Trò đến trường, thầy 'ra đường'?

Những ngày này khi hàng chục triệu học trò náo nức chuẩn bị bước vào năm học mới thì cũng là thời điểm hàng ngàn thầy cô là giáo viên hợp đồng nơm nớp mối lo bị cắt hợp đồng. Trong số họ, có rất nhiều người đã cống hiến hàng vài chục năm cho giáo dục.

Ngay tại Hà Nội, Sở Nội vụ cho biết số giáo viên hợp đồng do “lịch sử để lại” tại 21 quận, huyện khoảng 2.900 người. Phần lớn các thầy cô giáo này đã gắn bó 7-8 năm, nhiều người đã làm nghề dạy học hơn 10 năm, 20 năm. Có người đã dạy tới 25 năm. Nếu bị cắt hợp đồng, mất việc, họ sẽ làm nghề gì để nuôi sống gia đình khi đã quá tuổi khởi nghiệp?

Báo chí cho biết, thầy giáo Nguyễn Viết Tiến bị cắt hợp đồng dạy toán hợp đồng ở Trường THCS Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây sau 17 năm cống hiến. Suốt 17 năm qua, thầy Tiến không được tăng lương, không được nhận bất kỳ phụ cấp, chế độ ưu đãi gì, nay thầy thành người thất nghiệp.

Cũng ở thị xã Sơn Tây, cô Nguyễn Thị Thanh Thùy, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS Đường Lâm và nhiều nhà giáo khác đang sống trong lo lắng, hoang mang suốt nhiều tháng qua - kể từ khi TP Hà Nội thông báo tất cả giáo viên hợp đồng nếu không thi đỗ kỳ tuyển dụng viên chức năm 2019 sẽ bị chấm dứt hợp đồng.

Để giải quyết hậu quả, vào đầu tháng 7/2019, lãnh đạo TP.Hà Nội đã tuyên bố sẽ sớm xét tuyển hết số giáo viên hợp đồng lâu năm trên địa bàn. Tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP.Hà Nội vừa qua, Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Bộ Nội vụ đã giao TP xét tuyển các trường hợp này với một số điều kiện như: Giáo viên hợp đồng ít nhất 5 năm; đảm bảo sức khỏe; có năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm.

Trên thì nói vậy nhưng dưới không làm vậy. Các huyện, thị xã vẫn quyết định thi tuyển giáo viên thay vì xét tuyển. Các địa phương này viện dẫn Nghị định 161 - có hiệu lực đầu năm 2019, để tổ chức thi tuyển. Đành rằng Nghị định 162 phù hợp với Luật Giáo dục mới ban hành đầu tháng 7 năm 2019. Nhưng nếu áp dụng máy móc với hàng trăm giáo viên đã được ký hợp đồng, tuyển dụng từ 10-20 năm trước, là không công bằng với các thầy cô. Vậy để có sự công bằng cho các thầy cô thì UBND TP.Hà Nội sớm có phương án giải quyết thấu tình đạt lý để giúp thầy cô tiếp tục được gắn bó với bục giảng, được cống hiến cho ngành giáo dục.

Hiện toàn TP có khoảng gần 800 giáo viên hợp đồng trên 5 năm. Số lượng này rất nhỏ so với 11.182 chỉ tiêu viên chức giáo dục sẽ tuyển, việc áp dụng hình thức xét tuyển với họ là trong tầm tay và nhất thiết phải thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố .

Hà Nội không nên để tình trạng “trò đến trường, thầy ra đường!”.

Bảo Dân

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/tam-diem-du-luan/tro-den-truong-thay-ra-duong-310870.html