Trình Quốc hội việc gia nhập Công ước 98

Báo cáo trước Quốc hội sáng 29-5, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Pháp luật Việt Nam hiện hành chỉ còn một số quy định của Bộ luật Lao động bảo đảm tính tự nguyện trong thương lượng tập thể là chưa hoàn toàn tương thích với Công ước số 98, cần được sửa đổi, bổ sung khi gia nhập Công ước 98. Tuy nhiên, những nội dung liên quan đến vấn đề này đều đã được đưa vào Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Thông tin cụ thể về những nội dung bảo đảm tính tự nguyện trong thương lượng tập thể đã được đưa vào Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) để đảm bảo tương thích với Công ước 98, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết:

Thứ nhất đã bổ sung một trong những nguyên tắc quan trọng của thương lượng tập thể là thương lượng tập thể được tiến hành theo nguyên tắc tự nguyện. Đồng thời, bỏ quy định thương lượng tập thể được thực hiện định kỳ một năm một lần. Việc thương lượng tập thể được tiến hành đột xuất hay định kỳ như thế nào là do các bên quan hệ lao động quyết định trên cơ sở tự nguyện theo đúng tinh thần của Công ước số 98 (Điều 67 Bộ luật Lao động 2012; Điều 66 Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi).

Thứ hai, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc tự nguyện đã được quy định tại Công ước số 98, cần sửa đổi quy định về vai trò đại diện đương nhiên của công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở trong việc đại diện cho người lao động tại nơi chưa có công đoàn cơ sở để tiến hành thương lượng tập thể (bãi bỏ Khoản 3 Điều 188 Bộ luật Lao động 2012).

Thứ ba, sửa đổi quy định về nội dung thương lượng tập thể, bảo đảm cách hiểu thống nhất những quy định về nội dung thương lượng tập thể của pháp luật chỉ là những nội dung có tính gợi ý, mang tính khuyến khích chứ không phải là nội dung bắt buộc phải thương lượng. Việc các bên quan hệ lao động tiến hành thương lượng về nội dung nào là do chính các bên quyết định trên cơ sở nhu cầu của các bên (Điều 70 Bộ luật Lao động 2012; Điều 69 Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi).

Thứ tư, bổ sung các quy định bảo đảm thương lượng tập thể không chỉ được thực hiện ở cấp doanh nghiệp và cấp ngành như quy định hiện hành, mà có thể được thực hiện ở bất kỳ cấp nào như cấp bộ phận doanh nghiệp, cấp vùng, cấp nhóm doanh nghiệp... do chính các bên thương lượng quyết định (Điều 73 Bộ luật Lao động 2012; Điều 72, Điều 73 Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi).

Thứ năm, để đảm bảo tuân thủ nguyên tắc tự nguyện đã được quy định tại Công ước số 98 với một trong các yêu cầu là các bên tranh chấp trong quan hệ lao động không bắt buộc phải lựa chọn trọng tài là thủ tục bắt buộc để giải quyết tranh chấp xuất phát từ thương lượng tập thể, cần sửa đổi không quy định thủ tục trọng tài bắt buộc đối với mọi tranh chấp lao động tập thể về lợi ích xuất phát từ thương lượng tập thể (Điều 206 Bộ luật Lao động 2012; Điều 197 Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Các quy định của pháp luật Việt Nam về cơ bản đã tương thích với các quy định của Công ước số 98"

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Các quy định của pháp luật Việt Nam về cơ bản đã tương thích với các quy định của Công ước số 98"

Ngoài ra một số quy định của 3 nghị định quy định chi tiết Bộ luật Lao động về bảo vệ người lao động và cán bộ công đoàn không bị phân biệt đối xử về việc làm; bảo vệ công đoàn không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động để có thể tiến hành thương lượng tập thể một cách thực chất cũng cần được sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm thực thi có hiệu quả Công ước trên thực tế và đã được đưa vào Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi (Điều 190 Bộ luật Lao động 2012; Điều 175 Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi).

”Ngoài những nội dung kể trên đã được vào vào Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi thì về cơ bản, các quy định của pháp luật Việt Nam tương thích với các quy định của Công ước số 98“, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất

Trước đó, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trình Quốc hội Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Nhấn mạnh việc gia nhập Công ước số 98 có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phân tích:

Về chính trị, việc gia nhập Công ước góp phần khẳng định và thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước. Đồng thời tiếp tục khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của ILO. Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế- quốc tế một cách sâu rộng thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… việc gia nhập Công ước số 98 nói riêng và các Công ước cơ bản còn lại của ILO nói chung là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Về pháp lý, việc gia nhập Công ước sẽ góp phần củng cố, tăng cường cơ sở pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể một cách thực chất, hiệu quả, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Về kinh tế xã hội, việc gia nhập và thực hiện Công ước góp phần giúp thương lượng tập thể thực chất, hiệu quả hơn trên thực tế. “Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, thương lượng tập thể là công cụ, phương tiện quan trọng trong việc phân chia thu nhập, phân chia thành quả của sự phát triển công bằng hơn ở cấp độ xã hội. Cơ chế thương lượng tập thể hiệu quả sẽ góp phần làm giảm thiểu các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, hài hòa quan hệ lao động giữa các bên, tác động tích cực đến nâng cao năng suất lao động. Giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và bảo đảm công bằng xã hội tốt hơn, góp phần ổn định an ninh – chính trị, kinh tế- xã hội”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết.

Báo cáo thuyết minh của Chính phủ về việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung cũng khẳng định: “Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương và điều kiện lao động của người lao động được thực hiện dựa trên thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và tập thể người lao động. Do vậy điều quan trọng là cần thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả, nhất là thương lượng tập thể về tiền lương, nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Việc gia nhập và thực hiện Công ước 98 chính là thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”.

Báo cáo thẩm tra việc gia nhập Công ước 98, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, ý kiến cơ quan thẩm tra tán thành sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 và cho rằng việc gia nhập Công ước số 98 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội. Các Bộ, ngành được Chính phủ lấy ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98.

Công ước số 98 đã được Hội nghị toàn thể của ILO thông qua ngày 1-7-1949. Tính đến tháng 5-2019, đã có 166 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước.

Công ước có 3 nội dung cơ bản là: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; Bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người lao động; Những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/trinh-quoc-hoi-viec-gia-nhap-cong-uoc-98-149914.html