Trợ giúp thân nhân hoàn thiện hồ sơ, điều chỉnh thông tin mộ liệt sĩ

Ngày 19-7, tại Hà Nội, Trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN), thuộc Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam, tổ chức tọa đàm 'Công tác trợ giúp pháp lý trong hoàn thiện hồ sơ kiến nghị điều chỉnh thông tin mộ liệt sĩ'.

Đại diện nhiều tổ chức xã hội, thân nhân các liệt sĩ đã thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong việc cùng với MARIN vận dụng Luật Trợ giúp pháp lý trong công tác trợ giúp, tư vấn kiến nghị điều chỉnh thông tin mộ liệt sĩ theo Đề án 150 của Chính phủ và vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong công tác trợ giúp cho đối tượng là thân nhân liệt sĩ.

Hiện tại còn rất nhiều thân nhân liệt sĩ không nhận được thông tin đầy đủ về phần mộ của liệt sĩ, thông tin trên nhiều bia mộ còn chưa chính xác. Hiện tượng các gia đình liệt sĩ dùng phương pháp ngoại cảm để tìm mộ và tự ý cất bốc cũng làm cho thông tin thêm rối loạn. Phương pháp xác minh hiện đại bằng ADN cũng chỉ có tác dụng trong một giới hạn kỹ thuật cho phép. Việc được biết đầy đủ, chính xác (tới mức có thể) về thông tin của các liệt sĩ vừa là quyền, vừa là tình cảm, là đạo lý dân tộc nhưng việc đáp ứng của các cơ quan chức năng đến nay còn chưa thỏa mãn các yêu cầu. Công việc này còn cần được tiếp tục tiến hành.

Từ cuối năm 2013, MARIN đã thực hiện thí điểm thành công dự án trợ giúp pháp lý, kiến nghị bổ sung thông tin còn thiếu của 24 phần mộ (chỉ có họ tên và thiếu toàn bộ các thông tin khác) tại Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 (Quảng Trị). Kết quả của dự án thí điểm được mở rộng. Đến tháng 7-2014 đã có thêm 500 phần mộ liệt sĩ được kiến nghị bổ sung, điều chỉnh thông tin.

Từ tháng 8-2014 đến nay, MARIN thực hiện Dự án “Trợ giúp pháp lý trong việc điều chỉnh, bổ sung thông tin bia mộ liệt sĩ theo phương pháp thực chứng tại nghĩa trang liệt sĩ” theo thỏa thuận hợp tác với Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng. Trung tâm đã thực hiện việc khớp dữ liệu của 3567 phần mộ tại 26 tỉnh quản lý mộ. Hiện nay đã thực hiện kiến nghị điều chỉnh xong 623 phần mộ. Quảng Trị và Quảng Nam là hai tỉnh đầu tiên triển khai thực hiện Dự án. Các sở, ban ngành ở các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi khi tiếp nhận và xử lý những kiến nghị từ MARIN. Thanh Hóa và Nghệ An cũng là hai tỉnh phối hợp chặt chẽ với MARIN trong việc xác minh thông tin liệt sĩ tại địa phương. Ngoài Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thì Bộ CHQS của các tỉnh cũng thực hiện tốt công tác phối hợp để cung cấp Trích lục quân nhân khi có đề nghị cung cấp. Sự phối hợp nhiệt tình của các tình nguyện viên tại Trung tâm Tình nguyện quốc gia của Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam khi tiến hành xác minh thông tin và làm việc trực tiếp với các gia đình liệt sĩ từng xã, phường được triển khai đồng bộ cũng giúp cho việc xác minh, điều chỉnh thông tin của MARIN được nhanh chóng và chính xác.

Chị Ngô Thúy Hằng, sáng lập viên của MARIN, người đã nhiều năm kiên trì trợ giúp các gia đình tìm kiếm, xác minh thông tin liệt sĩ cho biết: “Trong tương lai MARIN sẽ có kiến nghị Đảng và Nhà nước nhìn nhận vai trò và tạo cơ chế để các tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động tốt hơn trong việc hỗ trợ gia đình các liệt sĩ tìm kiếm và điều chỉnh thông tin (nếu cần thiết). Quy trình xác minh thông tin bằng phương pháp “Thực chứng” cũng cần thống nhất để có quy chuẩn khi thực hiện. MARIN cũng mong Bộ tư pháp có kế hoạch phổ biến rộng rãi Luật Trợ giúp pháp lý tới nhóm đối tượng là thân nhân liệt sĩ và các cơ quan ban ngành có liên quan đến như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng…”

VƯƠNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40926202-tro-giup-than-nhan-hoan-thien-ho-so-dieu-chinh-thong-tin-mo-liet-si.html