Trò chơi cởi áo bằng răng, ăn sushi trên cơ thể khiến khán giả đỏ mặt

Đổ nước đá vào trong quần, mô tả lại tư thế 'mây mưa' yêu thích nhất… là những thử thách táo bạo mà trò chơi đưa ra.

Hơn 9 triệu lượt xem cho số đầu tiên, từ 1 đến 5 triệu lượt xem cho những số tiếp theo và đến giờ vẫn duy trì độ hot, đó là những con số ấn tượng của “Dare Pong” - trò chơi táo bạo đang gây tranh cãi dữ dội trong giới trẻ Việt.

Thử thách dùng răng cởi đồ đối phương khiến khán giả "đỏ mặt"

Dare Pong - trò chơi nhạy cảm hút triệu view

Dare Pong lấy cảm hứng từ trò Beer Pong (thử thách uống bia phổ biến trong các bữa tiệc nước ngoài) xuất hiện lần đầu tiên trên mạng vào năm 2017 và có mặt tại Việt Nam từ 3 tháng trước. Đến giờ, Dare Pong ở Việt Nam đã trải qua mùa thứ nhất với 9 tập và đang lên sóng mùa thứ 2.

Luật chơi được giới thiệu rất rõ ràng. Mỗi đội có 10 ly nước uống có cồn, trong đó có 7 ly có “Dare” (thử thách). Người nào quăng bóng vào ly có “Dare” sẽ phải chọn thực hiện “Dare” hoặc uống. Riêng ly không có “Dare” thì buộc phải uống. Bên nào hết ly trước, người đó thua cuộc.

Vậy điều gì ở “Dare Pong” khiến nó trở nên hot đến thế? Câu trả lời nằm ở chính những thử thách bất ngờ và nóng bỏng phía dưới mỗi cốc đồ uống.

Hot girl Lâm Á Hân hôn người lạ tại "Dare Pong"

Đó là những thử thách khó nhằn như: hôn sâu, liếm chân, đổ đá lạnh vào trong quần, ăn sushi trên cơ thể đối phương, mô tả lại tư thế “mây mưa” yêu thích nhất, dùng răng lột đồ bạn chơi… Sau mỗi tập, thử thách được đặt dưới mỗi cốc uống lại thêm phần kịch tính, nóng bỏng để duy trì sự hấp dẫn của trò chơi và giữ chân người xem.

Người được mời tham gia vào các trò chơi này không cần nổi tiếng nhưng lại có mối quan hệ khá lạ lùng. Họ có thể là người lạ, người yêu cũ, bạn bè hoặc những người đang yêu nhau. Và quan trọng hơn cả, là họ đủ táo bạo để uống hoặc thực hiện những thử thách “đỏ mặt” kia.

Thử thách táo bạo gây tranh cãi dữ dội trong giới trẻ Việt

Từ mùa thứ 2, “Dare Pong” Việt đã phải thêm dòng chữ cảnh báo trước mỗi số phát sóng: “Clip có nội dung nhạy cảm và một số cảnh khiến người xem có thể làm thấy khó chịu…”. Dù là thế, từ mùa 1 đến mùa 2, trò chơi này vẫn nhận phải ý kiến phản đối dữ dội từ dân mạng Việt.

Khoảnh khắc khiến người xem phải lấy tay che mắt của "Dare Pong"

Không ít người thừa nhận, họ phải “đỏ mặt” khi xem người chơi thực hiện các thử thách. Một số người thì dùng những tính từ mạnh để nói về trò chơi này như: phản cảm, thô lỗ, lố bịch…

“Không thích hợp với văn hóa châu Á, cũng như tính cách người châu Á. Đến khi nào mặc bikini ra nơi công cộng đi tới đi lui mà không mắc cỡ thì mới đủ trình độ để chơi trò này. Mình đề nghị không nên ủng hộ nó, nhìn rất xấu mắt”, một nick name nhận xét.

“Quá phản cảm chứ không chỉ là phản cảm nữa. Tham gia chắc để câu view là chính chứ vì vui thì chẳng có đâu. Đây là Việt Nam chứ không phải Mỹ hay Nhật Bản. Giáo dục giới tính thì không phổ cập nhưng mấy cái khơi gợi, kích thích thì lại phổ biến. Tôi cá là 99% người xem là mấy bạn tuổi mới lớn chứ người trưởng thành không thể chấp nhận nổi mấy trò này”, một nick name khác bình luận.

Cặp đôi là tình cũ của nhau thực hiện thử thách ôm nhau trong 1 phút

Tuy nhiên, một số người lên tiếng bảo vệ “Dare Pong”, cho rằng đây là trò chơi giải trí thể hiện cá tính của người trẻ.

“Chỉ là trò chơi mang tính giải trí, ai thích thì xem không thích thì thôi. Đừng lấy ý kiến của mình rồi tự cho là đúng và gán ghép vào cái gọi là thuần phong mỹ túc để lên án”, một nick name bình luận.

“Trước tiên đây là một trò chơi. Nếu người chơi tự nguyện và tỏ ra thích thú thì cũng chẳng ảnh hưởng đến ai”. một nick name khác nói.

Người trong cuộc nói gì?

Bị chỉ trích là trò chơi phản cảm, không phù hợp với văn hóa Việt, người chơi “Dare Pong” là đối tượng phải hứng chịu nhiều “gạch đá” nhất. Đa phần đều bị cho rằng, đang cố tình gây sốc để nổi tiếng.

Hạ Vy thực hiện thử thách để đối phương ăn sushi trên cơ thể

Vũ Hạ Vy (tên thật Phùng Ngọc Hạnh, làm PT online tại Đà Lạt) - xuất hiện trong tập 4 của “Dare Pong” hiểu rõ cảm giác này. Thực hiện thử thách chạm mũi đối phương rồi nhìn nhau trong vòng 1 phút, lấy cơ thể làm bàn tiệc sushi cho đối phương thưởng thức… cô nhận phải nhiều đánh giá khiếm nhã.

Hạ Vy cho hay, cô không quan tâm đến nhận xét của dân mạng. Thậm chí, cô còn chuẩn bị sẵn tinh thần để “hứng gạch đá”.

“Dân mạng cũng chỉ là dân mạng thôi, họ không hiểu được mình. Những người có suy nghĩ lệch lạc, buông lời chửi bởi hoặc đặt điều là vì họ suy nghĩ theo bản tính của họ, rồi mặc định người khác cũng như mình. Người tốt hay người xấu chỉ có thể tiếp xúc trực tiếp thôi, không thể nhìn bề ngoài mà phán xét được”, Hạ Vy nói.

Cô chia sẻ, mình đã có trải nghiệm thú vị khi tham gia "Dare Pong"

Cô gái Đà Lạt cho hay, cô có những trải nghiệm tuyệt vời khi tham gia “Dare Pong”. Với cô, đây là trò chơi dựa trên tinh thần tự nguyện, vui vẻ, không sắp xếp, không ép buộc nên vô cùng thú vị.

“Người chơi có những mối quan hệ khác nhau, có khi là người lạ, có khi lại là người yêu cũ. Với những bạn chơi là người lạ thì biết đâu họ lại tìm thấy một nửa của mình hoặc chí ít là quen thêm bạn mới. Với người là tình cũ thì có thể họ lại tìm về với nhau sau khi chơi trò này. Mình nghĩ, mọi người đừng khắt khe quá. Vui thì xem, còn nếu cảm thấy khó chịu thì nên xem hoạt hình hoặc phim hài gì đó”, Vy chia sẻ.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương: Đây là trò chơi gợi dục cần dẹp bỏ

Theo dõi một số thử thách của “Dare Pong”, TS Vũ Thu Hương (Cựu giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) thở dài: “Khi văn hóa ứng xử quá thấp, các bạn trẻ không còn tôn trọng chính giá trị bản thân mình nữa”.

TS Thu Hương cho rằng, những thử thách của trò chơi này không phải là táo bạo hay kịch tính mà là gợi dục và thiếu tự trọng. Nó có những tác động xấu khó lường trước đối với người xem.

“Mọi người còn nhớ trò “Cá heo xanh” không? Ai cũng biết hậu quả của nó là ảnh hưởng đến cả tính mạng nhưng có người vẫn chơi. Vì sự lan tỏa của Internet là không biên giới và khi tâm trạng không tốt người trẻ có thể lao theo trò chơi nguy hiểm này. Vậy với trò không nguy hiểm lắm như “Dare Pong” thì xá gì mà họ không theo? Và cái sự theo ấy sẽ chẳng dừng lại ở việc cởi áo bằng răng, nhảy sexy, hôn sâu người lạ… nữa”, TS Thu Hương nói.

TS Vũ Thu Hương gay gắt phản đối trò chơi "Dare Pong"

Nữ chuyên gia cho rằng, “Dare Pong” không phù hợp với văn hóa Việt, có thể làm đảo lộn cuộc sống và tương lai của cả người chơi lẫn người xem. Đây là thứ ảnh hưởng xấu của Internet và cần loại trừ.

“Người chơi nói rằng họ cảm thấy vui vẻ và phấn khích, được là chính mình khi chơi trò này. Vậy tôi xin hỏi riêng các bạn nữ, nếu bạn chơi của họ là kẻ xấu, sau trò chơi tìm cách hãm hại họ như hiếp dâm, trộm cắp, tống tiền bằng hình ảnh nhạy cảm thì phải làm thế nào? Có gì khẳng định sự an toàn của trò chơi này? Không gì là không thể xảy ra khi tham gia vào trò chơi quá gợi dục như vậy”, TS Thu Hương gay gắt nói.

Nếu tham gia “Dare Pong” để hàn gắn tình yêu hoặc để tìm thấy một nửa phù hợp thì TS Thu Hương lại càng phản đối. Chuyên gia cho rằng, trong tình yêu nên tìm thấy sự hòa hợp về tinh thần trước khi hòa hợp thể xác nhưng cách này lại đề cao sự hòa hợp thể xác trước tinh thần.

“Liệu đó có phải là sự kết hợp lâu dài hay chỉ là tìm kiếm bạn tình trong thời điểm nhất định?”, TS Thu Hương đặt câu hỏi.

Hạ Nhiên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/song-tre/dare-pong-tro-choi-cua-gioi-tre-viet-khien-khan-gia-do-mat-900114.html