Trịnh Tam Tỉnh – Người lãnh đạo chính quyền vùng phên dậu Đông Bắc

Cách mạng tháng Tám 1945, Hòn Gai khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Hòn Gai được thành lập, ông Trịnh Tam Tỉnh làm Phó Chủ tịch phụ trách Ty Liêm phóng (nay là ngành Công an).

Thuở ban đầu dân quốc

Về xây dựng cơ sở tại Hòn Gai từ tháng 3 năm 1945 đến năm 1947 nhận công tác mới tại Liên khu III, ông Trịnh Tam Tỉnh đã có những cống hiến quan trọng trong việc xây dựng chính quyền tại tỉnh Quảng Ninh - vùng đất phên dậu biên giới Đông Bắc - những ngày đầu lập nước.

Sách "Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, tập 1: 1928 - 1945" do Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng - Tỉnh ủy Quảng Ninh, xuất bản năm 1985, viết về Khu mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả cho biết: Sau cuộc đảo chính Nhật lật đổ Pháp, thay mặt cho Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Lê Thanh Nghị đã cử đồng chí Trịnh Tam Tỉnh và một vài đảng viên khác ra xây dựng cơ sở Việt Minh ở Khu mỏ.

Chỉ trong một thời gian ngắn, các đồng chí cán bộ được trên cử về đã xây dựng được nhiều nhóm Việt Minh ở Khu mỏ. Tại Hòn Gai, ta đã xây dựng được cơ sở Việt Minh ở Nhà máy Cơ khí, mỏ Hà Tu, mỏ Hà Lầm, phố Ba Đèo, phố Vụng Đâng… Tại Cẩm Phả, ta cũng xây dựng được cơ sở Việt Minh ở Nhà máy Cơ khí, trục số 2…

Ông Trịnh Tam Tỉnh (1907 - 1992) - Tư liệu Công an tỉnh Quảng Ninh cung cấp.

Ông Trịnh Tam Tỉnh (1907 - 1992) - Tư liệu Công an tỉnh Quảng Ninh cung cấp.

Sau một thời gian, cơ sở Việt Minh được xây dựng và phát triển nhanh chóng ở Nhà máy cơ khí Hòn Gai, mỏ than Hà Tu, Hà Lầm, phố Ba Đèo, Vựng Đâng… Uy tín của Mặt trận Việt Minh ngày càng cao, có ảnh hưởng ngày càng lớn trong công nhân và các tầng lớp nhân dân. Công nhân mỏ và nhân dân Hòn Gai sôi sục khí thế cách mạng, náo nức chờ ngày khởi nghĩa giành chính quyền.

Sách "Lịch sử Công an Nhân dân Việt Nam, tập I: 1945-1946" do Bộ Công an biên soạn, đã viết chi tiết: "Chiều ngày 26-8-1945, ta tổ chức một cuộc mít tinh lớn ở sân vận động Hòn Gai biểu dương lực lượng, có một đại đội quân cách mạng từ chiến khu Đông Triều và tự vệ địa phương hỗ trợ…

Quân khởi nghĩa vào tiếp quản các công sở của địch ở thị xã. Một bộ phận của lực lượng vũ trang do các đồng chí Trịnh Tam Tỉnh, Đỗ Quý Ngọc chỉ huy đã chiếm lĩnh Ty Liêm phóng và Ty Cảnh sát của địch. Sau đó đồng chí Trịnh Tam Tỉnh được Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời khu đặc biệt Hòn Gai giao nhiệm vụ xây dựng và lãnh đạo Ty Liêm phóng Hòn Gai".

Giữ chính quyền trong tình thế hiểm nghèo

Trong lúc chính quyền cách mạng vừa được thành lập thì quân Việt Cách do Vũ Kim Thành cầm đầu kéo vào Hòn Gai, Quảng Yên gây rối; phỉ người Hoa do Đường Thế Dân cầm đầu từ Bang Trới (Hoành Bồ) kéo sang Hòn Gai, Sư đoàn 60 thuộc Quân đoàn 62 của Tưởng Giới Thạch với danh nghĩa lực lượng Đồng Minh đến. Liên quân này đã liên tiếp gây khó khăn cho chính quyền cách mạng và bắt bớ những người lãnh đạo chủ chốt, trong đó có ông Trịnh Tam Tỉnh.

Chỉ huy Sư đoàn 60 đã hạ lệnh cho các đơn vị nổ súng tấn công đơn vị vũ trang cách mạng đóng ở đồi cao. Khi ông Trịnh Tam Tỉnh đến gặp quân Tưởng thương lượng và hòa giải, bất chấp nguyên tắc ngoại giao, chúng bắt luôn ông Tỉnh và tấn công vào nội thị Hòn Gai.

Đại diện Công an tỉnh Quảng Ninh đón tiếp PGS.TS Trịnh Đông A và gia đình ông Trịnh Tam Tỉnh. (Ảnh: Kiều Mai Sơn).

Ông Dương Danh Tiếp, nguyên Cảnh sát trưởng Đặc khu Hòn Gai (1945-1946), nguyên Chủ tịch Trọng tài Kinh tế tỉnh Quảng Ninh, đã xác nhận: Trong thời gian công tác ở Quảng Ninh, đã hai lần ông Trịnh Tam Tỉnh bị các lực lượng phản cách mạng bắt giam. Có lần đã suýt bị thả trôi sông nhưng may mắn đều được quần chúng giải thoát kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Lai (đội viên Đại đội Hồ Chí Minh - Quảng Ninh) và quần chúng khu vực Lán Bè đã mưu trí tìm cách giải thoát Chủ tịch Đặc khu Trịnh Tam Tỉnh, cùng Bí thư Tỉnh ủy Cao Tử Kiến.

"Tiếng chuông nhà thờ đổ hồi. Mười hai giờ đêm. Xung quanh chỗ giam các anh Tỉnh… im như chết. Một tên lính gác tay cầm súng, đi đi lại lại trước cửa. Thỉnh thoảng nó chiếu đèn pin lên gác. Một tên Việt Cách cao to say rượu lảo đảo từ phía dưới lên, mắt liếc ra sau nhà và đảo lên gác. Đến sát tên lính gác, tên lính say giọng lè nhè, rút thuốc lá ra mời tên lính gác. Rồi hắn kéo tên lính gác xuống đất, giở chuyện trai gái ra tán gẫu với tên lính gác.

Đằng sau nhà, dưới chỗ giam, có một bóng đen ném lên trên gác một cuộn dây. Cuộn dây từ từ thòng xuống. Một bóng đen, rồi hai, ba bóng đen theo dây tụt xuống. Bỗng dây bị đứt, một bóng đen bị ngã xuống đất. Bóng đen ấy là Cao Tử Kiến, Chủ nhiệm Việt Minh, Bí thư Chi bộ Đảng ở Hồng Gai. Anh Kiến người to quá, dây chịu không nổi nên bị đứt.

Hai, ba bóng đen từ các bờ tường chạy vội ra, đỡ anh Kiến dậy và đưa quần áo cho các anh mặc.

Chết! Còn anh Trịnh Tam Tỉnh nữa. Dây đứt rồi, anh làm sao xuống được? Nhưng mọi người đã thở phào, mừng rỡ khi thấy anh Tỉnh lợi dụng điện tối chúng chủ quan và tên lính gác đã bị "tên lính say" Lai ốp, đã lẩn ra cửa được…".

Đến tháng 3 năm 1946, khi ông Bùi Đình Đổng - Chủ sự Ty Liêm phóng (Công an) thành phố Hải Phòng chuyển đi nhận công tác khác, ông Trịnh Tam Tỉnh - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hòn Gai về Hải Phòng được Thành ủy giao trách nhiệm thống nhất hai lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát thành Ty Công an Hải Phòng. Ông Trịnh Tam Tỉnh làm Trưởng ty Công an Hải Phòng. Đồng thời, ông Nguyễn Ngọc Bích - cán bộ của Nha Công an được cử về làm Phó ty Công an Hải Phòng.

Thế hệ vàng cách mạng Việt Nam

Hòn Gai - Quảng Yên (nay là tỉnh Quảng Ninh) năm 1946 là vùng đất phên dậu của Tổ quốc đầy sóng gió. Phải có những cán bộ dày dạn kinh nghiệm và đầy bản lĩnh như ông Trịnh Tam Tỉnh mới có thể đứng mũi chịu sào, đương đầu với đủ các lực lượng thù trong giặc ngoài.

Không chỉ quân Pháp vào chiếm đóng, mà lực lượng Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt Cách), và cả quân phỉ dọc dải biên giới nổi lên. Trung ương một lần nữa tin tưởng phái ông Trịnh Tam Tỉnh từ Trưởng ty Công an Hải Phòng tiếp tục ra làm Chủ tịch Đặc khu Hòn Gai.

Không phụ sự tin cậy của Trung ương Đảng, cái tên Tỉnh "Voi" lừng lẫy ở các nhà tù Côn Đảo, Sơn La một thời, nay lại lo đoàn kết các lực lượng yêu nước địa phương, đối đầu với kẻ thù một cách khôn khéo.

Tháng 12 năm 1946, quân Pháp đổ bộ vào Đặc khu Hòn Gai và gửi tối hậu thư cho ta đòi phải nộp vũ khí. Chủ tịch Đặc khu Trịnh Tam Tỉnh cùng Ủy ban Kháng chiến rút vào chân núi Bài Thơ. Từ đây, ông tiếp tục lãnh đạo tổ chức, vận động đồng bào tản cư vào Cao Xanh, Xích Thổ... Đến giữa năm 1947, Trung ương điều động ông Trịnh Tam Tỉnh về làm Trưởng ban Dân quân Liên khu III.

Ông Nguyễn Đức Tâm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh sinh thời cho biết: Ông Trịnh Tam Tỉnh được cử tri tỉnh Quảng Yên (nay là tỉnh Quảng Ninh) tín nhiệm bầu vào Quốc hội khóa đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946).

"Tháng 3 năm 1946, đồng chí Trịnh Tam Tỉnh được Hồ Chủ tịch gọi lên Bắc Bộ Phủ để báo cáo tình hình và nhận sự chỉ đạo trong tình hình mới. Trở về Hòn Gai, đồng chí tiếp tục lãnh đạo việc củng cố chính quyền và các đoàn thể quần chúng cho đến ngày Toàn quốc Kháng chiến (19/12/1946)", ông Nguyễn Đức Tâm xác nhận.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân - nguyên Trưởng phòng Tư liệu - Viện Sử học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho biết: "Cụ Trịnh Tam Tỉnh là nhà yêu nước và cách mạng tiêu biểu ở tỉnh Thái Bình. Gia đình cụ, từ ông bà thân sinh đến các con trai, con gái, con rể... cũng đều là những nhân vật xuất sắc của tỉnh Thái Bình nói riêng và đất nước ta nói chung. Tôi vô cùng ngưỡng mộ, chỉ tiếc là chưa đủ tài và chưa có đủ thì giờ để nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ hơn về họ - những người xuất sắc của thế hệ vàng cách mạng Việt Nam".

Từ năm 2007, gia đình ông Trịnh Tam Tỉnh đã gửi đơn đề nghị Quảng Ninh xem xét đặt tên đường phố Trịnh Tam Tỉnh. Việc này, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân bày tỏ: "Riêng về cụ Trịnh Tam Tỉnh, việc đặt tên đường, tên trường học ở huyện Vũ Thư, ở thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình) và ở tỉnh Quảng Ninh là việc nên làm".

Các cán bộ lão thành tỉnh Quảng Ninh cũng đồng tình ủng hộ. Ông Vũ Cẩm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Trưởng ban liên lạc kháng chiến liên tỉnh Quảng Yên - Hồng Gai - Hải Ninh, trong một văn bản gửi Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Ninh (2017) cũng đề nghị đặt tên đường Trịnh Tam Tỉnh.

Tiếp đó, ông Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khi trò chuyện cùng PGS.TS Trịnh Đông A, trưởng nam ông Trịnh Tam Tỉnh, cũng bày tỏ: "Cụ Trịnh Tam Tỉnh và em trai Trịnh Bá Nùng phụ trách Trưởng ty Công an Quảng Ninh đều có công lao, đóng góp rất lớn đối với địa phương. Việc đặt tên cụ Trịnh Tam Tỉnh cho đường phố ở Hạ Long và các thành phố khác là rất xứng đáng".

"Hiện nay, tên ông Trịnh Tam Tỉnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Đại biểu Quốc hội khóa I (1946) đã được đưa vào quỹ đặt tên đường. Trong thời điểm thích hợp, các đơn vị chức năng sẽ xem xét để đặt tên đường phố Trịnh Tam Tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh" (Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Ninh).

------------------------------------------------------

Ông Trịnh Tam Tỉnh (1907-1992), quê làng Vô Ngại, huyện Thư Trì, nay thuộc xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tại nhà tù Côn Đảo. Trong kháng chiến chống Pháp ông được cử giữ nhiều trọng trách ở các Liên khu III - IV... Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (1984).

Kiều Mai Sơn

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/trinh-tam-tinh-nguoi-lanh-dao-chinh-quyen-vung-phen-dau-dong-bac-569860/