Trợ cấp COVID-19: Bài toán lưỡng nan của Chính phủ Anh

Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan trước dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) và cách ứng phó với dịch bệnh này có thể tác động hoặc thậm chí là định hình nền kinh tế Anh trong nhiều năm tới.

Nền kinh tế Anh đã suy giảm mạnh kể từ khi bắt đầu đại dịch, ước tính tương đương mức giảm 20,4% GDP và lần đầu tiên từ năm 1963, mức nợ công vượt GDP (theo chỉ số trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 5-2020). Ngay từ cuối tháng 3, thời điểm dịch COVID-19 có đợt bùng phát đầu tiên, Chính phủ Anh đã triển khai chương trình can thiệp kinh tế lớn bậc nhất trong lịch sử Anh cũng như đối với bất cứ chính phủ nào trên thế giới.

Sau gói hỗ trợ cho khoảng 5 triệu người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 - cụ thể là trả tiền trợ cấp cho những người bị ảnh hưởng thu nhập bởi lệnh phong tỏa, biện pháp bổ sung nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế Anh - Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak tiếp tục công bố chính sách hỗ trợ lương tương tự cho những người lao động Anh có nguy cơ bị mất việc vì chủ thuê muốn giảm bớt gánh nặng trả lương.

Anh mới nới lỏng các hạn chế đi lại và kinh doanh từ tháng 7 vừa qua.

Anh mới nới lỏng các hạn chế đi lại và kinh doanh từ tháng 7 vừa qua.

Chính sách hỗ trợ ban đầu dự kiến được áp dụng đến giữa tháng 6, song sau đó được gia hạn thêm đến tháng 10 năm nay. Theo giới chức, các chính sách hỗ trợ lương của chính phủ cho các lao động tự do và lao động làm thuê là nhằm đảm bảo việc làm cho 80% người lao động Anh. Song song với các gói hỗ trợ tiền lương, Chính phủ Anh và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng tung ra hàng loạt biện pháp nhằm giảm bớt tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Anh, như 2 lần cắt giảm lãi suất và mở rộng chương trình mua trái phiếu.

Dù thời hạn của gói hỗ trợ đã được kéo dài song dư luận vẫn đang tranh cãi về việc liệu điều này đã đủ để giảm thiểu những thiệt hại và giúp nền kinh tế khôi phục đà tăng trưởng hay chưa. Nếu thu hồi quá sớm các biện pháp hỗ trợ việc làm và tiền lương, Anh sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng thất nghiệp ngay trong bối cảnh những rủi ro khác, chẳng hạn như Brexit, vốn đã đang đe dọa kìm hãm tăng trưởng.

Nếu mở rộng viện trợ - điều mà nhiều chính trị gia đối lập đang thúc giục - chính phủ có thể sẽ gặp nhiều trở ngại hơn cho việc thúc đẩy những cải tổ cần thiết do sự trì trệ của lực lượng lao động.

Cả hai lựa chọn đều khá “tốn kém”. Tính đến nay, chương trình hỗ trợ việc làm và tiền lương mà Bộ trưởng Sunak khởi xướng đã tiêu tốn tới hơn 35 tỷ bảng Anh (tương đương 46 tỷ USD). Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng cùng hoạt động kém hiệu quả của các công sở và doanh nghiệp rất có thể sẽ khiến phí tổn leo thang trong dài hạn - một thực tế dễ đem đến những hậu quả chính trị cho đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson.

Tình hình tại Anh được cho là khắc nghiệt hơn ở nhiều quốc gia khác do quãng thời gian đóng cửa và phong tỏa các hoạt động kinh tế kéo dài. Hầu hết các doanh nghiệp và công sở không được phép mở cửa trở lại cho đến ngày 4-7 vừa qua, trong khi nhiều quốc gia châu Âu đã bắt đầu dỡ bỏ dần các hạn chế từ tháng 5.

Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia, khoảng 7,5 triệu người Anh - tương đương hơn 1/5 lực lượng lao động, đã không được nhận lương từ tháng 6 và cũng không rõ bao nhiêu trong số này có thể tìm được việc làm mới trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia thậm chí còn cho rằng chương trình trợ cấp tiền lương của chính phủ đang duy trì một lượng lớn các công việc “xác sống”, nghĩa là có những người trên danh nghĩa có việc làm nhưng lại không có lương từ chủ thuê và điều này về lâu dài là không có lợi cho việc thúc đẩy một nền kinh tế năng động.

Nợ công của Anh được dự đoán có thể vượt quá mức 100% sản lượng kinh tế. Tất nhiên, nền kinh tế Anh đang có những dấu hiệu phục hồi đáng chú ý. Trong tháng 6, tăng trưởng đạt mức kỷ lục 8,7%. Số liệu từ hãng thống kê Adzuna cho thấy tổng khối lượng quảng cáo việc làm trực tuyến từ cuối tháng 7 tới đầu tháng 8 đã tăng lên 62% từ mức trung bình trong năm 2019 là 53%, mức tăng hằng tuần lớn nhất trong năm nay.

Springboard mới đây cũng công bố số liệu chỉ ra rằng tổng lượng bán lẻ đã tăng lên tương đương 2/3 mức của năm 2019 khi so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các ngành công nghiệp đều ghi nhận hơn 90% các doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động kinh doanh từ gần 1 tháng nay.

Tuy nhiên, BoE cho biết sức mạnh và sức bền của đà phục hồi phụ thuộc vào tình trạng việc làm. Những người thất nghiệp không chi tiêu nhiều và họ có xu hướng mất dần các kỹ năng của mình theo thời gian, dẫn đến ảnh hưởng đối với tổng năng suất lao động của nền kinh tế. Công đảng đối lập và Hiệp hội Công đoàn kêu gọi chính phủ mở rộng hỗ trợ, với lập luận rằng chế độ an sinh xã hội mạnh mẽ hơn sẽ giúp người lao động dễ tìm được việc làm mới. Họ cho rằng chính phủ nên gạt bỏ kế hoạch thu hồi gói hỗ trợ mà Bộ trưởng Sunak dự kiến tiến hành vào tháng 10 tới, với lý do mức lãi suất cực thấp hiện nay đồng nghĩa với việc Bộ Tài chính và ngân khố hoàn toàn có thể chi trả gói hỗ trợ này.

Việc xác định rõ những khu vực nào của nền kinh tế có thể hồi phục được về tình trạng trước đại dịch nếu nhận được những hỗ trợ kịp thời, khu vực nào sẽ sụp đổ hay suy thoái nặng nề, là điều không hề đơn giản. Các số liệu gần đây cho thấy trong số các lĩnh vực chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất là các dịch vụ kinh doanh nhà hàng và khách sạn, tiếp đến là lĩnh vực tài chính, bất động sản. Trong khi đó, xây dựng là lĩnh vực có sự phục hồi mạnh mẽ nhất tính từ tháng 6 vừa qua tới nay.

Việc làm là vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay của nhiều người dân Anh. Một cuộc khảo sát được hãng YouGov tiến hành hồi trung tuần tháng 8 cho thấy 40% số người được hỏi nói rằng họ lo lắng về nguy cơ thất nghiệp, trong khi 60% khác bi quan rằng suy thoái sẽ kéo dài ít nhất 18 tháng.

Trong bối cảnh này, tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ càng tăng mạnh nếu chính phủ rút lại các gói hỗ trợ quá vội vã. Cuộc chiến chống COVID-19 và những ảnh hưởng mà dịch bệnh này để lại rất có thể sẽ phải trở thành cuộc chiến để ngăn ngừa những “vết sẹo” trầm trọng hơn.

Thái Hân (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/tro-cap-covid-19-bai-toan-luong-nan-cua-chinh-phu-anh-612014/