Trở lại chiến trường xưa

Cùng hành trình với nhà văn Hoàng Dự, ngoài tôi (Châu La Việt, tức hạ sỹ Lê Khánh Hoài những năm chiến tranh) còn có cựu chiến binh Bùi Phó Vĩnh.

 Bia đá đánh dấu di tích lịch sử ở Bù Gia Mập.

Bia đá đánh dấu di tích lịch sử ở Bù Gia Mập.

Anh là đại tá, nguyên Sư đoàn phó phụ trách công tác chính trị một sư đoàn của quân đội, nay là Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cựu chiến binh Bình Phước.

Bùi Phó Vĩnh người quê Thái Bình, những năm chiến tranh chiến đấu tại chiến trường khu Năm, đã có thời gian ngoài tay súng còn thêm vị trí một tay kèn trong đoàn Quân nhạc, và sau này làm công tác chính trị, nhiều năm là Chính ủy sư đoàn.

Cuộc đời người lính này là hết sức thú vị, mà có dịp tôi sẽ kể lại, nhất là về cụ thân sinh của anh, cụ Bùi Phó Phô, cũng là một người lính chiến trường những năm đánh Mỹ, có đận cha con gặp nhau trên đường ra trận, người lính già chỉ kịp dúi cho con mình, là một người lính trẻ cũng đang trên đường hành quân, một viên đường để ngậm lấy sức vượt Trường Sơn…

Bù Đốp, Bù Gia Mập (Bình Phước) là chiến trường xưa của anh lính xe tăng Hoàng Dự, cũng là bến đỗ hôm nay của đại tá Bùi Phó Vĩnh, nên anh hăng hái tham gia chuyến đi này với chúng tôi. Trong ba cựu chiến binh, rõ anh là người “oách” nhất với quân hàm đại tá, nghĩa là hơn chúng tôi nhiều lắm, nhưng do ít tuổi hơn, nên anh vẫn gọi chuẩn úy Dự và hạ sỹ Hoài là anh xưng em ngọt xớt.

Tôi và Hoàng Dự thuộc thế hệ lính sinh viên, theo lời Tổ quốc tình nguyện lên đường đi chiến đấu, Hoàng Dự chiến trường miền Đông Nam bộ và tôi chiến trường Lào. Khi hoàn thành nhiệm vụ lại trở về giảng đường đại học học tiếp, và mãi mãi là “những binh nhất binh nhì tuổi đôi mươi”...

Bởi là thổ địa ở đây, nên bờ bụi nào, cánh rừng nào, Bùi Phó Vĩnh cũng đều thuộc như lòng bàn tay, có thể nhắm mắt dẫn chúng tôi đến bất cứ nơi nao năm xưa Dự từng đào hầm giấu tăng, nơi nào là nơi tăng của đơn vị anh xuất kích tiến về giải phóng Sài Gòn.

Đã tưởng “đâu đánh giặc nơi ấy là quê hương”, cánh rừng dòng suối… thuộc hơn cả ngõ quê nhà mình, nhưng giờ đây anh lính xe tăng Hoàng Dự lại cứ phải lần theo chính ủy sư đoàn Bùi Phó Vĩnh mới tìm ra được nơi chốn năm xưa, là bởi bao năm rồi, “thế gian biến cải vũng nên đồi”, mà Vĩnh lại đã trở thành thổ công ở đây…

…Tôi nhớ quãng năm 2004, nhà báo Hoàng Dự bất giác nổi tiếng bởi bộ tiểu thuyết Đường đời, viết về số phận chông gai của một cựu chiến binh hòa bình trở về xuôi bắc ngược nam để làm một Lang y. Tiểu thuyết có tiếng vang, lập tức được đài truyền hình Việt Nam xây dựng thành bộ phim truyền hình 25 tập, phát lên sóng làm người xem hết sức thích thú. Đồng thời nhiều anh em văn chương chữ nghĩa khuyên Hoàng Dự nên viết đơn xin vào Hội nhà văn Việt Nam. Nghe bùi tai, Hoàng Dự OK liền.

Vậy nên giờ đây sau 15 năm, ông hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từng làm Tổng Biên tập báo Thanh niên Thời đại, rồi Tổng Biên tập báo Thể thao Việt Nam ngày ấy, lại trở thành Tổng Biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật, cơ quan của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam…

Nhưng ngặt một nỗi muốn trở thành Hội viên Hội nhà văn Việt Nam lúc ấy, phải có ít nhất là hai tác phẩm văn học đã in, mà Hoàng Dự mới “trần xì” chỉ có bộ tiểu thuyết “Đường đời” và một hai truyện ngắn còn cất trong ngăn kéo.

Cũng dịp ấy tôi từ TPHCM ra Hà Nội, vốn thân thiết với anh, liền thuê ngay một căn phòng sát bên phòng tôi ở trong một khách sạn mini, “bắt” Hoàng Dự bỏ nhà bỏ cửa, cứ tan việc về là lên ngay phòng này, liền một tuần đóng chặt cửa phòng để “cày” bằng xong thêm 7 truyện ngắn nữa, nghĩa là mỗi đêm phải viết cho xong một truyện, đủ thành một tập truyện ngắn để in gấp ở Nhà buất bản Văn Học…

Ngày ấy, Hoàng Dự cứ buông bút xong truyện ngắn nào là tôi lại nghiến ngấu đọc ngay truyện ấy. Văn của Dự bay, đẹp và có tình. Tôi bắt đầu bắt gặp những Bù Đốp, Bù Đăng, Bù Gia Mập… của Phước Long cũng từ ngày ấy qua mỗi trang văn của anh.

Anh đắm đuối viết về con người và mảnh đất này, vì đây là chiến trường xưa của anh, với bao mùa lá đỏ, bao mùa cao su thay lá, với tuổi trẻ lửa đạn, người sống người chết, giờ hiển hiện thành chữ thành nghĩa trong mỗi trang văn. Những cánh rừng xưa, chiến trường xưa, những đồng đội đã không còn nữa, và những người đang sống với trách nhiệm hôm nay hiện lên rất đậm nét trong tập truyện của anh, được mang tên “Sống cho người đã chết”, và lại một lần nữa Nhà Xuất bản Văn học in tắp lự ngay sau đó.

Năm sau, năm 2005, Hoàng Dự đủ tiêu chuẩn được đứng vào đội ngũ các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Và rồi sau 15 năm “bôn ba” qua nhiều cơ quan báo chí, hôm nay, khi trở về với mái nhà của Văn học nghệ thuật trên cương vị Tổng Biên tập tờ Thời báo của Liên hiệp, chuyến công du đầu tiên của anh ở cương vị mới là trở về chiến trường xưa. Tôi đồ rằng anh vẫn đang ấp ủ những tác phẩm văn học mới viết về mảnh đất này…

Đã gặp đất, đã gặp rừng, đã gặp cao su đang mùa thay lá… nhưng còn đồng đội nữa chứ nhỉ? Vậy là Bùi Phó Vĩnh đưa chúng tôi đến với những cựu chiến binh đồng trang lứa chúng tôi hiện đã chọn mảnh đất này làm “đất lành chim đậu” của đời mình…

Ngay từ những phút giao lưu đầu tiên, Hoàng Dự đã gặp ngay nhân vật trong tiểu thuyết tương lai của minh - một cựu chiến binh xưa chiến đấu ở mảnh đất này, là một thương binh 4/4 đi qua cuộc chiến tranh. Đó là chị Nguyễn Thị Hồng Tươi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh doanh nhân Bình Phước. Và cũng là đồng hương Nam Định cùng Hoàng Dự, người quê Vụ Bản và người quê Ý Yên. Bởi hơn nhau vài ba tuổi, nên chị và nhà văn gọi nhau là chị chị em em ngọt lịm.

Chị cùng chồng mình, cựu chiến binh Phạm Công Trường, đã dẫn chúng tôi vào cánh rừng nơi anh chị cùng những cựu chiến binh đang canh giữ, khề khà uống rượu và kể về những năm tháng đời lính thăng trầm của mình, cùng sự nghiệp canh giữ rừng có cả máu đã đổ mà anh chị là cánh chim đầu đàn cùng các cựu chiến binh đang tình nguyện gánh vác hôm nay.

Chuyện hết sức lôi cuốn và xúc động, khiến người lính Hoàng Dự năm xưa từng chiến đấu ở đây, thầm hiểu rằng cuộc chiến đấu nơi này vẫn chưa chấm dứt để giữ cho xanh mãi những cánh rừng, và tác giả của tiểu thuyết “Đường đời” chợt nhận ra rằng còn một cuốn tiểu thuyết mới của anh cũng đang sắp bắt đầu, và nhân vật chính chẳng là ai khác mà là chính đôi vợ chồng người cựu chiến binh này…

Với riêng tôi, thú thật đêm ấy tôi cũng không ngủ được. Dù chỉ là kẻ “tháp tùng” người lính xe tăng năm xưa trở lại mảnh đất anh đã từng gắn bó cả trong cuộc sống và trang viết, nhưng ngay khi gặp mặt, và tiếp đó là qua những câu chuyện của chị Chủ tịch cựu chiến binh doanh nhân Bình Phước, tôi đã ngờ ngợ nhận ra chị là người cùng sư đoàn với tôi năm xưa.

Và đúng là có duyên khi chị cũng đã xác nhận với tôi điều này. Buổi đầu nhập ngũ, chị Tươi cũng là lính sư đoàn 320B Quân khu hữu ngạn, nghĩa là quân của ông Tô Ký, mấy tháng giời “ăn no vác nặng”, tập bắn súng ném lựu đạn… để rèn luyện chuẩn bị vào chiến trường chiến đấu…

Sức sống hôm nay ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Năm 1969, tôi lên đường nhập ngũ và được phiên chế vào sư đoàn 320B đóng ở Nho Quan - Gia Viễn - Ninh Bình để ăn tập, chuẩn bị lên đường vượt Trường Sơn “Đá mòn mà đôi gót không mòn”. Có một đêm trăng, đại đội chúng tôi bao gồm những thằng lính Hà Nội, đã được giao lưu với một đại đội bao gồm các cô gái tuổi 17, 18 quê Hà Nam, Nam Định cũng mới lên đường nhập ngũ và được đưa về sư đoàn huấn luyện. Sân kho hợp tác đêm ấy trăng vàng mênh mông, bên trai bên gái cùng sắc áo lính, hát hò ầm ĩ.

Ngồi bên tôi là một em xinh lắm, mắt sáng ngời và nụ cười rất tươi. Những đồng đội của tôi đương nhiên thấy một em xinh đẹp như vậy, không thể không đến xin làm quen: “Em tên là gì? Quê em ở đâu?”. Cô gái bẽn lẽn đáp quê ở Nam Định, cũng mới nhập ngũ cùng bạn bè, và tên là Hồng Tươi... Lũ lính tráng tếu táo tiếp: “Ôi xời, đã Hồng lại còn Tươi. Em tranh hết phần tươi đẹp của các chị em rồi”…

Đáng tiếc rằng sau đêm trăng giao lưu ấy, chúng tôi đã không có dịp gặp lại Hồng Tươi và các cô gái này lần nào nữa. Bởi chiến trường kêu gọi, chỉ ít ngày sau chúng tôi lên đường bổ sung cho chiến trường Lào trong binh chủng cao xạ pháo, thay vì là lính bộ binh Mặt trận Tây Nguyên như dự định. Còn nghe nói Hồng Tươi và các bạn của em cũng lên đường vượt Trường Sơn một thời gian ngắn sau đó, trong một binh chủng rất đặc biệt của quân đội.

Vâng, và trong đêm ấy, với những xúc động của những năm xưa dội về, tôi ngồi viết một bài thơ về em, bằng cảm xúc từ cái đêm trăng năm xưa xa mờ nơi mảnh đất Nho Quan nhiều lưu luyến, và cuộc gặp gỡ đầy xúc động sau 50 năm trong những cánh rừng Mã Đà thâm nghiêm này. Có một linh cảm nào đó khiến tôi tịn chắc rằng cô gái Hồng Tươi ngồi bên tôi ngày ấy chính là em bây giờ, một đồng đội của tôi…

Bài thơ ấy như sau: “Em người lính năm xưa cùng sư đoàn/ Một chiều Nho Quan cùng đứng trong đội ngũ/ Mái tóc ngang vai, em như bông hoa rực rỡ/ Cô gái Thành Nam đi vào cuộc chiến tranh/ Em người lính năm xưa cùng sư đoàn/ Những tháng năm đi vào nơi lửa đạn/ Người nhỏ nhắn mà xiết bao dũng cảm/ Vẫn hồng tươi như một đóa hoa rừng/

Chiến tranh đi qua đã bao tháng năm/ Mà vết thương trong mình còn nhức nhối/ Có tình yêu của một người đồng đội/ Cùng chiến trường về sưởi ấm cuộc đời em/ Năm tháng trôi qua anh vẫn đi tìm/ Cô gái thành Nam năm xưa đi cứu nước/

Cô gái thành Nam cùng sư đoàn thuở trước/ Em về đâu, yên ấm mái nhà nào? Bất ngờ làm sao, kỳ diệu làm sao/ Rừng chiến khu D hôm nay anh bỗng gặp/ Em vẫn như xưa dù thời gian ngả màu trên mái tóc/ Áo lính bạc màu lấp lánh tấm huân chương…./

Năm xưa đôi chân vượt Trường Sơn/ Năm nay em lặn lội đi giữ rừng/ Ôi “biển bạc rừng vàng” của đất nước/ Cây di sản cao vút giữa tầng không…/ Chim hãy hót vang hơn suối hãy chảy mạnh hơn/ Hát về em người lính năm xưa bông hoa màu quân phục/ Hôm nay đi giữ rừng cho đất nước/ Rừng chiến khu Đ Bình Phước mãi màu xanh/ Trên ngọn lá kia những hạt sương long lanh/ Vẫn đọng bóng hình em xanh màu áo lính/ Như tuổi 19 em đi ra trận/ Bởi hôm nay em là cựu chiến binh/

Tân Hòa Đồng Phú những cánh rừng tươi xanh/ Chiến khu Đ rừng của bao huyền thoại/ Có đồng đội của tôi đang chiến đấu giữ rừng/ Và ươm lên màu hy vọng sáng bừng…”.

CHÂU LA VIỆT

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tro-lai-chien-truong-xua-d291884.html