TRÌNH QUỐC HỘI DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG NHIỄM VI RÚT GÂY RA HỘI CHỨNG SUY GIẢM MIỄN DỊCH MẮC PHẢI Ở NGƯỜI (HIV/AIDS)

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 23/10, Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sau khi Luật HIV 2006 được ban hành, hệ thống chính sách, pháp luật và các hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS đã được xây dựng đầy đủ, kịp thời. Hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến được kiện toàn. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai rộng rãi, đồng bộ và có hiệu quả cao. Trung bình, hằng năm xét nghiệm HIV cho trên 700.000 lượt người có nguy cơ cao, phát hiện 8.000-10.000 người nhiễm HIV. Hiện nay đang điều trị thường xuyên, liên tục cho 53.000 nghiện ma túy bằng thuốc thay thế Methadone và 150.000 bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc ARV. Trong 12 năm qua, tình hình dịch HIV/AIDS liên tục thuyên giảm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng được khống chế ở mức dưới 0,3%.

Theo ước tính của UNAIDS, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 400.000 người không bị nhiễm HIV và 150.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam thuộc 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới hiện nay cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ. Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng trên thế giới về phòng, chống HIV/AIDS.

Tuy nhiên, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ ra rằng, thực tiễn thi hành cho thấy, một số quy định của Luật HIV đã bộc lộ các tồn tại, bất cập như: Việc quy định đối tượng được thông báo, tiếp cận thông tin người nhiễm HIV còn thiếu và chưa đảm bảo tính thống nhất với các luật về khám chữa bệnh, bảo hểm y tế; chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc giám sát dịch HIV/AIDS và tiếp cận để hỗ trợ, điều trị sớm cho người nhiễm HIV. Quy định về xét nghiệm cho trẻ em dưới 16 tuổi, bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối không còn phù hợp với thực tiễn. Sự không thống nhất giữa Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật phòng, chống ma túy và Luật HIV về quy định người nghiện ma túy tự nguyện tham gia điều trị nghiện bằng thuốc thay thế dẫn đến họ vẫn có thể bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Việc huy động cho Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV rất hạn chế và hiện đã được các chính sách khác bảo đảm nên không cần thiết duy trì quỹ này.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật HIV là cần thiết để bảo đảm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Nghị quyết 20-NQ/TW. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật mới trong phòng, chống HIV/AIDS đòi hỏi phải sửa đổi các quy định để đáp ứng kịp thời và phát huy hiệu quả. Nguồn kinh phí hiện nay không bảo đảm thực hiện đầy đủ các chính sách phòng, chống HIV/AIDS và cần huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Từ những lý do nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HIV 2006 là cần thiết.

Về bố cục, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HIV được bố cục gồm 3 Điều như sau: Điều 1: Sửa đổi, bổ sung 14 điều của Luật HIV 2006. Điều 2: Bãi bỏ 2 Điều của Luật HIV 2006, bao gồm Điều 42 và Điều 44. Điều 3: Hiệu lực thi hành.

Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Luật vẫn giữ nguyên quy định về phạm vi điều chỉnh theo Luật HIV 2006.

Các đại biểu nghe Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Về các nội dung cơ bản, Dự thảo Luật dựa trên hai chính sách: Bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và Bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng. Cụ thể như sau:

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 03 khái niệm tại Điều 2 về giải thích từ ngữ để bảo đảm cách hiểu thống nhất, chính xác với nội dung dự thảo Luật; Bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV cho người có quan hệ tình dục với mình để phòng lây nhiễm HIV cho người đó (Điểm a, khoản 1 Điều 4 Luật HIV 2006); Điều chỉnh, bổ sung một số đối tượng được ưu tiên tiếp cận truyền thông về HIV/AIDS (Khoản 2 Điều 11 Luật HIV 2006); Bổ sung trường hợp cơ quan thông tin đại chúng được thu phí truyền thông về HIV/AIDS theo đặt hàng để phù hợp với thực tiễn về tự chủ tài chính hiện nay. Chỉnh sửa tên một số cơ quan, tổ chức của nhà nước có thay đổi so với trước (Khoản 3, 7 Điều 12 và Điều 18 Luật HIV 2006); Mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được triển khai một số dịch vụ HIV/AIDS (Điều 20 Luật HIV 2006);

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng Luật hóa để quy định cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại hiện đang thực hiện theo quy định của Chính phủ (Điều 21 Luật HIV 2006); Giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi cho phù hợp với thực tiễn (Điều 27 Luật HIV 2006); Quy định cụ thể các kỹ thuật xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu phát triển kỹ thuật hiện nay. Bổ sung quy định người được xét nghiệm HIV cung cấp thông tin cá nhân để nhận kết quả xét nghiệm khẳng định HIV (Điều 29 Luật HIV 2006); Bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm quyền lợi của người nhiễm HIV trong điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh và tăng hiệu quả cho công tác giám sát, kiểm soát dịch HIV/AIDS (Điều 30 Luật HIV 2006); Bổ sung nguồn chi trả xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai từ Quỹ Bảo hiểm y tế (Điều 35 Luật HIV 2006); Bổ sung biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV để tăng tiếp cận và hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người có nguy cơ lây nhiễm HIV (Điều 36 Luật HIV 2006); Quy định cụ thể hơn về nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS bảo đảm thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam (Điều 43 Luật HIV 2006); Bãi bỏ Điều 42 về tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt đối với người bị AIDS giai đoạn cuối; Bãi bỏ Điều 44 về Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV để phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 792 của UBTVQH14. Chính phủ sẽ đề xuất ghép nội dung của Quỹ này trong một Quỹ chung về lĩnh vực y tế khi xây dựng Luật phòng bệnh trình Quốc hội trong nhiệm kỳ tới.

Ngoài ra, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung quy định về việc bảo đảm người nghiện ma túy được tiếp tục điều trị nghiện bằng thuốc thay thế trong cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc trong cơ sở giam giữ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi và Luật phòng, chống ma túy sửa đổi đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này vì nội dung này thuộc phạm vi điều chỉnh của hai Luật trên để bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS liên tục, hiệu quả của người nghiện ma túy và tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật phòng, chống ma túy với pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nêu rõ, các chính sách trong Dự thảo Luật không làm phát sinh tổ chức mới, không tăng biên chế. Nguồn lực để triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS do Nhà nước chi trả một phần, nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác. Trên cơ sở những nội dung cơ bản của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã được Chính phủ tiếp thu, chỉnh sửa và giải trình đầy đủ ý kiến của các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình thẩm tra và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ kính trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.

Hồ Hương - Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49365