Trò đùa dai với cái đẹp đàn bà

Những ai từng xem bộ phim truyền hình nổi tiếng Friends, hẳn sẽ nhớ cô nàng Monica Geller từng có một thời ục ịch như thế nào. Nàng Monica béo chính là hình ảnh đại diện cho quan điểm của người Mỹ nói riêng và xã hội nói chung quan điểm về cái đẹp đàn bà. Một sự chế giễu khủng khiếp vẫn khiến người ta ngoạc miệng ra cười qua hàng chục năm, trong đó có cả chính các chị em phái nữ.

Ảnh: The Atlantic

Cô nàng Monica mập mạp ấy có giọng nói the thé, dáng đi lạch bạch, làm gì cũng vụng. Phẩm giá của cô được định nghĩa bằng ngoại hình của cô. Bẽn lẽn, ấu trĩ, khờ dại… đó là những từ thường đi kèm với các nhân vật có thân hình đồ sộ.

Hay nói cách khác, thẩm mỹ thất bại đồng nghĩa với đạo đức rối ren.

Friends ra đời từ năm 1994 (kéo dài đến năm 2004), trước cả khi “hình ảnh cơ thể chân thực” tràn ngập các tạp chí, blog, Instagram, Facebook, trước khi Dove cố gắng lấy lại thân hình quả lê bằng khẩu hiệu “vẻ đẹp đích thực”. Tuy nhiên, những gì bộ phim phản ánh khi ấy vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay. Cứ mỗi khi Monica mập, hay một nhân vật đồ sộ nào khác, nhai nhồm nhoàm chiếc bánh pizza, khán giả cười mỉa mai, khuôn mặt nhăn nhó khinh thường, một bằng chứng rõ rệt về sự lăng mạ “bất thành văn”.

Bốn năm trước khi Friends ra đời, Naomi Wolf đã viết cuốn The Beauty Myth, ám chỉ người đời coi làm đẹp là nhiệm vụ của người phụ nữ. Giờ nó đã có phần hai. Heather Widdows, giáo sư triết học tại đại học Birmingham (Anh), bình luận: Cuốn sách ấy phản ánh thực tế rằng con người vẫn “trông mặt mà bắt hình dong”, đưa người làm đẹp thành công trở thành tượng đài đạo đức, trong khi người thất bại là một sản phẩm hỏng của tạo hóa.

Courteney Cox vai Monica Geller thời còn mập mạp trong phim truyền hình sitcom Friends

Mẫu hình lý tưởng thực ra không chỉ áp dụng cho phụ nữ, nhưng chịu ảnh hưởng rõ nét nhất chính là nhóm vẫn được xung tụng là “phái đẹp” này. Từ đẹp trong tiếng Anh là beautiful có gốc từ tiếng Latinh là bene, tức là tốt. Và ngay cả trong tiếng Việt, từ tốt cũng hay sánh vai với đẹp. Thương hiệu L’Oreal khi quảng cáo kem chống nhăn – vốn là “hệ quả” của nụ cười, ánh nắng mặt trời và cuộc sống – bằng khẩu hiệu: Bởi vì bạn xứng đáng!

Thứ logic đó không chỉ áp dụng cho chất lượng tài sản của một người, mà còn cả chất lượng vẻ đẹp. Con người hiện đại ngày càng có nhiều cách hơn bao giờ hết để kiểm soát mức độ hấp dẫn của mình, từ đồ trang điểm đến quần “bóp dáng” Spanx, từ thuốc nhuộm để từ bỏ gốc gác của mình cho đến những mảnh nhựa phẫu thuật mang lại cho con người một diện mạo hoàn toàn chẳng phải của mình. Những thứ đó có thể mang ý nghĩa tích cực (trang điểm thể hiện cá tính, chăm sóc da là yêu thương bản thân). Nhưng cũng là sự ám ảnh. Nó có nghĩa là con người có thể dùng tiền mua vẻ đẹp, vốn là được quyền của cơ thể sinh học. Vẻ đẹp chứa đựng đầy mâu thuẫn. Nó là món quà của may mắn, là biến cố ngẫu nhiên của sự sắp xếp nguyên tử, đến sản phẩm của sự lao động tận tụy. Từ đó, vẻ đẹp “tiến hóa” thành bình phẩm đạo đức.

Tất nhiên cũng chẳng công bằng nếu phê phán người ta cái tội “đẹp”, như câu hồng nhan họa thủy chẳng hạn. Béo, theo khoa học, cũng không phải biểu hiện tốt về mặt sức khỏe. Làm đẹp là nhu cầu, có gì sai?

Nhưng vẻ đẹp không nên trở thành yếu tố để đánh giá về con người. Nhưng logic “đẹp là tốt” đã xuất hiện nhan nhản trên các quảng cáo, âm nhạc, chương trình truyền hình, và càng trầm trọng dưới thời đại của selfie, “show” hình.

Trong phong trào nữ quyền nở rộ, người ta cố định nghĩa lại vẻ đẹp. Chẳng hạn trong bộ phim I Feel Pretty với nữ chính do Amy Schumer, một diễn viên có thân hình mũm mĩm, thủ vai. Đạo diễn Abby Kohn và Marc Silverstein đã cố gắng nói với khán giả rằng đây là một bộ phim đại diện cho “vẻ đẹp tích cực”. Hashtag #FeelPretty cũng như tạp chí Cosmopolitan nhanh chóng tóm lấy bộ phim để quảng cáo cho “vẻ đẹp hiện đại”: sự tự tin.

Amy Schumer vai Renee trong I Fell Pretty, một cô nàng luôn bất an về vẻ ngoài của mình

Các quảng cáo đó khiến bạn cảm thấy tuyệt vời. Nhưng có thực vậy không? Bộ phim nói về Renee, một người phụ nữ trẻ luôn bất an và chưa từng cảm thấy “mình thật đẹp” (và đẹp ở đây chính là gầy). Rồi bất ngờ, một vụ tai nạn, một phép màu, cô bỗng cảm thấy “mình thật đẹp”. Đúng vậy, cái hài của bộ phim hài này nằm ở đây: cô ấy nghĩ mình rất đẹp.

I Feel Pretty là một dạng phim tự nhận thức tương tự Shallow Hal (2001, Jack Black và Gwyneth Paltrow đóng vai chính). Paltrow đóng vai Rosemary, một cô gái rất tốt nhưng cũng rất mập. Black trong vai Hal, một chàng trai hời hợt, luôn đánh giá người khác qua vẻ ngoài. Rồi một ngày, anh ta bị nguyền rủa rằng mọi thứ bình thường trong mắt anh ta là xấu thì nay sẽ trở thành đẹp, chẳng hạn, nhìn người béo thành gầy. Rồi anh ta gặp Rosemary, hình dung cô tuyệt đẹp như Gwyneth Paltrow ngoài đời thực – mảnh mai. Vô số câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra, khi Hal nhìn Rosemary rất đẹp còn những người khác thấy cô béo và xấu. Người ta nói Shallow Hal là lời thách thức trước chuẩn mực “lỗi thồi” về cái đẹp - xấu người đẹp nét còn hơn đẹp người. Nhưng nếu xem cho hết, cười cho trọn, và khi dừng cười, bạn sẽ thấy rất rõ ràng: Đó là bộ phim chọc cười bằng thể hình mập mạp.

Rosemary thực

I Feel Pretty, một lần nữa, cũng tự tin mình là tiếng nói về vẻ đẹp đích thực, trao quyền cho người phụ nữ thời đại mới. Nhưng nó cũng vấp phải sai lầm tương tự Shallow Hal, lấy tiếng cười ở chính việc Renee luôn nghĩ rằng mình đẹp. Điều mà phim gọi là tự tin trong mắt người khác hóa ra cũng chỉ là ảo tưởng. I Feel Pretty cố gắng gây ra tiếng cười để mà ngẫm suy, cười vào cái quan điểm đẹp xưa nay đã làm khổ phụ nữ như thế nào. Chỉ đáng tiếc, đạo diễn đã đi không đủ sâu, khiến tiếng cười trở nên hời hợt, nghiêng về giễu cợt sự ảo tưởng của cô nàng nữ chính hơn.

Sự tự tin được cho rằng sẽ định nghĩa lại quan điểm vẻ đẹp truyền thống. Nhưng thực tế, nó chưa thành công, và chỉ lèo lái quan điểm đi theo hướng vòng vo hơn, song vẫn trở lại điểm cũ. Đó là một cách cổ vũ làm đẹp tinh vi hơn: yêu thương bản thân.

Rosemary trong mắt Hal

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Làm sao bạn dám nói mình yêu thương vẻ đẹp đích thực của bản thân trong khi vẫn đang cố gắng thay đổi nó, dù hóa chất hơn hay hữu cơ hơn?

Naomi Wolf đã viết: con người luôn tìm kiếm sự cải thiện, luôn tìm kiếm cách sửa chữa điều gì đó họ cho là không hoàn hảo, luôn tìm kiếm một chút ma thuật hiện đại.

Friends đã kết thúc từ 14 năm trước. Nhưng Monica mập vẫn còn. Đó không chỉ là nhân vật trong phim truyền hình sitcom, mà là một bóng ma của cuộc sống, một trò đùa, một lời cảnh báo. Ngay cả chồng của cô, Chandler Bing, một doanh nhân, khi phải phát biểu cảm xúc trong lễ cưới, đã nói một câu khuôn sáo ‘Anh yêu em từ cái nhìn đầu tiên’ kèm theo khuôn mặt không thể biểu cảm hơn cùng hình ảnh hồi tưởng về người vợ mình một thời đã mập như thế nào. Ngày xưa, anh ta từng mỉa mai cô là “bà chị béo”. Và sau 10 mùa, anh ta nói lời xin lỗi với Monica, khi cô không còn béo và kết hôn với cô. Bạn sẽ nghĩ, ‘Ồ, anh ta bị vỗ mặt và phải trả giá’. Nhưng thực tế, còn điều gì mỉa mai châm chọc hơn nữa đây?

Lục Kiếm

Theo The Atlantic

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/tro-dua-dai-voi-cai-dep-dan-ba-81756.html