợp lý và cần thiết”, TS Trương Văn Vinh nhận định.

Nằm cách phố núi Pleiku khoảng 10km, huyện Đak Đoa từ lâu đã nổi tiếng bởi rừng thông và đồi cỏ hồng. Hơn 55% dân số ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Bahnar và Jrai. Trong ảnh: Một góc rừng thông Đak Đoa. Ảnh: Bắc Ngô

Mặt khác, vị trí rừng thông Đak Đoa chỉ cách thành phố Pleiku hơn 10 km, là một khu cảnh quan có tiềm năng cung cấp cho xã hội một không gian công cộng để người dân tới thư giãn, tận hưởng cảnh quan đẹp. Việc giữ lại và tăng giá trị thiên nhiên khoảng không gian sống nói trên có ý nghĩa không chỉ về mặt giáo dục thiên nhiên, mà còn là một dạng di sản tự nhiên mà mọi người dân địa phương, và ở các tỉnh thành khác trên đất nước Việt Nam có cơ hội thụ hưởng. “Cần nhìn rừng thông Đak Đoa là một tài sản cộng đồng cần được bảo vệ, không chỉ về mặt môi trường mà còn về mặt văn hóa, xã hội”, ThS. Nguyễn Việt Dũng, chuyên gia quản trị môi trường nói.

Trong vòng xoáy mất rừng của Gia Lai 14 năm qua, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu thời tiết cực đoan khó lường như hiện nay, dự án Khu phức hợp Đak Đoa 517 ha gây ra nhiều lo ngại.

Theo dữ liệu từ Global Forest Watch (GWF), Gia Lai là một trong 5 tỉnh (Quảng Nam, Nghệ An, Kon Tum, Quảng Ngãi, Gia Lai - thứ tự từ cao tới thấp) có diện tích rừng bị mất nhiều nhất trên cả nước giai đoạn 2008 - 2021. Gia Lai cũng là tỉnh bị mất rừng cao thứ 2 toàn vùng Tây Nguyên, sau Kon Tum.

Cũng dữ liệu từ GWF, tổng diện tích rừng Gia Lai bị mất trong vòng 14 năm qua (2008 – 2021) là 130.911 ha, cao gần gấp hai lần tổng diện tích Gia Lai đã mất cùng giai đoạn theo số liệu từ Bộ NN&PTNT (70.408 ha). Điều này có nghĩa, tính từ năm 2008, đến nay Gia Lai đã mất gần 50% tổng diện tích rừng.

Dự án sân golf - khu phức hợp Đak Đoa không phải là một trường hợp ngoại lệ trong làn sóng phát triển dự án kinh tế du lịch hiện nay của Việt Nam. Đây cũng có thể được xem là một dự án lớn đầu tiên của Tây Nguyên sẽ được xây dựng trên diện tích gần như toàn bộ là đất rừng. Sau hàng loạt dự án du lịch - bất động sản quy mô lớn được xây dựng từ đất rừng ở nhiều vùng miền Việt Nam thời gian qua, tình trạng này bắt đầu “xâm lấn” lên vùng đất Tây Nguyên.

Rừng Tây Nguyên gắn liền với đời sống người dân tộc thiểu số, có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu không chỉ cho khu vực, mà còn cho các tỉnh Duyên hải miền Trung, miền Đông Nam bộ và toàn bộ vùng hạ lưu sông MeKong.

Một góc rừng thông Đak Đoa. Ảnh: Lê Quỳnh

Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho thấy, từ là vùng có diện tích rừng lớn thứ hai trên cả nước vào năm 2008, sau 14 năm, Tây Nguyên trở thành vùng bị mất diện tích rừng nhiều nhất trên cả nước. Thống kê tỷ lệ rừng trung bình, rừng giàu tại vùng Tây Nguyên hiện còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 18% tương ứng với diện tích 0,4 triệu ha rừng.

Sau nhiều thập kỷ, rừng Tây Nguyên không chỉ đã bị suy giảm mạnh do chuyển đổi đất rừng để trồng cao su, cafe, bị lấn chiếm, chặt phá trái phép... Việc xóa sổ đất rừng, được chính quyền cho là do chất lượng rừng nghèo, để xây dựng dự án kinh doanh bất động sản - du lịch như dự án Khu phức hợp Đak Đoa là một câu chuyện thực tế báo động, có thể là tiền đề đẩy mạnh/nhanh làn sóng đầu tư phát triển kinh tế - nguy cơ mất rừng Tây Nguyên trong thời gian tới.

Lê Quỳnh

________________

* Bài viết được sự hỗ trợ của Quỹ Báo chí Rừng Nhiệt đới cùng sự hợp tác của Pulitzer Center.

Ghi chú:

(1) Điều chỉnh Quy hoạch chung Dự án Khu phức hợp Đak Đoa đến năm 2035 quy mô 517,25 ha được Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Gia Lai thông qua vào ngày 10.9.2019.

(2) Báo cáo kết quả tổng hợp kiểm kê rừng Gia Lai năm 2014. Kết quả rà soát điều chỉnh Quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 tỉnh Gia Lai, do HĐND tỉnh Gia Lai thông qua vào ngày 7.12.2017.

(3) Kết quả rà soát và điều chỉnh Quy hoạch ba loại rừng của Gia Lai đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được chỉnh sửa và HĐND tỉnh Gia Lai thông qua vào ngày 10.8.2021.

(4) https://tienphong.vn/ky-la-ve-hon-1400-so-do-tai-du-an-san-golf-nghin-ty-flc-post1470330.tpo

Nguồn dữ liệu từ Global Forest Watch: https://docs.google.com/spreadsheets/d/1CuCeXa4ddxXKGDm63xDlhI0HWLCF41AQ5wWrrV9jHqQ/edit#gid=635503211. Global Forest Watch là một nền tảng trực tuyến cung cấp dữ liệu và công cụ để giám sát diện tích rừng đang thay đổi trên toàn thế giới. Nền tảng này là sáng kiến của Viện Tài nguyên Thế giới (World Resources Institute), các đối tác bao gồm Google, USAID, Đại học Maryland, Esri, Vizzuality, và nhiều tổ chức học thuật, phi lợi nhuận, công và tư khác. Đối với số liệu trong bài này, chúng tôi lấy giá trị có độ che phủ rừng (canopy cover) từ 30%.

Dữ liệu của Bộ NN&PTNT Việt Nam, từ Tổng cục Thống kê Việt Nam: https://www.gso.gov.vn/en/px-web/?pxid=E0641&theme=Agriculture%2C%20Forestry%20and%20Fishing

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tro-lai-du-an-san-golf-dak-doa-rung-tan-nuoc-can-37070.html