Trò chơi 'Hiệp sĩ giao thông' có phù hợp với học sinh?

Hội thảo đánh giá bộ trò chơi 'Hiệp sĩ giao thông' nhận được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia.

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại hội thảo

Sáng nay (13/11), Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với Công ty CP sách - Thiết bị giáo dục và truyền thông Hà Nội tổ chức hội thảo đánh giá bộ trò chơi “Hiệp sĩ giao thông”.

Theo ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp từ TW đến địa phương, TNGT đã được kéo giảm cả 3 tiêu chí. “Tuy vậy, trong 10 tháng đầu năm 2018, toàn quốc vẫn xảy ra 14.000 vụ TNGT làm chết khoảng 6.600 người và 11.000 người bị thương. Trung bình một ngày, Việt Nam vẫn có 22 người tử vong và 50 người bị thương do TNGT”, ông Thái nói.

Ông Thái cho rằng, để giảm TNGT một cách bền vững, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh, hình thức, nội dung tuyên truyền phải được đa dạng hóa từng ngày và bộ trò chơi “Hiệp sĩ giao thông” với nội dung gắn liền với thực tiễn, truyền tải kiến thức ATGT tới các em học sinh một cách tự nhiên, dễ hiểu, không gò ép hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ATGT, từng bước hình thành văn hóa ứng xử văn minh khi tham gia giao thông cho học sinh.

Ô bàn cờ của bộ trò chơi "Hiệp sĩ giao thông"

Ông Đỗ Thanh Ký, Giám đốc Công ty CP sách - Thiết bị giáo dục và Truyền thông Hà Nội cho biết, bộ trò chơi “Hiệp sĩ giao thông” có luật chơi dễ dàng, phù hợp với lứa tuổi học sinh từ lớp 1 - 9. Thông qua trò chơi này, ngoài việc giúp các em giao lưu vui vẻ còn tăng khả năng tư duy, giúp học sinh dần tiếp cận với các biển báo giao thông, quy tắc giao thông an toàn.

“Bộ trò chơi gồm:1 bàn cờ 36 ô, nội dung trò chơi là một cuộc đua của 4 nhân vật: Rùa - Thỏ - Voi - Khỉ tượng trưng cho 4 người chơi lần lượt gieo xúc xắc theo luật chơi. Trò chơi là một cuộc đua sôi động mà người chơi muốn chiến thắng phải vượt qua các câu hỏi về ATGT và các tình huống tích điểm cao nhất để ghép được hình “Hiệp sĩ giao thông”. Trong quá trình chơi, trẻ sẽ từng bước tiếp thu được nhiều kiến thức về ATGT qua các ô trên bàn cờ, các bộ phiếu tích hợp hình ảnh minh họa trực quan, rõ ràng”, ông Ký chia sẻ.

Bộ câu hỏi dự kiến sẽ được sử dụng trong trò chơi "Hiệp sĩ giao thông"

Góp ý tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, bộ trò chơi được thiết kế có màu sắc bắt mắt, luật chơi giúp học sinh nhớ được các hiện tượng, cảm xúc đã từng chứng kiến, trải qua ở đời sống thực tế.

Họa sĩ Trần Tiểu Lâm cho rằng, các hình vẽ trên bàn cờ “Hiệp sĩ giao thông” xây dựng trên cơ sở trò chơi cờ tỉ phú chủ yếu phù hợp với lứa tuổi tiểu học. Học sinh THCS đã có những tư duy, kiến thức nhất định sẽ rất dễ chán. Vì vậy, hình thức của bộ trò chơi cần đơn giản hơn, nhắm vào đối tượng cụ thể hơn.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp, Khoa Tiểu học, ĐHSP 1 Hà Nội cho rằng, bộ trò chơi cần xác định lại đối tượng áp dụng. “Đối tượng của bộ trò chơi được triển khai cho học sinh từ lớp 1-9 là một dấu hỏi lớn vì nhận thức giữa 2 cấp học hoàn toàn khác nhau. Học sinh lớp 1 hiện chủ yếu đi bộ hoặc ngồi sau xe của bố, mẹ, những khái niệm như quyền ưu tiên, dải phân cách hơi quá sức. Đặc biệt, học sinh lớp 1 chưa biết đọc mà trò chơi này lại sử dụng nhiều chữ nên sẽ gây khó khăn cho đối tượng này khi tham gia trò chơi”, PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp nhận định.

Nam Khánh

Nguồn ATGT: http://www.atgt.vn/tro-choi-hiep-si-giao-thong-co-phu-hop-voi-hoc-sinh-d278701.html