Trình Quốc hội Nghị quyết xử lý tiền nợ thuế không còn khả năng thu tại kỳ họp thứ 8

Cuối giờ sáng 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra.

Cần cơ chế xử lý nợ không thể thu hồi phát sinh trước 1/7/2020

Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua, cơ quan quản lý thuế đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hồi nợ đọng thuế, do đó số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2018 là 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm 31/12/2017, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ. Cơ quan thuế quản lý 37.572 tỷ đồng, cơ quan Hải quan quản lý 3.815 tỷ đồng.

Mặt khác, Luật Quản lý thuế năm 2006 đã qua ba lần bổ sung, sửa đổi, tuy nhiên Luật Quản lý thuế hiện hành chưa có quy định để xử lý nợ thuế đối với người nộp thuế đã chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh và thực sự không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, nên số nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tồn tại dây dưa kéo dài.

Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế 2019 vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, trong đó đã có quy định để xử lý nợ cho các đối tượng này, như khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, không tính tiền chậm nộp nhưng các quy định này chỉ áp dụng cho đối tượng nợ thuế phát sinh từ ngày 1/7/2020 trở đi, không áp dụng đối với các trường hợp nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2020.

Từ tình hình trên, để giải quyết nợ đọng thuế không còn khả năng nộp ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ của người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước nhằm tạo cơ chế pháp lý để xử lý dứt điểm tiền thuế nợ, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm không còn khả năng thu của các đối tượng đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, thực tế đã phá sản, giải thể nhưng chưa thực hiện các thủ tục phá sản, giải thể theo quy định pháp luật, người nộp thuế đã chấm dứt kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh; xử lý tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho những người nộp thuế có phát sinh nợ thuế, bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác.

Nợ thuế cuối năm 2018 tăng 4% so với thời điểm 31/12/2017. Ảnh: HV.

Thống nhất ban hành Nghị quyết

Thẩm tra báo cáo này, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với Chính phủ về nguyên tắc xử lý nợ. Tuy nhiên, để bảo đảm minh bạch, gắn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khoanh nợ, xóa nợ, đề nghị nghiên cứu bổ sung nguyên tắc quy định về trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định của pháp luật và theo quy định của tổ chức Đảng.

Bên cạnh đó đưa vào dự thảo Nghị quyết quy định đối với trường hợp các đối tượng được xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp khi quay lại sản xuất kinh doanh thì phải hủy quyết định xóa nợ, khoanh nợ (nếu có) và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa. Theo ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, để khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp quay lại sản xuất kinh doanh, đề nghị chỉ thu hồi đối với các trường hợp được xóa do bỏ trốn, bỏ địa chỉ kinh doanh và trường hợp do vi phạm pháp luật.

Thống nhất với việc ban hành Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, Luật Quản lý thuế hiện hành chưa xử lý hết những trường hợp còn vướng mắc trong 10 năm trở lại đây, nên chúng ta mới đặt vấn đề ban hành Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. Song các quy định trong Nghị quyết cần chặt chẽ, tránh trường hợp lợi dụng để trốn thuế.

"Ví như, trường hợp chỉ cần nộp đơn yêu cầu phá sản hoặc Tòa án mới thụ lý, chưa giải quyết đã xóa nợ. Chúng ta chỉ xóa nợ thuế khi Tòa án đã khẳng định là doanh nghiệp phá sản" - Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần làm rõ nguyên nhân và nêu tên một cách công khai từng tổ chức, cá nhân sẽ được xóa nợ thuế.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ rà soát toàn bộ các luật liên quan đến quản lý thuế từ năm 2006, 2012, 2014, 2016, 2019, xem những khoản nào chưa có quy định liên quan đối tượng cần phải xử lý mới đưa vào Nghị quyết của Quốc hội, thực hiện đúng tinh thần Điều 152 - điều khoản chuyển tiếp của Luật Quản lý thuế năm 2019, bảo đảm phủ hết các đối tượng không có khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Chính phủ cũng cần làm rõ trách nhiệm của đối tượng nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, cán bộ các bộ, ngành, địa phương liên quan đến tình trạng để nợ đọng thuế trong thời gian vừa qua để báo cáo QH. Đặc biệt ở con số 41.000 tỷ đồng không thể thu hồi được; sâu hơn nữa là hơn 11.000 tỷ sẽ xóa theo tinh thần Nghị quyết này.

Các đơn vị phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện dự án Luật để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 theo thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/trinh-quoc-hoi-nghi-quyet-xu-ly-tien-no-thue-khong-con-kha-nang-thu-tai-ky-hop-thu-8-111670.html