Trò chơi nguy hiểm

Hàng loạt cuộc điện đàm giữa lãnh đạo các cường quốc và quốc gia liên quan cuộc khủng hoảng Li-bi đã liên tục được tiến hành nhằm xoa dịu những quan ngại về nguy cơ bùng nổ xung đột mới sau khi Quốc hội của chính quyền miền đông Li-bi 'bật đèn xanh' để Ai Cập can thiệp quân sự vào nước láng giềng. Nếu xảy ra một cuộc chiến tranh ủy nhiệm trên lãnh thổ Li-bi sẽ là thảm họa cho quốc gia Bắc Phi vốn chìm sâu vào khủng hoảng.

Hàng loạt cuộc điện đàm giữa lãnh đạo các cường quốc và quốc gia liên quan cuộc khủng hoảng Li-bi đã liên tục được tiến hành nhằm xoa dịu những quan ngại về nguy cơ bùng nổ xung đột mới sau khi Quốc hội của chính quyền miền đông Li-bi "bật đèn xanh" để Ai Cập can thiệp quân sự vào nước láng giềng. Nếu xảy ra một cuộc chiến tranh ủy nhiệm trên lãnh thổ Li-bi sẽ là thảm họa cho quốc gia Bắc Phi vốn chìm sâu vào khủng hoảng.

Mối lo ngại về xung đột leo thang ở Li-bi gia tăng sau khi các nhà lập pháp của chính quyền miền đông, được lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Li-bi (LNA) của Tướng K.Háp-ta hậu thuẫn, cho phép Ai Cập can thiệp quân sự nếu điều này là cần thiết để bảo vệ cái gọi là "an ninh quốc gia" của cả hai bên. Trong một tuyên bố, cơ quan lập pháp tại thành phố Tô-brúc cho rằng, Li-bi và Ai Cập cần hợp tác nhằm ngăn chặn hành động tiến công của nước ngoài và bảo vệ an ninh quốc gia chung của hai bên, khi đề cập các hoạt động hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với lực lượng Chính phủ đoàn kết dân tộc Li-bi (GNA) trong cuộc chiến chống LNA. Các nhà lãnh đạo những bộ lạc ở miền đông Li-bi cũng tuyên bố "hoàn toàn cho phép" các lực lượng vũ trang Ai Cập can thiệp để bảo vệ chủ quyền của Li-bi.

Ðộng thái nêu trên có nguy cơ châm ngòi thổi bùng xung đột, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang hỗ trợ GNA ở thủ đô Tơ-ri-pô-li. Ngay sau khi Quốc hội ở miền đông Li-bi kêu gọi Ai Cập can thiệp, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan và người đồng cấp Mỹ Ð.Trăm đã có cuộc điện đàm thảo luận về diễn biến "nóng" tại Li-bi. Hai nhà lãnh đạo nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn với tư cách các đồng minh trong vấn đề Li-bi. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo và người đồng cấp Tuy-ni-di N.E-ray cũng điện đàm nhằm tìm giải pháp ngăn chặn nguy cơ "lửa xung đột" ở Li-bi có thể cháy lan ra toàn khu vực. Tại cuộc thảo luận này, phía Tuy-ni-di cam kết không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Li-bi, đồng thời thúc đẩy tìm một giải pháp hòa bình nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại quốc gia láng giềng. Ðối với cuộc khủng hoảng Li-bi, Mỹ "đứng giữa đôi dòng" khi ủng hộ GNA, song các đồng minh của Oa-sinh-tơn như Ai Cập, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất và A-rập Xê-út lại hậu thuẫn lực lượng LNA của Tướng K.Háp-ta.

Pháp cũng nhiều lần tuyên bố không dung thứ cho sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Li-bi và điều này gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai đồng minh NATO. Pa-ri cho rằng, việc các nước hậu thuẫn GNA đang dấn thân vào một "trò chơi nguy hiểm".

Ðược sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng GNA đã giành lại quyền kiểm soát thủ đô Tơ-ri-pô-li từ LNA và tiếp tục đánh chiếm sang nhiều khu vực khác. Việc LNA kêu gọi sự can thiệp của Ai Cập được đưa ra trong bối cảnh lực lượng này mất dần thế kiểm soát giành được trước đây trên chiến trường Li-bi. Nhằm gây sức ép trước phe đối địch, lực lượng LNA tuyên bố các mỏ dầu và cảng quan trọng ở Li-bi sẽ bị đóng cho tới khi những yêu cầu của người dân được thực hiện, điều này đồng nghĩa với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia Bắc Phi tiếp tục bị phong tỏa. Theo Công ty Dầu mỏ quốc gia Li-bi, việc ngừng hoạt động xuất khẩu dầu khiến nước này thiệt hại khoảng 6,5 tỷ USD. Thế thắng của GNA do được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn khiến Tổng thống Ai Cập A.Xi-xi cảnh báo sẽ triển khai binh sĩ tới Li-bi nếu các lực lượng của GNA giành quyền kiểm soát thành phố chiến lược Xơ-tê, một cửa ngõ vào các mỏ dầu quan trọng của Li-bi, cách biên giới Ai Cập hơn 800 km.

AI Cập coi việc các cường quốc khu vực đang can thiệp vào Li-bi là hành động đe dọa sự ổn định của cả khu vực Trung Ðông và Ðịa Trung Hải. Khẳng định sẽ "không đứng yên" trước những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Ai Cập và các nước A-rập, Cai-rô bày tỏ phản đối hành động can thiệp của thế lực bên ngoài làm gia tăng hoạt động của các nhóm dân quân vũ trang ở Li-bi. Theo Bộ Ngoại giao Ai Cập, tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã xuất hiện trở lại tại một số thành phố ở miền tây Li-bi, trong đó có thành phố Xa-bra-ta. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ai Cập và A-rập Xê-út, hai quốc gia ủng hộ LNA, đã điện đàm nhất trí coi trọng tầm quan trọng của việc đạt một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng Li-bi nhằm bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Bắc Phi này.

Trong bối cảnh Liên hợp quốc luôn hối thúc một giải pháp hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột Li-bi thì sự can thiệp của các nước bên ngoài vào tình hình quốc gia Bắc Phi gây lo ngại làm leo thang xung đột. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét nhận định, cuộc chiến ở Li-bi đã bước vào giai đoạn mới với sự can thiệp của nước ngoài lên đến "mức chưa từng thấy", bao gồm cả việc cung cấp các thiết bị tinh vi và lính đánh thuê cho các bên xung đột. Giải pháp duy nhất cho Li-bi hiện nay là chấm dứt việc bên ngoài đứng sau giật dây, thực hiện nghiêm lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc nhằm ngăn chặn nguồn tiếp viện cho các bên đối địch ở Li-bi, ngừng bắn và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình.

MỸ ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/tro-choi-nguy-hiem-609249/