'Trò chơi vương quyền' của Mỹ tại Iran

Tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran được cho là chiêu bài của Tổng thống Trump nhằm buộc Tehran đàm phán lại dỡ bở các chương trình hạt nhân và tên lửa, đồng thời làm suy giảm tầm ảnh hưởng của nước này ở Trung Đông.

Ngày 2/11, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố việc tái áp đặt toàn bộ các lệnh trừng phạt Iran, vốn từng được dỡ bỏ theo Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) được ký kết năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Từ ngày 5/11, Washington sẽ liệt hơn 700 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt liên quan đến Iran. Bộ Tài chính Mỹ đã phát đi cảnh báo tới mạng kết nối ngân hàng toàn cầu SWIFT về nguy cơ đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nếu cung cấp dịch vụ cho các thực thể Iran có tên trong "danh sách đen" của Washington.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran trong các lĩnh vực năng lượng, đóng tàu, vận tải và ngân hàng sẽ được áp đặt trở lại từ ngày 5/11. Tuy nhiên, ông cũng đồng thời xác nhận Mỹ đã chấp thuận để 8 nước, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và có thể cả Trung Quốc, tiếp tục mua dầu thô của Iran sau khi lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào các hoạt động xuất khẩu dầu thô của quốc gia Vùng Vịnh này chính thức có hiệu lực từ thời điểm trên. Quyết định miễn trừ sẽ có giá trị trong 6 tháng, trong thời gian đó nước nhập khẩu có thể mua dầu của Iran nhưng phải gửi thu nhập của Iran vào tài khoản kí quỹ.

Tổng thống Mỹ Trump ký quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. (Nguồn: Reuters)

Lấy lòng cử tri Mỹ

Đầu tiên, thông báo trên được đưa ra chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử giữa kì tại Mỹ. Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh các biện pháp chế tài là “nhằm thay đổi căn bản hành vi của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran”. Ông đưa ra một danh sách 12 yêu cầu mà Iran phải đáp ứng để được dỡ bỏ các chế tài - trong đó bao gồm chấm dứt hỗ trợ khủng bố, tham chiến ở Syria, cũng như ngừng hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm trong các cuộc xung đột ở Trung Đông và dỡ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo. JCPOA, một trong những thành tựu ngoại giao lớn nhất của Tổng thống Barack Obama, đã dỡ bỏ hàng tỷ USD chế tài đối với Iran, đổi lại nước này phải hạn chế chương trình hạt nhân của họ.

Song nhiều người, trong số có ông Donald Trump, tin là họ đang sử dụng để phát triển vũ khí nguyên tử. Tổng thống Mỹ đương nhiệm đã liên tục lên án JCPOA và cho rằng thỏa thuận đã cho Iran quá nhiều. Hồi tháng 5, Trump từng tỏ ý muốn đàm phán một thỏa thuận mới với Tehran, song Iran đã bác bỏ. Việc liên tục tỏ ra cứng rắn với Iran, đoạn tuyệt với di sản thời ông Obama là cách ông thể hiện sức mạnh, nhằm thu hút cử tri bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa trong bầu cử giữa kỳ ngày 6/11 tới.

Bầu cử giữa kỳ Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút và việc Mỹ cứng rắn với Iran có thể giúp đảng Cộng hòa giành thêm sự ủng hộ. Ảnh minh họa. (Nguồn: FT)

Tehran vững bước

Tuy nhiên, PressTV cho rằng các biện pháp này chỉ gây ra tác động hạn chế tới nền kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo và không thể gây ảnh hưởng tới sự can dự khu vực của quốc gia Trung Đông này. Seyyed Hossein Moussavian, chuyên gia chính sách Trung Đông tại Đại học Princeton bình luận: “Iran đã chịu án phạt hơn 40 năm qua và lần này chẳng có gì mới cả”. Người từng tham gia đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran này cho rằng Iran “sẽ trải qua thời điểm khó khăn về kinh tế” do trừng phạt song tác động sẽ là không lớn: “Mục tiêu rất quan trọng trong chính sách an ninh chính trị của Iran là gánh vác một nền kinh tế không phụ thuộc vào dầu mỏ”.

Có chung quan điểm này, Kenneth Katzman, chuyên gia phân tích cấp cao tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cũng loại trừ khả năng trừng phạt làm suy giảm vai trò của Tehran trong khu vực. Ông Katzman nói: “Không có mối liên hệ nào giữa trừng phạt và hiệu suất kinh tế của Iran cũng như các hoạt động trong khu vực của nước này”.

Chuyên gia Kenneth Faro tại Đại học Coventry (Anh) thì cho rằng âm mưu “gây bất ổn” của Mỹ nhằm vào Iran thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ gặp thất bại. Ông Faro giải thích thêm Mỹ khó có thể nhận được sự ủng hộ của các nước có tư tưởng vô cùng nhạy cảm như Anh, Pháp, Đức. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc lại không dễ gì cắt bỏ mối quan hệ với Tehran. Ông Faro nhận định, do vậy, Washington đang bị cô lập trong việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran.

Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục thất bại trong việc cản bước Iran. (Nguồn: Reuters)

Phản ứng gay gắt

Trước quyết định của Mỹ, Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei cho rằng ông Trump đã “phá hỏng” uy tín của Mỹ và sẽ bị thua cuộc khi tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước cộng hòa Hồi giáo. Quyền lực cứng của Mỹ, gồm sức mạnh quân sự và kinh tế sẽ sụt giảm theo. Ông cũng chỉ trích mục đích của việc Washington tái áp đặt các biện pháp trừng phạt này là nhằm gây tê liệt và kéo lùi nền kinh tế của Iran. Ngoài ra, Đại giáo chủ Iran cũng nêu rõ trong 40 năm qua, Washington đã đối đầu với Iran bằng cách áp đặt nhiều biện pháp chống lại Tehran trong đó có việc sử dụng quân đội, kinh tế nhằm thách thức sự độc lập của Iran, song rốt cuộc, Mỹ đã thất bại.

Những người ủng hộ thỏa thuận cũng như các bên kí kết khác - Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã kịch liệt bảo vệ thỏa thuận. Châu Âu đã ra sức cứu vãn thỏa thuận này mà không cần Mỹ, lo ngại rằng các chế tài mới sẽ khiến Iran thoái lui và tiếp tục hoạt động phát triển hạt nhân của họ. Trong một thông báo chung ngày 2/11, EU khẳng định thỏa thuận hạt nhân đóng vai trò quan trọng đối với nỗ lực xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân và cũng là minh chứng cho thành tựu của ngoại giao đa phương. Thỏa thuận này đóng vai trò quan trọng đối với an ninh châu Âu và đang phát huy tác dụng, tuyên bố nêu rõ.

Reuters dẫn lời giới chức ngoại giao tiết lộ hồi tuần trước rằng EU đang có một cơ chế mới nhằm hỗ trợ các khoản thanh toán cho hàng hóa xuất khẩu của Iran và cơ chế này có thể được đưa ra vào ngày 4/11 song lại chưa thể áp dụng trên thực tế cho đến đầu năm 2019. Lý do là không nước nào, kể cả Trung Quốc, sẵn sàng đứng ra triển khai cơ chế này. Trong khi đó, Iran đã tuyên bố nước này có thể rời thỏa thuận hạt nhân nếu EU không thể bảo vệ những lợi ích kinh tế của mình.

(theo Reuters/AFP)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/tro-choi-vuong-quyen-cua-my-tai-iran-80934.html