Trở lại đề xuất tiết kiệm hàng trăm tỷ chống hạn mỗi năm

Trong bối cảnh hạn hán liên tục hoành hành gây khó cho SXNN, nhiều địa phương trong vùng Nam Trung bộ đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kép.

Đề xuất được Thủ tướng chú ý

Ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết trong khu vực Nam Trung bộ ngày càng trở nên “đỏng đảnh”, diễn biến bất thường. 2020, ngay từ đầu năm hạn hán đã xảy ra và kéo dài từ vụ hè thu đến vụ mùa, nhiều địa phương suốt 6-7 tháng trời không mưa. Một số diện tích đất lúa vụ hè thu ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Ninh Thuận và Phú Yên phải dừng sản xuất hoặc kéo giãn thời vụ gieo trồng.

 Mô hình chuyển đổi đất lúa thiếu nước vụ hè thu sang trồng ngô sinh khối tại xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mô hình chuyển đổi đất lúa thiếu nước vụ hè thu sang trồng ngô sinh khối tại xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp (KHKTNN) Duyên hải Nam Trung bộ, nền nhiệt độ tăng cao dẫn tới ảnh hưởng xấu đến khả năng thụ phấn, thụ tinh của cây trồng, nhất là giai đoạn ra hoa. Thường khi nền nhiệt độ tăng cao thì côn trùng gây hại có cơ hội phát triển, nhất là bọ xít và rầy.

Thêm vào đó, nắng nóng cao độ đã khiến lượng bốc thoát hơi nước tăng lên, khiến dung tích các hồ chứa, lưu vực giảm mạnh. Bên cạnh đó, lượng bốc thoát hơi nước của cây trồng cũng rất cao khiến nhu cầu tưới tăng theo, dẫn đến nguồn nước tưới thiếu hụt.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT thăm mô hình chuyển đổi đất lúa thiếu nước vụ hè thu sang trồng lạc tại xã Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Tuy nhiên, khí hậu khô nóng cũng tạo ra nhiều mặt tích cực cho cây trồng. Ví như nắng nóng kéo dài sẽ hạn chế cho cây trồng bị bệnh hại do nấm và virus gây ra, bởi không khí không có độ ẩm nên chúng mất đi cơ hội phát triển. Nắng càng to thì độ bức xạ càng lớn, dẫn tới năng suất các loại cây trồng tăng lên và mùa vụ được rút ngắn lại. Trong điều kiện này, ở những vùng có điều kiện đủ nước tưới bà con có thể tăng mùa vụ cây trồng”, TS Hồ Huy Cường cho hay.

Trước thực tế trên, TS Hồ Huy Cường đã đề xuất trên Báo Nông nghiệp Việt Nam những giải pháp để SXNN trong vùng Nam Trung bộ có thể chung sống với hạn hán, bớt tiêu tốn hàng trăm tỷ kinh phí chống hạn mỗi năm. Đề xuất đã được Thủ tướng chú ý, có văn bản giao ngành chức năng nghiên cứu, áp dụng.

Theo TS Hồ Huy Cường, SXNN trong vùng Nam Trung bộ có thể tận dụng cường độ ánh sáng, sâu bệnh hại ít và mùa vụ cây trồng có thể rút ngắn để chuyển đổi từ những loại cây trồng sử dụng nhiều nước, đặc biệt là lúa sang trồng các loại cây trồng cạn. Công cuộc chuyển đổi không chỉ khu biệt các loại cây trồng cạn mà được mở rộng đến cây ăn quả. Bởi, cây ăn quả ở vùng Nam Trung bộ có nhiều lợi thế, mùa mưa ở Nam Trung bộ trái với mùa mưa ở các vùng trồng cây ăn quả trọng điểm ở Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và miền Bắc. Bởi đó, thời điểm thu hoạch cây ăn quả ở Nam Trung bộ trái vụ tự nhiên với các vùng trồng cây ăn quả trên cả nước. Do đó, khi nông dân thu quả thì các vùng trồng cây ăn quả khác đã cạn mùa hoặc chưa tới vụ, tránh được sự cạnh tranh trong khâu tiêu thụ.

Chuyển đổi trồng ớt lợi nhuận 100 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa 84 triệu đồng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Những vùng sản xuất lúa chỉ chủ động được từ 40-60% nước tưới so với nhu cầu, chủ yếu trên chân cao và chân vàn trong khu vực Nam Trung bộ cần kíp phải chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn. Đối tượng cây trồng chuyển đổi thì tùy thực tế mà các địa phương chọn giữa những cây đậu phộng, mè, ngô và đậu xanh. Các địa phương cần chủ động trong việc bố trí sản xuất trong những vụ hè thu, vùng nào nên tiếp tục sản xuất lúa, vùng nào cần phải chuyển đổi sang cây trồng cạn thì chuyển, có như vậy thiệt hại về hạn hán trong những vụ hè thu ở khu vực Nam Trung bộ sẽ được giảm thiểu đến mức thấp nhất”, TS Hồ Huy Cường nói.

Chuyển đổi mạnh mẽ

Theo Cục Trồng trọt, trong những năm qua, công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vùng Nam Trung bộ ngày càng mạnh mẽ. Theo thống kê của các địa phương, diện tích chuyển đổi trong vùng mỗi năm đạt trên 10.000ha và ngày càng tăng cao, chủ yếu là chuyển đổi trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn như ngô, lạc, vừng, rau màu các loại và một số diện tích chuyển sang các loại cây ăn quả. “Nếu như năm 2018 các địa phương trong vùng Nam Trung bộ chuyển đổi được trên 10.000ha thì năm 2019 tăng lên trên 12.000ha, trong năm 2020 diện tích chuyển đổi còn cao hơn nữa”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho hay.

Chuyển đổi trồng bưởi da xanh lợi nhuận 260 triệu đồng/ha. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, các loại cây trồng chuyển đổi trên đất lúa đều cho thấy hiệu quả đạt cao hơn gấp nhiều lần cây lúa, kể cả nhóm cây ngắn ngày và cây dài ngày, trong đó cây dài ngày có hiệu quả kinh tế rất cao.

Đối với cây hằng năm như cây lạc lợi nhuận 35 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa 20 triệu đồng; cây vừng lợi nhuận đạt 40 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa 23 triệu đồng; cây ớt lợi nhuận 100 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa 84 triệu đồng; cây rau lợi nhuận 88 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa 72 triệu đồng; cây đậu lợi nhuận 27 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa 10 triệu đồng.

“Riêng cây ăn quả cho lợi nhuận rất cao, đây là hướng chuyển đổi rất bền vững. Ví như cây bưởi da xanh lợi nhuận 260 triệu đồng/ha; xoài Úc lợi nhuận 240 triệu đồng/ha; thanh long lợi nhuận 540 triệu đồng/ha...”, ông Tùng khẳng định.

Chuyển đổi trồng thanh long lợi nhuận 540 triệu đồng/ha. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, tuy gặp khó khăn về thời tiết, nhưng trong năm 2020, nhờ các địa phương chủ động chuyển đổi cây trồng nên ngành trồng trọt đã đạt được nhiều thành quả. “Trong thời gian qua, khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đặc biệt khu vực Nam Trung bộ, chúng tôi đánh giá việc chuyển đổi rất thành công. Năm vừa qua khu vực này đã chuyển đổi được 21.000ha diện tích sản xuất lúa bấp bênh sang các loại cây trồng cạn. Việc chuyển đổi rất đa dạng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương và có đầu ra ổn định”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá.

Hiệu quả của công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là tín hiệu tốt để các địa phương trong khu vực Nam Trung bộ phát huy, đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng trong thời gian tới. Để công cuộc chuyển đổi lan tỏa, theo Cục Trồng trọt, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác. Lựa chọn các giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng vùng, khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt.

Giống lúa An Sinh 1399 của Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ chống chịu tốt các loại sâu bệnh hại, gạo phù hợp chế biến bún bánh. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Chuyển từ trồng lúa sang cây trồng cạn ngoài hiệu quả kinh tế cho cao hơn, còn giảm được áp lực về nước tưới. Lượng nước tưới cho 1ha lúa có thể tưới cho từ 2-4ha cây trồng cạn tùy loại. Ví như lượng nước tưới cho 1ha lúa có thể tưới được cho 2ha ngô, 4ha vừng hoặc đậu xanh. Để đối phó với hạn hán, cơ cấu giống lúa cũng cần phải chuyển từ giống dài ngày sang giống ngắn ngày để hạn chế thời gian cây lúa đứng trên đồng. Riêng về phân khúc gạo chế biến trong khu vực, Viện chúng tôi đã chuẩn bị các bộ giống lúa phục vụ chế biến có chất lượng gạo trung bình, chống chịu được các loại sâu bệnh hại như An Sinh 1399, sắp tới cho ra thêm giống BĐR 57 và BĐR 999. Về cây trồng cạn chúng tôi đã có giống LDH 01 và LDH 09”, TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ.

Vũ Đình Thung

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tro-lai-de-xuat-tiet-kiem-hang-tram-ty-chong-han-moi-nam-d280373.html