Trình Quốc hội xem xét hai phương án về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tiếp tục nêu hai phương án để thảo luận, xin ý kiến.

Cổng thông tin điện tử Quốc hội cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội vừa thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp 42 vừa qua.

Thông báo cho biết, về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, UBTVQH tán thành việc xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều như đã trình Quốc hội và 9 nội dung dự kiến tiếp thu đã nêu trong Báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật.

UBTVQH giao Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến tại phiên họp UBTVQH, ý kiến tham gia của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan để chỉnh lý dự thảo Luật và thực hiện các bước tiếp theo, kịp trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2020).

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (Ảnh: Quốc hội)

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (Ảnh: Quốc hội)

Trong đó, về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tiếp tục nêu hai phương án để thảo luận, xin ý kiến.

Phương án 1: Quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội, trong đó nghiên cứu cơ chế dành tỷ lệ nhất định (khoảng 5%) cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng đủ điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, trí tuệ và uy tín có thể tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội.

Phương án 2: Giữ quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành.

Về Đoàn đại biểu Quốc hội, tiếp tục xác định Đoàn đại biểu Quốc hội là hình thức tổ chức của các đại biểu Quốc hội được bầu ở địa phương để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Đoàn đại biểu Quốc hội không phải là cơ quan của Quốc hội. Kinh phí bảo đảm cho hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội do ngân sách trung ương bảo đảm; ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí hoạt động cho bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội.

UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thành tổng kết việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành một Văn phòng chung, trong đó thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ về phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, báo cáo UBTVQH trong tháng 02-2020.

Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, tiếp tục nêu 02 phương án để thảo luận, xin ý kiến.

Phương án 1: Giữ như quy định hiện hành, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gồm: Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách và các Ủy viên khác nhưng mở rộng cơ cấu của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực và Ủy viên Chuyên trách.

Phương án 2: Quy định Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gồm: Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên; còn việc xác định bộ phận Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban để hoạt động chuyên trách, thường xuyên tại Hội đồng, Ủy ban sẽ do UBTVQH quy định.

Về chuyển các Ban thuộc UBTVQH thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, UBTVQH nhấn mạnh đây là nội dung rất quan trọng, qua thảo luận còn có ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến tán thành việc chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội; có ý kiến còn băn khoăn về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành các cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội.

UBTVQH đề nghị tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đồng thời cho biết, Đảng đoàn Quốc hội sẽ bố trí một phiên họp để thảo luận kỹ hơn các đề án về bộ máy giúp việc của Quốc hội và các vấn đề liên quan nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tri-nh-quo-c-ho-i-xem-xe-t-hai-phuong-a-n-ve-ty-le-dai-bieu-quoc-hoi-hoat-dong-chuyen-trach-180956.html