Trình Quốc hội xét chuyển 3 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công

Chính phủ đề xuất 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam cấp bách nhất sẽ được chuyển sang đầu tư công, giữ lại 5 dự án tiếp tục đầu tư PPP.

Theo nội dung tờ trình của Chính phủ dự kiến trình bày trước Quốc hội ngày 9/6, 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sẽ được điều chỉnh phương án đầu tư theo hướng chuyển sang đầu tư công các dự án cấp bách, không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển.

Thay vì đưa ra 3 kịch bản điều chỉnh, tờ trình này đã tiếp thu góp ý của Thường vụ Quốc hội và thống nhất chỉ đưa ra 1 phương án để xin ý kiến Quốc hội.

 Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được chuyển sang đầu tư công để có thể đấu nối ngay với tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã đi vào hoạt động. Ảnh: Zing.

Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được chuyển sang đầu tư công để có thể đấu nối ngay với tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã đi vào hoạt động. Ảnh: Zing.

Theo đó, Chính phủ sẽ giữ nguyên phương án đầu tư công với 3 dự án là Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và Cầu Mỹ Thuận 2.

Đối với 8 dự án dự định đầu tư PPP, Chính phủ chuyển 3 dự án cấp bách nhất sang đầu tư công gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây (2 dự án giáp Hà Nội, TP.HCM) và dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết (không có nhà đầu tư qua sơ tuyển).

5 dự án còn lại tiếp tục được đầu tư theo hình thức PPP là Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Các dự án tiếp tục triển khai theo kết quả sơ tuyển nhà đầu tư đã công bố.

Chính phủ cho biết việc chuyển 3 dự án PPP sang đầu tư công sẽ giảm tổng mức đầu tư 11 dự án xuống còn 100.816 tỷ đồng so với dự toán 102.513 tỷ đồng (giảm 1.697 tỷ đồng). Chi phí đầu tư công rẻ hơn đầu tư PPP vì giảm được tiền lãi vay ngân hàng.

Ngoài ra, thêm 3 dự án chuyển sang đầu tư công sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án. Chính phủ ước tính các dự án đầu tư công có thể khởi công, giải ngân các gói thầu đầu tiên trong tháng 9 năm nay và hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2022 (trừ dự án cầu Mỹ Thuận 2), nhanh hơn nhiều so với các dự án PPP.

Dù giảm được chi phí và đẩy nhanh tiến độ nhưng Chính phủ tính toán phương án này cũng có hạn chế như Nhà nước phải bỏ ra 78.461 tỷ đồng, trước đó vốn ngân sách mới chuẩn bị được 55.000 tỷ nên phải bố trí thêm 23.461 tỷ đồng nữa. Vốn huy động ngoài ngân sách sẽ giảm xuống còn 22.355 tỷ đồng.

Khi chuyển sang đầu tư công, cả 3 dự án này đều là các dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, tức là thuộc nhóm quan trọng quốc gia, cấp quyết định đầu tư không còn là Bộ GTVT mà phải là Chính phủ.

Để sớm đẩy nhanh tiến độ khởi công, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép cấp quyết định đầu tư dự án trước đây (Bộ GTVT) tiếp tục thực hiện thẩm quyền quyết định đầu tư sau khi chuyển đổi hình thức đầu tư.

Việc chuyển một số dự án sang đầu tư công cũng có thể ảnh hưởng đến doanh thu các dự án PPP trên quốc lộ và các dự án song hành do các phương tiện sẽ lựa chọn đường cao tốc để lưu thông nếu không phải trả phí.

Do đó, tờ trình kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng phương án thu phí hoàn vốn cho Nhà nước tại các dự án sử dụng 100% vốn đầu tư công.

Theo nghị trình kỳ họp Quốc hội thứ 9, chiều 9/6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền Thủ tướng đọc tờ trình trước Quốc hội về việc điều chỉnh phương án đầu tư cao tốc Bắc - Nam. Quốc hội sau đó sẽ thảo luận ở tổ về vấn đề này.

Đến ngày 18/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc Nam. Chính phủ và Bộ GTVT sẽ căn cứ quyết định này để tiếp tục triển khai dự án

Ngọc Tân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trinh-quoc-hoi-xet-chuyen-3-du-an-cao-toc-bac-nam-sang-dau-tu-cong-post1093256.html