Trình Quốc hội chủ trương xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía đông

Sáng 3-11, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày trước Quốc hội Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Quốc hội cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Tổng quan đường cao tốc

Tuyến đường bộ cao tốc trên hành lang kinh tế Bắc - Nam kéo dài từ Lạng Sơn (cửa khẩu Hữu Nghị) đến thành phố Cà Mau (đường vành đai số 2) dài khoảng 2.109 km, gồm các đoạn Lạng Sơn – Hà Nội dài 167km, đoạn Hà Nội – TP Hồ Chí Minh dài 1.622km, đoạn TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ dài 170km, đoạn Cần Thơ – Cà mau dài 150 km.

Trong tổng thể tuyến đường, có những đoạn đã đầu tư xây dựng và đã đưa vào hoạt động như cầu Phù Đổng – Pháp Vân, cầu Phù Đổng – Bắc Giang, Pháp Vân – Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Cao Bồ, TP Hồ Chí Minh – Long Thành, TP Hồ Chí Minh – Trung Lương và cầu Mỹ Thuận.

Một số đoạn đang thực hiện đầu tư hoặc đã phê duyệt báo cáo khả thi như Bắc Giang – Lạng Sơn, Lạng Sơn – cửa khẩu Hữu Nghị, Cao Bồ - Mai Sơn, La Sơn – Túy Loan, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Long Thành – Bến Lức, Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ. Riêng cầu Mỹ Thuận 2 kết nối cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ chưa được đầu tư.

Như vậy, hệ thống đường bộ cao tốc trên hành lang Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến thành phố Cà Mau, đã hoàn thành đưa vào khai thác 223 km, đang thực hiện đầu tư 297 km, đã xác định được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và hoàn thiện thủ tục đầu tư 67 km. Còn lại 1.372 km trên đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, 150 km đoạn Cần Thơ - thành phố Cà Mau và 7 km cầu Mỹ Thuận 2 cần phải đầu tư.

Báo cáo của Chính phủ đưa ra những lý do cần thiết phải đầu tư dự án đường cao tốc này, gồm: cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ đặc biệt Quốc lộ 1 không thể khắc phục, là lựa chọn khả thi trong bối cảnh đường sắt tốc độ cao chưa thể đầu tư sớm.

Thứ tự ưu tiên đầu tư các đoạn sắp xếp theo nhu cầu vận tải từ cao đến thấp như sau: Cao Bồ (Nam Định) - Nghi Sơn (Thanh Hóa); Dầu Giây (Đồng Nai) - Phan Thiết (Đồng Nai); cầu Mỹ Thuận 2 (nối Tiền Giang và Vĩnh Long); Phan Thiết (Đồng Nai) - Nha Trang (Khánh Hòa); Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh); Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế); Hàm Nghi (Hà Tĩnh) - Vũng Áng (Hà Tĩnh); La Sơn (Thừa Thiên - Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng); Tuy Hòa - Nha Trang; Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Hàm Nghi (Hà Tĩnh), Quy Nhơn - Tuy Hòa, Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Quy Nhơn và Cần Thơ - thành phố Cà Mau.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, hiện nay đã được đầu tư mở rộng 4 làn xe, năng lực có thể đáp ứng được khoảng 35.000 xe con tiêu chuẩn/ngày đêm. Nhưng ước tính đến năm 2020, nhiều đoạn đều quá tải, không đáp ứng được nhu cầu.

Các giai đoạn đầu tư sẽ lần lượt như sau: Giai đoạn từ năm 2017 - 2020: đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2; Giai đoạn 2021 - 2025: đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan lên thành quy mô 4 làn xe; Giai đoạn sau 2025: đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ - thành phố Cà Mau.

Dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỷ đồng (xác định theo mặt bằng giá quý II năm 2017). Trong đó Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho dự án quan trọng quốc gia, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng, bao gồm (vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng). Hình thức đầu tư bao gồm đầu tư công, PPP (đối tác công tư) và BOT.

Lưu ý một số vấn đề

Báo cáo thẩm tra thẩm tra Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, Ủy ban lưu ý Chính phủ một số vấn đề như về quy mô đầu tư phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chí an toàn, hiện đại, đồng bộ, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải trong ít nhất 20 năm tới, đặc biệt trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế.

Tờ trình của Chính phủ, có 11 dự án thành phần được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, có 8 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT). Tuy nhiên, Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy hình thức đầu tư này còn nhiều hạn chế, bất cập. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập đã nêu trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có phương án hợp lý khi quyết định áp dụng đầu tư hình thức hợp đồng BOT.

Đối với ba dự án thành phần còn lại, để làm rõ hơn lý do không đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đối với các đoạn này, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ so sánh hai hình thức đầu tư này nếu được áp dụng vào các dự án đó. Ngoài ra, đối với hai dự án đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Cầu Mỹ Thuận 2 đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án kết hợp thu giá sử dụng dịch vụ với các dự án theo hình thức hợp đồng BOT lân cận để tránh việc phát sinh thêm bộ máy quản lý vận hành và bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả của Dự án; riêng đối với dự án đoạn Cam Lộ - La Sơn theo quy hoạch trùng với đường Hồ Chí Minh và song song với tuyến Quốc lộ 1 hiện đang được thu giá sử dụng dịch vụ theo hình thức hợp đồng BOT, đề nghị cần cân nhắc đưa ra phương án thu giá sử dụng dịch vụ phù hợp để tạo được sự đồng thuận cao.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý một số vấn đề về nguồn vốn nhà nước và phương án huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, về nhu cầu sử dụng đất và phương án giải phóng mặt bằng, về đánh giá tác động môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh…

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/34596302-trinh-quoc-hoi-chu-truong-xay-dung-duong-cao-toc-bac-nam-phia-dong.html