Trò chuyện với những người sinh ra ở TP.HCM ngày 30-4-1975

Sinh ra vào thời điểm đất nước vừa thống nhất, lớn lên lúc đất nước khó khăn, họ luôn ý thức rằng phải phấn đấu để thoát nghèo, để có cuộc sống tốt hơn và góp phần xây dựng xã hội ngày càng phát triển.

Chúng tôi tìm đến trường THCS Tô Ký (huyện Hóc Môn, TP.HCM) vào một buổi chiều đầy nắng để tìm gặp chị Trần Thị Bích Phượng, giáo viên môn Văn. Lúc này chị vừa hoàn thành việc coi thi học kỳ trên lớp.

Dáng người nhỏ nhắn trong tà áo dài tươi tắn, chị Phượng cười hiền, khẽ gật đầu khi có học sinh chạy ngang và “chào cô” bằng một tiếng rõ to.

Chị Phượng là một trong số những người con sinh ra trên mảnh đất TP.HCM này vào đúng ngày đất nước thống nhất (ngày 30-4-1975).

Treo cờ mừng ngày thống nhất mà như mừng sinh nhật mình

Kể cho chúng tôi nghe về thời khắc chào đời của mình, chị Phượng cho biết, lúc đó, huyện Hóc Môn cũng "nóng" không kém gì khu vực trung tâm TP. Ba chị khi đó không có nhà, lúc mẹ đau đẻ thì cậu bồng mẹ lên xe ngựa rồi chở lên nhà bảo sinh. 13 giờ chiều ngày 30-4 năm ấy, TP.HCM chào đón một công dân tên Trần Thị Bích Phượng.

Cô giáo Trần Thị Bích Phượng. Ảnh: LÊ THOA

Cô giáo Trần Thị Bích Phượng. Ảnh: LÊ THOA

“Sinh vào ngày 30-4, đấy là niềm tự hào, là may mắn rất lớn của đời mình. Bởi đó là thời khắc chiến tranh đã qua đi, mở ra một thời kỳ mới, một cuộc sống mới cho dân tộc Việt Nam” – chị Phượng nói.

Hàng năm, chưa bao giờ chị Phượng tự tổ chức cho mình buổi sinh nhật hoành tráng, nhưng ngày này chị nhận được không ít điều bất ngờ. Có khi là một món quà giấu tên từ bạn bè, một tấm thiệp với những từ ngữ giản dị của các em học sinh, hay có khi là một cuộc gặp mặt với những người bạn cùng ngày sinh với mình, hoặc có khi là những niềm vui nhỏ nhặt từ trong những công việc hàng ngày. Tất thảy đều dung dị đến không ngờ.

“Xúc động nhất là khi ra đường vào ngày sinh nhật, thấy đâu đâu cũng cờ đỏ sao vàng tung bay rợp trời. Mình dừng lại vài phút dưới tán cây, hít một hơi thật sâu và nhớ lại những gì mẹ kể về thời điểm sinh ra mình, nhớ lại hành trình của những năm vừa qua. Thấy giống như cả nước đang mừng sinh nhật của mình vậy đó. Cảm xúc rất khó tả. Tự hào có, mãn nguyện có, hạnh phúc có…” – chị Phượng chia sẻ.

Lúc còn nhỏ, bởi cuộc sống quá vất vả, khó khăn, chị Phượng chưa hình dung, cảm nhận được ý nghĩa về ngày sinh của mình.

Bước chân vào môi trường sư phạm, mỗi ngày dường như chị Phượng lại yêu thêm cái nghề gõ đầu trẻ này. “Nếu như bảo mình bỏ nghề chắc mình không làm được đâu. Nghề này lạ lắm, đã bước chân vào thì không thể nào dứt ra được” - chị Phượng cười hiền.

Với chị, chị chỉ mong tất cả mọi trẻ em đều được hành học tới nơi tới chốn. Gia đình, nhà trường phải phối hợp với nhau để giúp trẻ học hành tốt nhất. Khích lệ các em chăm học, làm sao để mỗi ngày các em đến trường là một ngày vui. Muốn vậy, theo chị, phải giảm bớt chương trình học, tăng cường học ngoại khóa, kỹ năng thay vì lý thuyết. Đừng gây áp lực học tập cho học sinh, bắt các em học quá sức.

44 năm vượt lên chính mình

Cũng giống như cô giáo Trần Thị Bích Phượng, anh Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc phát triển kinh doanh của một kênh truyền hình mua sắm cũng là một người con sinh ra trên mảnh đất TP.HCM này vào đúng ngày đất nước thống nhất.

Khi chúng tôi hỏi: “Sinh nhật năm nay anh định làm gì” thì anh Nguyễn Hòa Bình mỉm cười: “Chắc cũng như mọi năm thôi, quây quần bên gia đình để mừng ngày lễ lớn”.

Nhắc lại thời khắc chào đời, anh Hòa Bình khẽ cười, nhìn ra xa rồi bảo rằng: “Đó quả thật là một thời điểm khó khăn, ….”

Bởi cuối tháng 4-1975, miền Nam bước vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, khi quân giải phóng tiến vào TP, người người di tản, bố mẹ anh cũng lạc mất nhau. Mẹ anh ôm chiếc bụng bầu đã gần tới ngày sinh, chạy nạn từ quận này sang quận khác. Đến ngày 29-4 thì trở dạ, đau bụng dữ dội mà không biết cách nào để đến bệnh viện (BV).

Anh Nguyễn Hòa Bình . Ảnh: LÊ THOA

“Lúc đó mẹ tôi thực sự lo sợ. Ao ước duy nhất lúc đó của mẹ là phải sống và sinh ra được tôi bình an. Ơn trời, mẹ được một xe quân đội đưa đến BV và sinh tôi ra vào lúc 1 giờ 15 phút sáng ngày 30-4” – anh Hòa Bình xúc động kể lại.

Trải qua bao nhiêu khó khăn, cuối cùng anh đã chào đời trong thời khắc đặc biệt. Bố anh đã tìm ra hai mẹ con và đặt tên là Hòa Bình như chính mong ước của toàn dân tộc Việt Nam là đất nước hòa bình, thống nhất đã thành hiện thực.

Cứ thế, mỗi năm trôi qua, cứ tới ngày sinh nhật, anh cũng giản dị quây quần bên bạn bè, gia đình để mừng lễ. Anh bảo: “Lớn rồi, sinh nhật là một phần thôi, trong thâm tâm anh, anh muốn mừng ngày lễ của đất nước là chính. Niềm vui cá nhân của mình hòa nhập với niềm vui chung của dân tộc”.

44 năm, cậu bé Nguyễn Hòa Bình cùng mẹ chạy nạn khi còn trong bụng bầu năm đó giờ đã là một vị giám đốc thành đạt. Nhưng chưa khi nào anh thôi niềm tự hào vì mình sinh ra trong thời khắc đặc biệt, có ý nghĩa trọng đại đối với đất nước.

“44 năm qua, cứ tới ngày sinh nhật, tâm trạng lại phấn khởi, vui sướng vô cùng. Ra đường thấy người người đi chơi lễ, xem ti vi thấy bao nhiêu là chương trình chào mừng ngày lễ lớn. Bản thân cũng không cần nhớ mình bao nhiêu tuổi, vì cứ thấy TP kỷ niệm bao nhiêu năm ngày thống nhất đất nước thì đó cũng chính là số tuổi của mình” – anh Bình tươi cười.

Giờ nhắc lại thời khắc mình được sinh ra, anh Bình vẫn không giấu được sự xúc động. Anh bảo đấy là điều hết sức may mắn. Những năm qua, anh luôn cố gắng học hành, trải qua bao khó khăn, vượt lên chính mình, luôn ý thức phấn đấu trong mọi việc. Với mục đích trước hết là lo cho cuộc sống của gia đình anh thông qua một công việc tốt, thu nhập ổn định, đóng góp một phần nào đó cho xã hội, cho TP này.

Chung tay làm những điều tốt đẹp cho xã hội

Cũng sinh ngày 30-4, cách đây 44 năm trước, tôi có cơ duyên gặp gỡ anh Nguyễn Hòa Bình, chị Trần Thị Bích Phượng và gần 20 anh chị khác có cùng ngày sinh với mình, vào năm TP.HCM tròn 30 tuổi (năm 2005).

Đợt đó, mọi người cùng nhau cắt bánh kem thật lớn và có cơ hội làm bạn với nhau hơn mười năm qua là điều mà tôi nhớ nhất khi nhắc về những kỷ niệm trong ngày sinh nhật đặc biệt của mình. Sau đó, chúng tôi đã thành lập một nhóm nhỏ mang lên “Câu lạc bộ những người sinh ngày 30-4” và hàng năm đều gặp nhau để mừng sinh nhật, cùng nhau làm từ thiện, cùng nhau phấn đấu đi lên.

BS Lê Thị Kim. Ảnh: LÊ THOA

Chúng tôi đều sinh ra trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn rất nhiều nên ai cũng mang trong mình quyết phấn đấu, chiến thắng cái khổ, vươn tới cuộc sống tốt đẹp nhất có thể. Hiện nay nhiều người trong chúng tôi thành công nhưng ngoài xã hội còn nhiều bà con khó khăn lắm. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên góp tiền, tổ chức các chuyến từ thiện thăm nom những người có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm, bệnh tật. Mong muốn được giúp đời, giúp người.

Bản thân tôi, nhiều năm qua tôi cũng thường xuyên tham gia các đoàn đi chữa bệnh từ thiện ở các tỉnh, các chùa ở quê. Nhiều đợt tuần nào cũng đi, càng đi lại càng thấy nhiều người còn khổ quá, đau ốm không có tiền chữa trị. Do không đủ điều kiện nên chúng tôi không thể theo dõi, chăm sóc các bệnh nhân ở đó cho đến khi khỏi hẳn.

Trong khả năng của mình, tôi chỉ biết làm hết sức mình với chức trách của một người bác sĩ chân chính và sẵn sàng giúp đỡ những ai có hoàn cảnh khó khăn mình trong xã hội này, với mong muốn rằng TP của chúng ta sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, xứng đáng là TP đáng sống.

ChịLÊ THỊ KIM, bác sĩ chuyên khoa Da liễu

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/tro-chuyen-voi-nhung-nguoi-sinh-ra-o-tphcm-ngay-3041975-830986.html