Trò chơi bị đánh giá 1 sao vì hướng dẫn trẻ nhảy phản cảm

Bộ trò chơi 'JoJo's Juice' nhận chỉ trích nặng nề vì bị cho là có nội dung liên quan đến tình dục, không phù hợp với trẻ em.

"JoJo's Juice" - bộ trò chơi do Youtuber JoJo Siwa và Nickelodeon hợp tác sản xuất - đang bị đánh giá một sao vì đưa ra những câu hỏi không phù hợp dành cho lứa tuổi thiếu nhi, theo Insider.

Đây là game thẻ bài dành cho trẻ nhỏ từ 6 tuổi trở lên, đang được bán với giá 20 USD tại các siêu thị trên khắp nước Mỹ và trang mua hàng trực tuyến của Walmart, Amazon.

Làn sóng tranh cãi về trò chơi này bắt đầu sau khi Heather Watson, một người dùng TikTok, công khai chỉ ra những điểm khác thường về nội dung của bộ bài.

Theo cô, "JoJo's Juice" chứa nhiều cụm từ nhạy cảm và “sẽ phù hợp hơn nếu xuất hiện trong quảng cáo cho khán giả lớn tuổi”. Đoạn video của Watson thu hút hơn 3 triệu lượt xem.

Các tấm thẻ trong bộ game này bao gồm những câu hỏi như "Ai là người hiểu JoJo nhất?", "Ai hiểu tôi nhất?", "Sự thật hay thách thức?". Người chơi sẽ viết câu trả lời rồi trao đổi cho nhau.

Các yêu cầu như “Học ‘twerking’ (điệu nhảy lắc hông - PV)”, "Hôn một cậu bé"... bị đánh giá là không nên xuất hiện trong trò chơi dành cho trẻ em. Ảnh: Heather Watson.

Các yêu cầu như “Học ‘twerking’ (điệu nhảy lắc hông - PV)”, "Hôn một cậu bé"... bị đánh giá là không nên xuất hiện trong trò chơi dành cho trẻ em. Ảnh: Heather Watson.

Tuy nhiên, xen lẫn trong trò chơi còn có một số câu hỏi có phần nhạy cảm với trẻ nhỏ, chẳng hạn "Bạn đã bao giờ ăn trộm từ cửa hàng chưa?", “Bạn có từng khỏa thân trước mặt ai đó hoặc thấy người nào làm điều tương tự chưa?”, "Bạn từng ra ngoài mà không mặc đồ lót?”...

“Nghe giống như sách ngôn ngữ ‘grooming’ vậy”, một bình luận có hơn 43.000 lượt thích nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội Quốc gia về phòng chống hành vi tàn bạo với trẻ em (National Society for the Prevention of Cruelty to Children - NSPCC), “grooming” là từ được dùng để miêu tả quá trình kẻ xâm hại sử dụng mối quan hệ của họ để thao túng, chiếm lòng tin của trẻ, đôi khi là cả cha mẹ nạn nhân.

Gần đây, bộ phim Cuties - được Netflix sản xuất năm 2020 - cũng bị chỉ trích nặng nề vì những cảnh quay trẻ em nhảy gợi dục. Cuties là nguyên nhân của làn sóng "Cancel Netflix" (tạm dịch: tẩy chay Netflix).

Sau vụ việc này, nhiều dân mạng đã mở rộng định nghĩa về “grooming” và cho rằng các phương tiện truyền thông, phim ảnh có nội dung khiêu dâm hoặc để trẻ em có hành vi tình dục đều bị coi là độc hại.

Trò chơi của JoJo Siwa được quảng cáo rộng rãi trên các kênh truyền hình. Ảnh: Insider.

Không ít phụ huynh đã để lại bình luận, đánh giá thấp cho sản phẩm này trên trang trực tuyến của hãng.

“Trò chơi rất không phù hợp cho trẻ em. Trên đó ghi là dành cho trẻ từ 3 tuổi trở lên nhưng các câu hỏi thì quá phản cảm. Tôi sẽ không giới thiệu nó cho bất kỳ đứa trẻ nào ở mọi lứa tuổi", một phụ huynh phàn nàn.

"Con gái tôi đã nhận được trò chơi này vào dịp Giáng sinh. Tôi đã thu lại vì nó không phù hợp và quá kém chất lượng. Cô bé rất thích chơi game thể loại này nhưng tôi đành phải làm vậy”, một bà mẹ khác đồng tình.

Hôm 4/1, sau những phản hồi của nhiều bậc phụ huynh xoay quanh về trò chơi của Siwa, Nickelodeon và một nhà sản xuất khác của "JoJo's Juice" là Spin Master tuyên bố sẽ thu hồi lại toàn bộ sản phẩm trên thị trường.

"Chúng tôi đánh giá cao quan hệ giữa JoJo Siwa với người hâm mộ của cô, cũng như coi trọng những mối quan tâm liên quan đến trò chơi này. Nó không còn được sản xuất và chúng tôi đã yêu cầu các nhà bán lẻ dỡ bỏ bất kỳ sản phẩm nào còn lại trên kệ", thông báo của Nickelodeon viết.

Siwa cũng đăng một dòng trạng thái trên TikTok nói rằng cô không biết gì về nội dung của "JoJo's Juice".

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tro-choi-bi-danh-gia-1-sao-vi-huong-dan-tre-nhay-phan-cam-post1170215.html