Trợ cấp hàng tháng sẽ tăng khi Pháp lệnh Ưu đãi người có công sửa đổi được ban hành?

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, giữ nguyên các mức trợ cấp ưu đãi người có công và sẽ nghiên cứu điều chỉnh tổng thể các chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng sau khi Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi) được ban hành.

Đề xuất giữ nguyên các mức trợ cấp ưu đãi hàng năm và trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công

Đề xuất giữ nguyên các mức trợ cấp ưu đãi hàng năm và trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công

Bộ LĐ-TB&XH vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Tại tờ trình, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, dự thảo Nghị định quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo 02 phương án.

Trong đó, phương án 1: Điều chỉnh một số mức trợ cấp ưu đãi hàng năm và trợ cấp ưu đãi một lần được quy định bằng số tiền tuyệt đối theo mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng để đảm bảo tính linh hoạt, đồng bộ với các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi khác trong Nghị định.

Kinh phí để thực hiện phương án 1 là 34.760,6 tỷ đồng, tăng thêm 1.356,6 tỷ đồng so với kinh phí thực hiện Nghị định số 58/2019/NĐ-CP (trong đó tăng thêm 135 tỷ đồng là kinh phí để thực hiện điều chỉnh trợ cấp ưu đãi hàng năm và trợ cấp ưu đãi một lần).

Phương án 2: Giữ nguyên các mức trợ cấp ưu đãi hàng năm và trợ cấp ưu đãi một lần được quy định bằng số tiền tuyệt đối hiện hành và sẽ nghiên cứu điều chỉnh tổng thể các chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng sau khi Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi) được ban hành.

Kinh phí để thực hiện phương án 2 là 34.625,6 tỷ đồng, tăng thêm 1.221,6 tỷ đồng so với kinh phí thực hiện Nghị định số 58/2019/NĐ-CP.

Sau khi nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất lựa chọn phương án 2 - giữ nguyên các mức trợ cấp ưu đãi hàng năm và trợ cấp ưu đãi một lần hiện hành.

Lý giải nguyên nhân đề xuất, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước do các hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, vì vậy, nền kinh tế đất nước bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngày 20/5/2020, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và trợ cấp bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết số 86/2019/NQ-QH.

Trong khi đó, Nghị quyết số 86/2019/NQ-QH ngày 12 tháng 11 năm 2019 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 quyết nghị thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 (tăng 7,383%).

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh đang được nghiên cứu, trình ban hành.

Vì vậy, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng sẽ được nghiên cứu, xây dựng đồng bộ nhằm giải quyết cơ bản những bất cập, hạn chế trong chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công hiện hành.

Phạm Phương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/tro-cap-hang-thang-se-tang-khi-phap-lenh-uu-dai-nguoi-co-cong-sua-doi-duoc-ban-hanh/856313.antd