Trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, chiều ngày 20/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe trình bày báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường nghe trình bày báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017

Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường nghe trình bày báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017

Trình bày báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Luật NSNN 2015; năm đầu của thời kỳ ổn định NSNN 2017-2020, với mức điều chỉnh tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên và chi đầu tư tăng cao đã gây áp lực nhất định cho việc lập dự toán và điều hành ngân sách.

Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng của các bộ, ngành, địa phương nên tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch; lạm phát duy trì ở mức thấp; tổng thu ngân sách vượt dự toán; chi NSNN cơ bản tuân thủ các qui định góp phần cho phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội; bội chi thấp hơn dự toán cả số tương đối và số tuyệt đối, nợ công trong giới hạn Quốc hội quyết định.

Về thu NSNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ thu NSNN vượt dự toán 6,7%, nhiều khoản thu đạt hoặc vượt dự toán thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp. Cơ quan thuế, hải quan đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kê khai, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử; triển khai nhiều giải pháp quản lý sử dụng hóa đơn, kiểm soát kê khai, quyết toán thuế, đôn đốc xử lý nợ thuế, nhất là doanh nghiệp lớn, xử phạt các doanh nghiệp chây ỳ chậm nộp thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng cho biết vẫn còn hạn chế trong công tác lập, giao dự toán thu chưa sát thực tế; cơ cấu nguồn thu chưa thực sự bền vững, nhiều khoản thu quan trọng không đạt dự toán; tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp; trốn, lậu thuế; nợ đọng thuế lớn chưa được khắc phục triệt để; còn có khoản thu không đúng đối tượng hoặc không nộp kịp thời vào ngân sách

Về chi ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Chính phủ đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp trong tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách; quản lý chặt chẽ các khoản chi, đảm bảo tiết kiệm chống lãng phí; bám sát mục tiêu, dự toán ngân sách được giao để thực hiện các nhiệm vụ chi góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội và phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế về chi ngân sách như công tác lập, giao dự toán chi ngân sách còn bất cập; vẫn còn tình trạng giao dự toán không đúng quy định; tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm; quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định chưa được khắc phục. Nhiều khoản chi quan trọng không đạt dự toán, vẫn còn tình trạng chưa tuân thủ đúng các tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi. Chi chuyển nguồn NSNN và kết dư ngân sách địa phương lớn, giảm hiệu quả sử dụng ngân sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra

Về bội chi ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, bội chi NSNN năm 2017 là 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP thực hiện, giảm cả số tương đối và tuyệt đối so với dự toán Quốc hội giao (giảm 41.337 tỷ đồng và 0,76% so với GDP), thể hiện Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, điều hành ngân sách và kiểm soát bội chi.

Cùng với đó, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để kiểm soát nợ công, dư nợ công năm 2017 bằng 61,37% GDP và dư nợ Chính phủ bằng 51,67% GDP đều trong giới hạn cho phép. Song do tổng số nợ công tăng thêm so với 2016 là 7,13%, số tiền 204.413 tỷ đồng, quy mô nợ tiếp tục tăng qua các năm, Chính phủ cần quan tâm để tiếp tục kiểm soát nợ công và cải thiện dần khả năng trả nợ trực tiếp từ thặng dư ngân sách.

Qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính – Ngân sách thống nhất với báo cáo, số liệu của Chính phủ và trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2017 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN bao gồm cả nguồn năm 2016 chuyển sang năm 2017, thu kết dư NSĐP năm 2016, và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN và chênh lệch bội thu với bội chi NSĐP để trả nợ gốc. Tổng số chi cân đối NSNN bao gồm cả nguồn năm 2017 chuyển sang năm 2018. Bội chi NSNN bằng 2,74% GDP (không bao gồm kết dư NSĐP).

Bảo Yến - Nhóm ảnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=40340