Trợ giúp xã hội cho những người lầm lỡ

Để tăng cường hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, trong đó tập trung cho các hoạt động phòng ngừa ngay tại cộng đồng, năm 2019 Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) tỉnh đã triển khai thí điểm 3 mô hình hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội.

Mặc dù thời gian qua hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, không có tụ điểm nóng gây bức xúc, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, nhằm trốn tránh các lực lượng chức năng. Theo số liệu của lực lượng chức năng, đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 3.083 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; trong đó, 72 cơ sở nghi vấn có hoạt động mại dâm; có 159 đối tượng nghi hoạt động mại dâm (gồm: 38 chủ chứa, 12 môi giới, 109 gái bán dâm).

Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh kiểm tra một cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP Hạ Long.

Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh kiểm tra một cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP Hạ Long.

Trước tình hình đó, ngoài việc đấu tranh trấn áp, đẩy lùi, Quảng Ninh chú trọng vào các biện pháp can thiệp giảm tác hại. Rất nhiều mô hình đã được triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả không nhỏ trong công tác phòng, chống mại dâm.

Như mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới” tại Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí. Tính đến nay mô hình đã tiếp cận, cung cấp thông tin giảm hại, tư vấn cho 1.800 lượt người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự dễ bị phát sinh tệ nạn mại dâm các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, hành vi tình dục an toàn. Đồng thời tập huấn nâng cao năng lực làm việc theo nhóm, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết trong hoạt động tiếp cận, giảm hại cho 46 thành viên ban chủ nhiệm, thành viên nòng cốt, thành viên thuộc các nhóm mạng lưới liên kết của các nhóm đồng đẳng tham gia mô hình.

Mô hình “Cung cấp dịch vụ cho người bán dâm tại cộng đồng” đã ký kết hợp đồng với 1 luật sư, khảo sát ký kết chương trình phối hợp với 1 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ phù hợp, thân thiện cho nhóm khách hàng; xây dựng phương án, khảo sát nhu cầu học nghề cho người bán dâm. Đặc biệt, thành viên Ban chủ nhiệm, nhóm nòng cốt đã tiếp cận được trên 500 lượt người bán dâm, nghi bán dâm trên địa bàn TP Hạ Long; tư vấn, hỗ trợ về pháp lý cho 30 lượt người.

Đối với mô hình “Đảm bảo quyền của người lao động (người bán dâm)” trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn TP Hạ Long đã tiếp cận, tư vấn về quyền của người lao động cho 550 lượt người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Hội thảo cung cấp dịch vụ hỗ trợ giảm hại cho người bán dâm. Ảnh: Thanh Huệ (Chi cục PCTNXH tỉnh).

Thông qua các mô hình thí điểm, đã thực hiện khảo sát, tư vấn cho trên 100 lượt người bán dâm, người có nguy cơ cao bán dâm và tổng hợp nhu cầu học nghề của họ. Theo đó có 31 người đăng ký, chủ yếu tập trung ở các nghề may; làm móng, tóc, nối mi; cắm hoa; nấu ăn; pha chế. Không chỉ vậy, các nhóm đã chủ động liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, kết nối cùng các mạng lưới xã hội khác (mạng lưới người nghiện chích ma túy, người nhiễm HIV, người có hành vi tình dục đồng tính) để tiếp cận, tư vấn, giới thiệu 80 lượt chị em tham gia hoạt động tập huấn vận động chính sách, kỹ thuật tiếp cận, kiến thức liên quan đến bệnh lây truyền qua đường tình dục, xét nghiệm phát hiện HIV bằng phương thức lấy máu từ đầu ngón tay...

Chị Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng nhóm CLB Hạ Long Xanh, cho biết: CLB của chúng tôi hiện có 7 thành viên. Hằng tháng các thành viên tiếp cận các quán dễ phát sinh tệ nạn mại dâm để phát bao cao su; tuyên truyền các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Các thành viên trong CLB đều là những tuyên truyền viên tích cực nhất về phòng chống tệ nạn mại dâm, trực tiếp tiếp xúc với các đối tượng có nguy cơ liên quan đến hoạt động mại dâm để định hướng, giúp đỡ họ tránh đi vào con đường tệ nạn xã hội.

Có thể thấy, việc triển khai các mô hình thí điểm bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho người bán dâm được dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ can thiệp dự phòng, khám và điều trị HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, giúp đỡ họ giảm các tổn thương do bị lừa gạt, bạo lực, bóc lột tình dục và hỗ trợ họ thay đổi nghề nghiệp, từng bước ổn định cuộc sống.

Thu Trang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201909/tro-giup-xa-hoi-cho-nhung-nguoi-lam-lo-2453515/