Trò chuyện với công dân robot đầu tiên

Robot Sophia hôm qua xuất hiện trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao tầm nhìn và chiến lược đột phá trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, do Công ty Hanson Robotics (trụ sở tại Hồng Kông) phát triển, được kích hoạt lần đầu vào tháng 4.2015 và xuất hiện trước công chúng vào tháng 3.2016 ở Mỹ.

Ảnh: Tuấn Mark

Những khuyến nghị từ robot công dân

Trong khuôn khổ diễn đàn, một trong những sự kiện đáng chú ý là buổi gặp gỡ và giao lưu với robot Sophia - người máy đầu tiên trên thế giới được cấp quyền công dân. Sophia đến VN với tư cách là quán quân sáng tạo của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và “cô người máy” này đã chiếm được cảm tình của đông đảo người xem không chỉ bởi xuất hiện trong tà áo dài VN pha chút cách điệu mà còn bởi khả năng ăn nói lưu loát trước công chúng. “Tôi là robot được thiết kế để sử dụng trí tuệ nhân tạo. Thế giới đang hướng đến sự phát triển bền vững, và những robot như tôi sẽ giúp mọi người đạt được thành tựu này nhanh hơn”, người máy được Ả Rập Saudi cấp quyền công dân vào năm ngoái mở đầu.

Sophia trả lời các phóng viên tại buổi họp báo - Ảnh: Phạm Hùng

"Vậy VN cần có chiến lược gì để không bị tụt hậu trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0"? - trả lời câu hỏi này, Sophia đáp (bằng tiếng Anh): “VN cần đẩy mạnh sự sáng tạo về công nghệ để phát triển bền vững hơn. Một nền kinh tế năng động như VN cần phải tận dụng cơ hội như thế này để có thể có được những bước nhảy vọt về năng suất lao động”.

Dù vậy, Sophia không quên lưu ý rằng, Chính phủ cũng cần có chính sách với nhóm dễ bị tổn thương, những đối tượng yếm thế bởi những người có tiền và có quyền sẽ có ưu thế hơn trong tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng mới. Người máy này không ngại khuyến nghị Chính phủ cần xác định những ưu tiên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có những định hướng rõ ràng, đơn cử là cần có các kế hoạch trong đào tạo để không ai bị bỏ lại phía sau. “Con người cần phải trang bị những kỹ năng cần thiết để hòa nhập công nghệ 4.0. Tương tự, thế hệ trẻ càng cần phải trang bị tốt hơn những kỹ năng của thế kỷ 21, như kinh doanh”, Sophia chia sẻ và đưa ra gợi ý rằng, cần có sự chung tay của khu vực công lẫn khu vực tư để trang bị cho người dân, nhất là công dân trẻ những kỹ năng này.

- Ảnh: Phạm Hùng - Tuấn Mark

Khi được yêu cầu chỉ ra những tác động tiêu cực, thách thức đi kèm từ cuộc cách mạng 4.0, robot này cho rằng đâu đó có không ít lo ngại và việc người máy xuất hiện nhiều thì tỷ lệ nghịch với số công ăn việc làm mới được tạo ra. Tuy nhiên, Sophia trấn an rằng, công nghệ cũng mang lại nhiều việc làm hơn chứ không phải tước đoạt. “Công nghệ cũng giúp con người thực hiện tác vụ nguy hiểm, như những ca phẫu thuật trong y tế. Công nghệ giúp con người có nhiều ý tưởng tốt, mới hơn”, robot này khẳng định.

Không nên đối xử với trí tuệ nhân tạo (AI) như đối thủ

Là robot với tạo hình con người, khuôn mặt của Sophia được làm từ một loại silicon và có khả năng biểu đạt hơn 62 trạng thái. Sophia có các hệ thống điều khiển cho phép nắm bắt và phản hồi từ khóa, cụm từ quan trọng nghe được cũng như khả năng tích lũy kiến thức. Đôi mắt của Sophia là hệ thống camera kết hợp với các thuật toán máy tính giúp cô có thể giao tiếp bằng mắt, theo dõi và nhận diện khuôn mặt. Robot này có thể nói chuyện một cách tự nhiên, trả lời nhuần nhuyễn các câu hỏi.

Không những vậy, Sophia còn có kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực nhờ dữ liệu được nạp vào ban đầu cũng như qua học trong quá trình giao tiếp.

Công ty Hanson Robotics ban đầu chế tạo Sophia với mục đích giúp đỡ người già và mong muốn sẽ phát triển thêm để robot này có thể phục vụ trong ngành chăm sóc sức khỏe, dịch vụ khách hàng, trị liệu và giáo dục. Tháng 10.2017, Ả Rập Xê Út cấp quyền công dân cho Sophia, qua đó trở thành nước đầu tiên làm điều này, theo tờ Arab News.

[VIDEO] Robot từng đe dọa 'hủy diệt loài người' có đáng sợ không?

Ban đầu, Sophia chỉ có phần từ vai trở lên nhưng đến tháng 1.2018, công ty sản xuất đã lắp ráp thêm đôi chân để robot này có thể tự di chuyển. Trong một sự kiện công nghệ ở Ấn Độ hồi tháng 1, Sophia đã lịch sự từ chối “lời cầu hôn” của một vị khán giả.

Robot này xuất hiện trong nhiều sự kiện công nghệ lớn và chương trình phỏng vấn trên nhiều báo đài ở Mỹ.

Chính robot cũng nhiều lần bác bỏ khả năng đe dọa con người khi nói rằng khoa học tạo ra cô nhưng triết học sẽ giúp cô cải thiện nhân tính. Theo Sophia, con người không nên đối xử với trí tuệ nhân tạo (AI) như đối thủ mà nên làm việc cùng với máy móc, robot.

Bảo Vinh

Chí Hiếu

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/tro-chuyen-voi-cong-dan-robot-dau-tien-982748.html